Khuyến khích thu gom và tái chế giấy

ThienNhien.Net – Thời báo Kinh tế Số 314 cho biết theo định hướng chiến lược phát triển của ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, nhu cầu tiêu thụ giấy nước ta là trên 1,2 triệu tấn. Như vậy, khả năng về cơ hội sử dụng giấy tái chế ở Việt Nam là rất lớn.

Tái chế giấy có nhiều mặt lợi. Thứ nhất, tái chế giấy đã qua sử dụng sẽ làm giảm tổng lượng gỗ phải chặt hạ để sản xuất bột giấy. Như vậy có nghĩa là sẽ giữ lại được rừng và toàn bộ giá trị mà hệ thống sinh thái rừng cung cấp bao như nước sạch, môi trường sống và tính đa dạng sinh học.

Thứ hai, sản xuất bột từ giấy phế liệu làm giá thành nguyên liệu thấp hơn rất nhiều so với dùng gỗ. Khi sử dụng bột làm từ giấy phế liệu, doanh nghiệp sẽ được lợi về chi phí sản xuất so với dùng bột gỗ nguyên chất, làm giá thành giấy hạ, và tiết kiệm được ngân sách cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Thống kê của Viện Công nghiệp giấy và xenlulô cho thấy hàng năm lượng giấy phế liệu của nước ta có thể sản xuất khoảng 80 nghìn tấn bột giấy. Tuy nhiên, lượng giấy phế này vẫn đang bị “đốt cháy” rất lãng phí. Theo nhận định của ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có định hướng về thu gom, sử dụng giấy loại cũng như chưa có chính sách khuyến khích hay quy định nào về thu gom và tái chế giấy. Điều này khiến cho quá trình thu mua giấy phế liệu trong nước của các công ty sản xuất giấy gặp nhiều khó khăn.

Để hạn chế áp lực từ việc sử dụng gỗ vào sản xuất giấy, khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn bột giấy thế giới, VPPA kiến nghị Nhà nước luật hoá công tác thu gom giấy đã qua sử dụng và tái chế, coi đây là nguyên liệu chính sản xuất giấy. Đây là bước đi cần thiết để chuẩn bị cho ngành giấy Việt Nam đối phó với sự cạnh tranh của các ngành khác trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm như đất, nước, rừng, than đá, dầu mỏ…