Hội nghị triển khai kế hoạch ngành TN&MT năm 2009

ThienNhien.Net – Ngày 29/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác ngành TN&MT 2009 do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chủ trì. Hội nghị vinh dự được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tới dự và cho ý kiến chỉ đạo. Tham dự có nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, các đồng chí nguyên là Thứ trưởng Bộ TN&MT, đại diện các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát huy thành tích, nâng cao hơn nữa hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về TN&MT

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chúc mừng ngành TN&MT đã triển khai tốt nhiệm vụ, công tác thời gian qua, hoan nghênh lãnh đạo Bộ đã tổ chức giao ban ở nhiều vùng trên cả nước, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và ghi nhận kiến nghị của địa phương, trước khi tiến hành Hội nghị này.

Năm 2008, đánh dấu nhiều sự kiện lớn với Bộ TN&MT. Đó là việc Chính phủ ra Nghị định 25/2008/NĐ-CP ngày 4/3/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&TM với nhiều nhiệm vụ quản lý, tổ chức mới. “Điều này thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với lãnh đạo cũng như tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành TN&MT”.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực và nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Triệu Văn Bé.

Năm 2008 ngành TN&MT đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, công tác cải cách hành chính là thành tích nổi bật của ngành, với việc triển khai thí điểm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000. Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 21/22 văn bản quy phạm pháp luật, một con số khá lớn. Bộ cũng đã tổ chức nhiều hội thảo với các địa phương, Bộ, ngành giải quyết nhiều vướng mắc về đất đai, nhằm tìm ra những điểm còn bất cập trong chính sách và cơ chế quản lý để tìm cách tháo gỡ.

Phó thủ tướng phát biểu: “Cần tiếp tục đánh giá, phân tích, làm rõ lý do các nhóm khiếu nại tố cáo liên quan đến TN&MT nói chung, đặc biệt là đất đai, vì sao năm qua giảm được tới 30% so với trước”.

Công tác bảo vệ môi trường năm qua, theo Phó Thủ tướng, cũng được ngành TN&MT thực hiện tốt: “Chúng ta cần làm quyết liệt dù có thể đau đớn. Có thể nói năm 2008, chúng ta đã gióng lên hồi chuông cho toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Các Ủy ban lưu vực sông đã được thành lập và bắt đầu hoạt động. Chủ tịch các Ủy ban lưu vực sông ý thức hơn về trách nhiệm quản lý liên vùng. Người dân và các cấp lãnh đạo nhận thức cần đầy đủ hơn rằng đã đến lúc, chúng ta phải kiên quyết hơn với công tác bảo vệ môi trường”.

Phó thủ tướng chỉ đạo: Tất cả các dự án đầu tư mới phải được đánh giá tác động môi trường. Đối với dự án cũ cũng cần có lộ trình, bước đi thích hợp nhằm hạn chế từng bước mức độ gây ô nhiễm. Các dự án khai thác khoáng sản, vì vậy cũng cần phải đánh giá tác động môi trường một cách cụ thể, chi tiết. Theo dõi kiểm tra đánh giá khi triển khai, đảm bảo tác động môi trường được hạn chế tối thiểu. “Tất nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan môi trường đòi hỏi ngành TN&MT phải làm tốt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2009.
Đó là cần tiếp tục sửa đổi bổ sung các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai. Cần tiếp tục thực hiện, để ban hành sớm Nghị định sửa đổi bổ sung, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, vận hành Nghị định sửa đổi này một thời gian trước khi sửa đổi Luật Đất đai.

Các kiến nghị của các địa phương về việc chồng chéo trong quản lý tài nguyên nước, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tổng hợp rà soát, tiếp tục kiến nghị Chính phủ giải quyết vướng mắc nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước. “Việc đánh giá nước ta không hề giàu về tài nguyên nước, dù gây ngạc nhiên nhưng là đúng và khoa học. Cần tìm các giải pháp quy hoạch nguồn nước cấp, nước thải, ở các địa phương sao cho hợp lý hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Năng lực dự báo khí tượng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng cần đầu tư hơn nữa, đặc biệt là đầu tư cho công tác đào tạo của lĩnh vực này. Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã đươc Chính phủ phê duyệt, một Chương trình lớn đòi hỏi sự hợp tác trong và ngoài nước, hy vọng sẽ được triển khai tốt hơn trong thời gian tới đây.

“Kinh tế hóa, tài chính hóa” ngành TN&MT là chủ trương vô cùng quan trọng, mang tính chiến lược

Thay mặt lãnh đạo, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và khẳng định sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nêu 7 nhiệm vụ trọng tâm cần làm tốt trong năm 2009.

Thứ nhất, tiếp tục điều chỉnh tổ chức bộ máy theo Nghị định số 25/2008/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT/BTNMT-BNV, bảo đảm phù hợp và hiệu quả hơn; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ mới, trong đó đặt trọng tâm vào công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT, trước mắt khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các dự án Luật theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội đến năm 2011, cụ thể Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật Đo đạc và Bản đồ, Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Bảo vệ TN&MT biển và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, tổ chức triển khai hướng dẫn ngay Luật Đa dạng sinh học vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, chương trình mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, cụ thể Chiến lược phát triển bền vững ngành TN&MT, Chiến lược quốc gia về tài nguyên môi trường biển, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp dải ven bờ, Quy hoạch sử dụng đất cả nước giai đoạn 2011 – 2020, Quy hoạch tài nguyên nước, lưu vực sông đến năm 2020. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chiến lược, kế hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt chú trọng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt tháng 12 năm 2008.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và hoàn thiện các quy trình, quy phạm, định mức kinh tế – kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường; địa chất khoáng sản; biển và hải đảo.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm văn bản giấy tờ. Hướng về địa phương và cơ sở. Đặt trọng tâm vào những đơn vị có nhiều khó khăn, bức xúc, các tỉnh gặp nhiều khó khăn không đủ khả năng tự cân đối ngân sách; phải xây dựng cho được hệ thống kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật thực sự có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, tăng cường việc tự kiểm tra của các địa phương, tiếp tục giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu tố liên quan đến lĩnh vực TN&MT; thực hiện công khai hóa thông tin về TN&MT. Từ 1/1/2009, Bộ TN&MT sẽ giao ban điện tử và nối mạng với tất cả các Sở TN&MT trên cả nước.

Thứ sáu, nâng cao trình độ và tiềm lực khoa học và công nghệ của ngành, gắn khoa học và công nghệ với thực tiễn sản xuất, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản và dự báo về TN&MT, chú trọng đặc biệt nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn; công tác điều tra cơ bản và dự báo phải phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế – xã hội và dân sinh.

Thứ bảy, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tiếp tục củng cố và mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và hợp tác đào tạo cán bộ cho ngành TN&MT.

Định hướng các nội dung công tác lớn trong thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đặc biệt nhấn mạnh tới phong trào thi đua thực hiện chủ trương “kinh tế hóa, tài chính hóa” ngành TN&MT. “Đây là chủ trương lớn, vô cùng quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong năm 2009 và năm 2010, là hai năm cuối của kỳ Kế hoạch 5 năm, hy vọng chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong toàn ngành TN&MT và trong toàn xã hội để khắc phục những khó khăn và tồn tại hiện nay”, Bộ trưởng phát biểu.