Nguy cơ từ ngành chăn nuôi không bền vững của Trung Quốc

ThienNhien.Net – Trong nhiều thập kỉ qua, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách Trung Quốc luôn phải đau đầu tính toán để trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để cung cấp đủ thực phẩm cho hơn 1 tỉ người dân?” Nay, câu hỏi đó vẫn còn, nhưng người Trung Quốc có thêm nỗi lo “Làm thế nào để cung cấp đủ thức ăn cho gia súc?”.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi

Trung Quốc hiện nay không chỉ là “nhà máy của thế giới” mà còn là quốc gia sản xuất và tiêu thụ nông sản nhiều nhất thế giới, đặc biệt là các loại thịt.

Trong 10 năm qua, lượng tiêu thụ thịt heo, loại thịt phổ biến nhất Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Đồng thời Trung Quốc cũng vượt qua Mỹ để trở thành nước có năng suất thịt heo đứng đầu thế giới với 700 triệu con lợn được giết mổ mỗi năm. Quốc gia này có lượng gia súc gia cầm khoảng 10 tỉ con và cũng đã vượt qua Mỹ để đứng đầu về sản lượng thịt gà.

Hiện tại ở Trung Quốc, doanh thu thức ăn nhanh đạt 28 tỷ USD mỗi năm. McDonald’s, nhà tài trợ chính của Olympic Bắc Kinh, có gần 1000 nhà hàng khắp Trung Quốc, bao gốm cả 4 nhà hàng trong khu thể thao Olympic phục vụ các vận động viên, khán giả và báo giới.

Chính phủ Trung Quốc cũng mở cửa đón các nhà đầu tư sản xuất thịt, sữa đa quốc gia và các công ty liên doanh cung cấp thức ăn động vật, bao gồm:Tyson Foods, Smithfield Farms và Novus International.

Nguy cơ từ sự phát triển thiếu bền vững

Cứ 15 người trên thế giới thì có một người mang quốc tịch Trung Quốc, vì vậy chỉ một sự gia tăng nhỏ trong mức tiêu thụ thịt và sữa của một cá nhân cũng sẽ tác động rõ nét đến môi trường, khí hậu, sức khỏe và an toàn thực phẩm. Người Trung Quốc ăn gì, sản xuất thực phẩm ra sao đều ảnh hưởng không chỉ trong nước mà đến cả thế giới.

Việc sản xuất thịt và sữa tác động trực tiếp đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, gần 18% lượng khí nhà kính toàn cầu xuất phát từ chăn nuôi, lớn hơn cả lượng khí thải giao thông của cả thế giới.

Năm 2008, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước phát thải CO2 nhiều nhất thế giới. Hiện nay, lượng khí thải tính theo đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 2,1 tấn năm 1990 lên 5,1 tấn, và sẽ tăng thêm nữa khi ngành chăn nuôi được mở rộng hơn.

Chất thải của các loài vật nuôi cũng là vấn đề đáng quan ngại. Hàng năm, các trang trại chăn nuôi Trung Quốc thải ra 2.7 tỉ tấn phân, gần gấp 3.5 lần lượng chất thải công nghiệp. Giáo sư Đại Học Nông nghiệp Trung Quốc, ông Xu Cheng ước tính chỉ 3% các khu chăn nuôi quy mô lớn và vừa ở Trung Quốc có thể xử lí chất thải vật nuôi.

Hoạt động chăn nuôi cũng tạo nên “khu vực chết” ở biển Nam Trung Quốc, nơi hầu như không có một loài sinh vật biển nào sinh sống. Ở miền Bắc Trung Quốc, chăn nuôi quá mức đã lấn chiếm gần 400.000 hecta, biến những vùng đất xanh tươi thành hoang mạc.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Trung Quốc, vào những năm 1930, 97% calo có trong bữa ăn của một người Trung Quốc bình thường là từ ngũ cốc và rau củ, đến năm 2002 xuống còn 63%. Nghiên cứu gần đây của giáo sư dinh dưỡng Đại Học Bắc Carolina, Barry Popkin, cho thấy gần như cứ 4 người Trung Quốc trưởng thành thì lại có 1 người bị bệnh thừa cân. Con số thống kê cho biết 80% số người tử vong ở Trung Quốc, ngoài bệnh tim và ung thư, là do khẩu phần ăn dư thừa chất béo và đạm.

Nghiêm trọng hơn, WHO cảnh báo rằng rất nhiều loại thuốc kháng sinh thiết yếu như penicillin sẽ không còn tác dụng đối với hơn 90% loại vi khuẩn ở châu Á do sự lạm dụng thuốc cho các vật nuôi.

Trước Thế vận hội Olympic, ông Jia Youling, chủ tịch Hội bác sĩ thú y thuộc Bộ nông nghiệp Trung Quốc, đã khẳng định rằng một vài nông dân Trung Quốc vẫn sử dụng thuốc tăng trưởng, phẩm màu và những hóa chất cấm khác cùng với các chất phụ gia với lượng kim loại cao để chăn nuôi, gây ô nhiễm nguồn nước và cây trồng.

Những tác động của dịch “tai xanh”, cúm gia cầm và SARS ở Trung Quốc, cũng như việc phát hiện ra melamine trong các sản phẩm Trung Quốc đã đe dọa thị trường thực phẩm thế giới. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Đồng Olympic Mỹ đã tiếp nhận 11.334 kg các loại thịt bò, gà, heo từ hãng thực phẩm Tyson của Mỹ cho vận động viên của họ sử dụng trong suốt Thế vận hội Olympic Bắc Kinh.

Thịt, sữa, gạo là những nhu cầu chính trong bữa ăn của người Trung Quốc, và vì nguồn tài nguyên nước và đất đang bị thu hẹp dần, chính phủ Trung Quốc đang nhắm đến thị trường nước ngoài để bảo đảm an ninh lương thực. Họ không chỉ nhắm đến thị trường khu vực mà còn sang cả Châu Phi, Mỹ Latinh và những khu vực khác của châu Á để tìm kiếm diện tích đất sản xuất thực phẩm cho cả con người và vật nuôi.

Năm 2007, giá ngũ cốc đã tăng vọt 42% so với 2006, gây nên nguy cơ đói kém và suy dinh dưỡng cho người nghèo. Hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng một trong số đó chính là do sự gia tăng nhu cầu ngũ cốc cho chăn nuôi.

Phải mất nhiều thập kỷ người ta mới nhận ra mối đe dọa tới môi trường, kinh tế, sức khỏe cộng đồng, bảo tồn động vật do sự phát triển ở phương Tây nhưng chỉ mất một vài năm để nhận ra điều đó ở Trung Quốc. Sự phát triển của Trung Quốc đang tạo nên một bước nhảy vọt về kinh tế nhưng cũng là một gánh nặng chưa từng có đối với môi trường.

Hướng đi của chính phủ Trung Quốc dường như đã được xác lập, nhưng các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu và cả nhà hoạch định chính sách vẫn đặt ra nhiều thắc mắc. Theo họ, cùng với sự an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, bảo vệ mội trường và chất lượng thức ăn mới là vấn đề chứ không phải số lượng.

Vì một nền chăn nuôi bền vững, nhân bản và an toàn, Trung Quốc cần thực hiện một cuộc khảo sát nghiêm khắc về hậu quả của tốc độ phát triển nhanh chóng các trang trại chăn nuôi trước khi quá muộn.