Hiệu quả mô hình trồng nấm thuốc xuất khẩu

ThienNhien.Net – Nhiều doanh nghiệp sản xuất nấm linh chi để làm thuốc trị bệnh và chiết xuất tinh chất để xuất khẩu, thu lợi nhuận cao.

Anh Nguyễn Công Thành, Giám đốc Công ty Sài Gòn Linh Chi, vốn là một Việt kiều Hungary, làm việc trong ngành viễn thông. Anh Thành kể gia đình của mình có tiền sử bệnh huyết áp, người mẹ của anh đã ra đi vì căn bệnh này và ngay cả anh cũng bị cao huyết áp từ nhỏ. Nghe nhiều người bảo uống nước nấu từ nấm linh chi sẽ tốt cho bệnh này, anh liền tìm hiểu thử, sau dùng uống thường xuyên và nhận thấy huyết áp của mình dần ổn định. Từ đó, anh quyết định trồng nấm linh chi nhiều hơn để gia đình và những người xung quanh có điều kiện dùng trị bệnh.

Linh chi Việt xuất khẩu 

Năm 2009, anh mua đất và bắt đầu trồng thử nghiệm lô nấm đầu tiên tại trang trại rộng 6.000 m2 ở huyện Củ Chi (TP.HCM), sau đó tiến tới thành lập Công ty Sài Gòn Linh Chi. Vào tháng 1/2010, anh Nguyễn Công Thành mang sản phẩm trà nấm linh chi do anh nghiên cứu, chế biến sang Hungary vừa để tìm hiểu thị trường, vừa tiếp thị và đã nhận được nhiều sự quan tâm. Sau đó, anh quảng bá sản phẩm sang nhiều nước khác.

Đến nay, sản phẩm trà nấm linh chi của anh Thành đã được tiêu thụ ở nhiều nước châu Âu như Ba Lan, Hungary, Đức, Pháp… và tất nhiên không thể vắng mặt tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, anh Nguyễn Công Thành đã nghiên cứu thêm để chế xuất ra tinh chất từ nấm linh chi (còn gọi là cao nấm linh chi) dễ tiêu thụ và có giá trị cao hơn so với sản phẩm nấm khô, bảo quản lâu hơn.

Để sản xuất phôi nấm linh chi chất lượng cần có quy trình khép kín
Để sản xuất phôi nấm linh chi chất lượng cần có quy trình khép kín

Không chỉ Sài Gòn Linh Chi, khá nhiều nhà đầu tư cũng đã nhận ra khả năng sinh lợi cao từ loại nấm thuốc này, trong khi xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, bảo đảm an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo thống kê gần đây của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM, địa bàn TP.HCM đang có hơn 100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nấm linh chi, chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ. Trong đó có một số đơn vị trồng khá thành công nhiều loại nấm linh chi khác như Linh Chi Vina, trại nấm Phú Bình…

Đơn cử là Công ty Nấm Việt ở Củ Chi, diện tích trồng khoảng 8 ha, đang sở hữu nhiều chủng loại nấm linh chi như hoàng linh chi, thượng hoàng… Đại diện Nấm Việt cho biết công ty đạt doanh thu khá cao, 400-850 triệu đồng/ha. Công ty tự sản xuất phôi nấm để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị, cửa hàng Đông y…

Không thua linh chi Hàn Quốc 

Theo BS Trần Văn Năm, Quyền Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, việc nhiều doanh nghiệp trồng nấm linh chi ở Việt Nam là khá tốt, giúp đảm bảo về mặt giá cả cho sản phẩm, phục vụ thị trường trong nước, cạnh tranh với hàng ngoại nhập (nấm linh chi Hàn Quốc cũng được bán nhiều ở Việt Nam). Một số mô hình trồng nấm linh chi ở TP.HCM, Bình Dương thực hiện tốt các quy chuẩn kỹ thuật về trồng nấm, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu dùng làm thuốc trị bệnh. Nấm linh chi có thể trị các loại bệnh như cao huyết áp, ung thư, xơ gan, làm giảm cholesterol…

Giá nấm linh chi trong nước dao động 300.000-500.000 đồng/kg nấm thô nhưng sau khi được sơ chế đóng gói, doanh nghiệp có thể bán ra khoảng 1 triệu đồng/kg. Trong khi đó, sản phẩm tinh chất nấm linh chi do Sài Gòn Linh Chi sản xuất được bán với giá 200.000 đồng/hũ 5g.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Nông nghiệp TP.HCM, xu hướng trồng nấm linh chi của doanh nghiệp dẫu còn mới nhưng là mô hình kinh doanh đáng được khuyến khích nhằm mở rộng thị trường nấm linh chi Việt Nam, đồng thời phát triển được một loại thuốc Đông y trị bệnh khá hữu hiệu. Do được trồng trong nước nên giá cả chắc chắn rẻ hơn so với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng đảm bảo và có thể xuất khẩu mang về giá trị cao.

Theo anh Nguyễn Công Thành, để đầu tư một trang trại nấm linh chi đúng quy chuẩn không quá khó, trung bình tốn khoảng 50 triệu đồng (khoảng 100 m2 bao gồm dàn kệ, tưới tiêu bán tự động…) và có thể tiết giảm chi phí xuống dưới 30 triệu đồng. Mỗi mùa vụ, tiền phôi nấm khoảng 3.500 đồng/bịch, một trại có thể trồng khoảng 13.000 sản phẩm. Sau ba tháng thì thu chừng 250 kg nấm khô.

Do nấm linh chi cũng là một loại thuốc nên ông Phạm Thiết Hòa lưu ý, khi trồng phải đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn, nếu không sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dùng và uy tín người kinh doanh.

Cần sự hợp tác tốt hơn từ nông dân Hiện nay, các doanh nghiệp nấm linh chi rất muốn mở rộng quy mô sản xuất nên sẵn sàng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng trọt. Thế nhưng cái khó của doanh nghiệp khi hợp tác với nông dân là tình trạng lúc giá cao thì nông dân bán cho nơi khác, lúc giá quá thấp thì yêu cầu doanh nghiệp giữ giá mua theo hợp đồng. Bên cạnh đó, do nông dân xây dựng trang trại sơ sài nên vi khuẩn dễ xâm nhập, chất lượng không đảm bảo khiến doanh nghiệp không dám mua để chế biến xuất khẩu.“Nông dân trồng nhiều nhưng vẫn bán sản phẩm thô là chính nên doanh thu chưa cao. Trong khi các chế phẩm nấm linh chi chế biến, đóng gói thì giá trị cao hơn nhiều, nhất là xuất khẩu. Việc này đòi hỏi nông dân phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn với doanh nghiệp chúng tôi” .

Anh Nguyễn Công Thành

Giám đốc Công ty Sài Gòn Linh Chi