Minh Châu biển bạc rừng vàng

Nếu ai chỉ 1 lần đến với xã Minh Châu (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đều không khỏi ấn tượng về cảnh đẹp nơi đây. Năm 2007, du lịch đã được đưa vào Minh Châu nhằm khai thác vùng đất này.

Thế mạnh du lịch của Minh Châu có bãi biển cát phẳng mịn dài khoảng 2km, và 1 rừng trâm nguyên sinh trải dài trên diện tích 14ha. Đầu tháng 12/2007 vừa qua, cùng Đoàn khảo sát bảo tồn tự nhiên và bảo tồn Nhật Bản đến xã Minh Châu, ông Lê Văn Lanh, Tổng thư ký Hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, cho biết: “Đây là rừng trâm duy nhất còn lại dọc bờ biển Việt Nam có diện tích lớn như vậy”.

Điều đáng nói hơn là ít có nơi nào người dân lại có ý thức bảo vệ rừng như ở nơi này. Người dân Minh Châu và rừng trâm gắn bó với nhau, khó có thể tách rời, cây bảo vệ cuộc sống cho con người, con người bảo vệ cuộc sống cho cây. Suốt mấy trăm năm những hàng trâm ưỡn bộ ngực trần, chắn gió, chắn cát, giữ bình yên cho xã đảo Minh Châu khỏi bao trận cuồng phong tàn phá. Vì luôn ở trong tư thế chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà những cây trâm ở đây cũng mang hình dáng khác lạ, không giống như những cây trâm ở các khu rừng khác. Chúng giống như những cánh tay gân guốc của người dân chài xã Minh Châu suốt bao năm giữ bình yên cho đảo.

Mọi người kể rằng: Ngay từ năm 1945, những người dân chài Minh Châu đã vượt rừng, vượt biển lên tận Phủ Khâm sai Bắc Kỳ yêu cầu chính quyền thực dân thời kỳ đó không được khai thác quặng ti tan ở rừng trâm. Cuộc đấu tranh tưởng như không cân sức, giữa một bên là những người dân chài nón mê chân đất, một bên là bộ máy thống trị vũ khí đầy mình. Vậy mà trước những lý lẽ cứng rắn, những người dân chài Minh Châu đã thắng; rừng trâm còn tồn tại mãi đến ngày nay, trở thành niềm tự hào của người dân xã đảo khi nói về quê hương mình…

 
Bình minh trên bãi biển Minh Châu

Minh Châu là xã hải đảo có hơn 200 hộ dân, hơn 1.000 nhân khẩu và 80% người dân ở đây sống bằng nghề khai thác hải sản như đánh cá xa bờ, đào sá sùng v.v… Nhưng tuyệt nhiên không có ai khai thác hải sản ở bãi biển có rừng trâm này. Rừng trâm và bãi biển Minh Châu giống như “của chìm” mà cha ông để lại cho con cháu khi xã bắt đầu mở mang phát triển du lịch.
Minh Châu có bãi sá sùng lớn nuôi sống 50% hộ dân ở đây. Hiện nay bãi sá sùng Minh Châu và bãi sá sùng Quan Lạn là 2 bãi sá sùng lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trên đảo còn nhiều loài cây quý hiếm như cây ba kích, tùng la hán phân bố rải rác ở quanh đảo và nhiều loài sinh vật quý hiếm như hải sâm, cầu gai.

Trong vài, ba năm gần đây, nhiều người đi tàu thuỷ từ Cái Rồng (Vân Đồn) sang Minh Châu còn gặp đàn cá heo từ 4-6 con… sự xuất hiện đàn cá heo báo hiệu môi trường biển Vân Đồn đang dần ổn định. Ở gần bãi biển Minh Châu có 1 rừng san hô ngầm, là nơi trú ngụ của nhiều loài rùa biển. Người dân Minh Châu đã đứng ra thành lập đội bảo vệ loài động vật quý này, như bảo vệ bãi rùa đẻ trứng, tuyên truyền cho các ngư dân trả lại tự do cho những chú rùa vô tình mắc vào lưới của họ.

Năm 2006, đội tình nguyện đã cứu được 1 chú rùa biển nặng khoảng 120 kg mắc vào lưới của ngư dân. Việc tuyên truyền bảo vệ rùa biển còn được đưa vào chương trình học của học sinh Trường tiểu học Minh Châu.

Cuối tháng 09/2007 vừa qua, Quỹ môi trường Thụy Điển SIDA, Trung tâm vườn quốc gia NPC, phối hợp với Vườn quốc gia Bái Tử Long, đã tiến hành khảo sát tiềm năng du lịch của Minh Châu. Minh Châu hứa hẹn phát triển nhiều loại hình du lịch, như sinh thái, câu cá ở vũng Ô lợn.

Trước đây vũng Ô lợn là nơi trú ngụ của nhiều loài lợn rừng, chúng đào ổ làm nơi trú ngụ mà tạo thành tên gọi. Bây giờ lợn rừng rất hiếm, nhưng khu vực này có rất nhiều loài hải sản như mực nang, mực ống, cá mú v.v… có thể phát triển loại hình du lịch câu cá. Một loại hình du lịch nữa cũng sẽ được mở ra, đó là du lịch khám phá hang động, trong đó những hang thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long quản lý chưa đưa vào khai thác nên có ít người biết đến. Đó là hang Soi Nhụ, hang luồn Cái Đé v.v…

Trong những năm tới đây, từ mục đích phát triển khu kinh tế Vân Đồn huyện Vân Đồn sẽ đầu tư mạnh vào việcphát triển du lịch ở 3 xã Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen và từ đó du lịch sẽ thực sự là luồng sinh khí thổi vào Minh Châu, tạo đà cho Minh Châu có những bứt phá để thoát nghèo, trở thành xã thực sự có tiềm năng ở khu kinh tế Vân Đồn.