Hợp tác phát triển kinh tế sinh học

ThienNhien.Net – “Với nguồn nguyên liệu di truyền từ vi sinh vật của thiên nhiên, môi trường Việt Nam hết sức phong phú, đặc biệt là biển, thông qua hợp tác với BE-Basic của Hà Lan sẽ là tiền đề tốt để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học”.

Đó là nhận định của Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST).

Tại hội thảo quốc tế “Khởi động thực hiện chương trình VN-Basic – Hợp tác đổi mới khoa học hướng tới phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học” được tổ chức vào ngày 3/10, tại Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Công cho biết, từ năm 2009, VAST đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng chính sách khoa học công nghệ quốc gia để trình chính phủ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học Việt Nam (được gọi tắt là Kinh tế sinh học).

Hội thảo (Ảnh: Vietnamnet)
Quang cảnh hội thảo (Ảnh: Vietnamnet)

Theo giáo sư Công, đây là đột phá mang tính cách mạng nên cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để lồng ghép với các chương trình khác đang tồn tại và trong đó rất cần sự tham khảo những kinh nghiệm đi trước của Hà Lan và các nước khác.

“Chúng tôi tin tưởng, với sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hà Lan, nguyên liệu mới sẽ được phát hiện, khai thác sàng lọc, sử dụng qua công nghệ sinh học và các công nghệ nền, công nghiệp sinh học để tạo ra các nguyên liệu cần thiết để phát triển kinh tế sinh học”, giáo sư công nói.

Đại diện của BE-Basic cũng cho rằng Việt Nam có nguồn sinh khối lớn, có hệ sinh thái dồi dào, có cơ sở hạ tầng vận chuyển nguyên liệu tốt. Điều này tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sinh học.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cũng nhận định trong thế kỷ 21, nền kinh tế dựa trên nền tảng sinh học sẽ đóng vai trò tương tự như nền kinh tế dựa vào nguyên/nhiên liệu hóa thách trong thế kỷ 20. Kinh tế nền tảng sinh học sẽ là bước phát triển tiếp theo của nền công nghiệp dựa trên công nghệ sinh học nhờ bước đột phát từ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

“Như chúng ta đã biết, hiện nay các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Có thể thấy rằng việc sử dụng sinh khối trên cơ sở áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến sẽ cho phép thay thế rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc nông nghiệp. Thay cho nguyên/nhiên liệu hóa thạch sẽ là các nguyên liệu có nguồn gốc nông nghiệp, chúng sẽ tạo ra nhiên liệu, các sản phẩm hóa chất và các vật liệu khác”, ông Tiến nói.

Được biết, tổng kinh phí được tài trợ từ phía BE-Basic cho ba dự án hợp tác phát triển kinh tế sinh học vào khoảng 3,05 triệu euro và phía Việt Nam cũng sẽ có một khoản tài trợ tương đương. Nguyên tắc cơ bản của hợp tác này là mỗi nước tự chi trả cho phần của mình và nguồn tài trợ sẽ được dùng để thúc đẩy chuyển giao và trao đổi nhân sự, vật liệu.