Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sau một năm nhìn lại

ThienNhien.Net – Trong những năm qua, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên. Sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên từ cuối năm 2007 và 2008 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những khó khăn ở trong nước như thiếu vốn, lãi xuất cao, chi phí đầu tư tăng… Ngành công nghiệp gỗ đang gặp phải rất nhiều khó khăn và đối mặt với nguy cơ giảm mạnh tăng trưởng trong giai đoạn tới. Năm 2008 dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ là 3 tỷ USD, nhưng đến hết tháng 10/2008 mới đạt 2,3 tỷ USD và dự kiến 2 tháng còn lại đạt 500 triệu USD, do đó kim ngạch xuất khẩu cả năm cao nhất cũng chỉ đạt được 2,8 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm gỗ giảm

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ. Theo ước tính thì nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gỗ của người Mỹ và các nước EU năm 2008 giảm đến 30%, do đó kéo theo sự giảm sút về sản xuất kinh doanh của các DN chế biến gỗ Việt Nam.

Năm 2008, Chính phủ tập trung nỗ lực để kìm chế lạm phát và giảm nhập siêu. Điều đó hoàn toàn đúng với quy mô quốc gia. Nhưng đối với một ngành sản xuất cụ thể như ngành gỗ mà nguồn nguyên liệu chủ yếu dựa vào nhập khẩu thì quả là một khó khăn. Với đầu ra của sản phẩm sản xuất luôn không thay đổi, trong khi đầu vào (chi phí) là những con số biến đổi theo chiều hướng tăng. Lợi nhuận của sản phẩm gỗ xuất khẩu tối đa cũng chỉ được 10%, trong khi các yếu tố đầu vào tác động đến giá thành từ 18% – 20% là một gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn cụ thể: các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU có sự kiểm soát chất lượng, nguồn gỗ với các luật lệ mới được ban hành như: đạo luật LACEY của Mỹ, căn cứ vào đạo luật này, hành động lấy gỗ khai thác, sử dụng, vận chuyển, bán hoặc xuất khẩu không tuân thủ quy định của luật pháp bất kỳ quốc gia nào được xem là vi phạm luật tại Hoa Kỳ. Hay ở EU sẽ thực hiện Hiệp định “Tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT). Theo Hiệp định này tất cả các chuyến hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc.

Giá dầu tăng dẫn đến giá vận chuyển nguyên liệu tăng rất cao, từ Nam Phi về Việt Nam giá vận tải chiếm 27% giá gỗ, từ Nam Mỹ là 37% và từ Nam Thái Bình Dương là 45%,…

Sức cạnh tranh mua nguyên liệu của Việt Nam yếu hơn Trung Quốc, Malaysia, Indonexia,…
Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm đã kéo kết quả sản xuất kinh doanh giảm theo. Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ 2000- 2005 tăng 4,4 lần so với năm 2000, nhưng thời kỳ 2006 – 2008 chỉ bằng 2,5 lần so với thời kỳ 2000 – 2005.

Nếu tính chỉ tiêu hiệu quả đồng vốn (cố định và lưu động) năm 2006 cần 1,07 đồng vốn để sản xuất ra 1 đồng doanh thu, năm 2007 là 0,97 và năm 2008 ước tính là 0,91. Năng xuất lao động tính theo chỉ tiêu doanh thu/lao động bình quân năm 2006 đạt 102 triệu đồng LD/năm; năm 2007 tuy có tăng nhưng cũng không bù đắp được với lãi xuất cao, giá cả tăng, chi phí đầu tư tăng.

Trước tình hình khó khăn như vậy, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã gồng mình để vượt qua, nhưng cũng không tránh khỏi một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, thậm chí thu lỗ, phá sản.

Những khó khăn thách thức trong năm 2009

Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ sẽ bị thu hẹp. Đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời vào Mỹ và EU sẽ khoảng 30 – 35% và có những hợp đồng đã ký sẽ bị hoãn hoặc dừng hẳn.

Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam sẽ không có tiền trả cho doanh nghiệp Việt Nam sau khi nhận được hàng như trước đây vì Ngân hàng ở nước ngoài thắt chặt tín dụng khiến cho các nhà nhập khẩu không vay được tiền.

Xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi bảo hộ thương mại tinh vi tại các thị trường lớn: Đạo luật Lacey vừa được ban hành tại Mỹ, bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay và đầu năm sau cũng thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Tại EU, theo Hiệp định “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT), tất cả các chuyến hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được cơ quan thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của các lô hàng thông qua các bằng chứng gốc.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu khó tiêu thụ vì các doanh nghiệp thiếu đơn hàng và có rất ít hợp đồng sản xuất năm 2009 đã ký điều đó ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu năm 2009.

Việc tiếp cận nguồn vốn vay bằng VNĐ cho sản xuất kinh doanh vẫn còn bất cập. Lãi xuất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao 17 – 18%/năm. Điều này làm chi phí tăng cao ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 2009 chỉ đạt từ 8 – 10%.

Để thực hiện được tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm năm 2009 như nêu trên các doanh nghiệp cần rà soát các hợp đồng có kỳ hạn. Đặc biệt cần chú ý khả năng thanh toán của đối tác. Cẩn trọng trong việc sử dụng các công cụ thanh toán, điều kiện thanh toán trong các giao dịch có khả năng tiềm ẩn rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của đối tác.

Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cập nhật và phân tích thông tin về tình trạng pháp lý để phòng tránh và giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng xuất khẩu đặc biệt ở các quốc gia đang chịu tác động ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Trong tình hình khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần chủ động đề xuất các giải pháp điều chỉnh sản xuất tiết kiệm chi phí tăng sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu trên thị trường thế giới và khu vực.

Một số giải pháp kiến nghị trình Chính phủ

Xem xét điều chỉnh hợp lý lãi suất tiền đồng Việt Nam. Đây là biện pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất.

Ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp gỗ thu mua nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu.

Đảm bảo duy trì tỷ giá theo hướng có lợi cho xuất khẩu.

Xem xét giảm thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ nguồn gỗ nhập khẩu.

Mở rộng định mức vay và giãn thời gian trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gỗ.

Xem xét giảm mức lãi xuất cho vay tín dụng xuất khẩu đang áp dụng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam.
Nghiên cứu đưa ra các biện pháp ứng phó với các hành vi bảo hộ thương mại của Mỹ và EU đối với mặt hàng đồ gỗ.

Theo dõi, cập nhật và phân tích thị trường để thông báo thường xuyên cho các doanh nghiệp. Nắm bắt và có phương pháp đối phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Đề nghị các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý và khả năng thanh toán của đối tác, nhằm giảm thiểu rủi ro trong giao kết hợp đồng xuất khẩu, nhất là ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang chịu tác động ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.