Xây dựng đề án từng loại cây trồng, phát triển toàn diện trồng trọt

ThienNhien.Net – Chiều 30/12, chủ trì cuộc họp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương và Văn phòng Chính phủ về phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, phải có chính sách đủ mạnh để xây dựng nông nghiệp gắn kết đồng bộ với phát triển công nghiệp, dịch vụ và làng nghề ở nông thôn, đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để có người nông dân có kiến thức, làm chủ nông thôn mới.

Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 với mục tiêu chủ yếu là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng sản phẩm, đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực, có năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân…

Ưu tiên phát triển các nhóm hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho biết, định hướng phát triển các ngành hàng chính trong trồng trọt chính là ưu tiên phát triển các nhóm hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao, có thị trường xuất khẩu ổn định như lúa gạo, rau, cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, quả các loại.
Ngoài ra, phát triển nhóm nông sản có lợi thế cạnh tranh trung bình như ngô, mía, đường, lạc, dừa quả, ca cao, hoa cây cảnh và hỗ trợ phát triển nhóm nông sản có lợi thế cạnh tranh thấp như sắn, đậu tương, thuốc lá, bông.

Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, ngành trồng trọt hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức, trước hết là đất canh tác, lao động nông nghiệp giảm mạnh, môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là đất và nguồn nước. Ngoài ra nông sản Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt khi tham gia WTO, trước mắt chịu tác động trực tiếp và hết sức nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, cần phải đảm bảo an ninh lương thực bền vững lâu dài trong mọi tình huống bằng phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho chế biến, xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt khoảng 20 tỷ USD.

Phát triển trồng trọt gắn với xóa đói giảm nghèo

Góp ý kiến cho Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020, hầu hết đại diện lãnh đạo các Bộ đều cho rằng nên xây dựng thành Đề án tổng thể phát triển ngành trồng trọt.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, giải quyết những vấn đề của nông nghiệp trong đó có trồng trọt trước hết cần tập trung giải quyết những hạn chế hiện nay như sản xuất trồng trọt manh mún; năng suất cây trồng, chất lượng nông sản, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa cao.

Thứ trưởng Cao Viết Sinh cũng đề nghị nên có những có những đề án phát triển thương hiệu của từng loại cây trồng. Có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động cho ngành trồng trọt và cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường nông sản cho nông dân…

Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng cho rằng, cần cụ thể hóa đối với từng loại cây trồng cụ thể, xác định vấn đề nào là đột phá để tập trung giải quyết và phát triển. Xây dựng cơ chế chính sách và quy hoạch để kích thích doanh nghiệp vào cuộc, cơ chế tạo ra thị trường…

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, nên chuyển Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020 thành Đề án tổng thể, bám sát vào Nghị quyết Tam nông, để từ đó xây dựng đề án cho từng loại cây trồng cụ thể, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: quy hoạch, giống cây trồng, các điều kiện cần thiết để bảm bảo cây trồng phát triển được; tổ chức sản xuất; bảo quản; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT có cách làm sáng tạo, tạo sự chuyển động tích cực ngay trong năm 2009 đối với trồng trọt. Ngoài ra thực hiện đồng bộ giữa đề án phát triển ngành trồng trọt với đảm bảo an ninh lương thực, phát triển rừng bền vững, chăn nuôi, thủy sản…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, quan tâm phát triển nông nghiệp, trong đó có trồng trọt cần phải gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân.