Tạo công bằng với doanh nghiệp xanh

ThienNhien.Net – Để đầu tư hoàn thiện hạ tầng xử lý chất thải, doanh nghiệp (DN) phải đầu tư vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Chưa hết, hàng tháng họ phải chi tối thiểu cả tỷ đồng để đảm bảo hệ thống xử lý chất thải được vận hành thường xuyên. Vậy nếu so với những DN cùng loại hình sản xuất nhưng chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, rõ ràng DN xanh thiệt thòi hơn rất nhiều.

Đổi mới công nghệ để phát triển bền vững

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM khẳng định, thiệt thòi của DN xanh có thể tạm tính như sau: họ đã phải bỏ ra chi phí đầu tư lớn hơn những DN đen. Mặt khác, giá thành sản xuất ra sản phẩm của họ cũng cao hơn vì chi phí đầu vào sản xuất của họ phải cộng thêm chi phí xử lý chất thải, đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Không chỉ thế, trên thị trường hiện nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn ưu tiên sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn nên dù đầu tư cao hơn nhưng DN xanh vẫn phải bán sản phẩm có giá thành tương đương giá thành sản phẩm của các DN đen.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Nhà máy Sữa Thống Nhất, quận 9 TPHCM, cho biết, để đảm bảo nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của nhà máy được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường, đơn vị đã phải đầu tư hơn 7 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý. Chi phí vận hành và chuyển giao chất thải rắn cũng tiêu tốn hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Bà Bùi Thu Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam nhấn mạnh thêm, những sản phẩm sữa của công ty trên thị trường đều bán với giá thành bằng giá thành sản phẩm cùng loại của những DN khác. Thậm chí, những năm gần đây, công ty tham gia chương trình bình ổn giá do UBND TPHCM triển khai. Theo đó, giá thành sản phẩm của công ty có thời điểm còn thấp hơn giá thành sản phẩm cùng loại khác.

Hệ thống xử lý nước thải bảo vệ tốt môi trường tại Công ty TNHH MTV Kido (Ảnh: Kim Ngân)
Hệ thống xử lý nước thải bảo vệ tốt môi trường tại Công ty TNHH MTV Kido (Ảnh: Kim Ngân)

Điều đáng nói là sự nỗ lực của các DN xanh đang vấp phải rào cản lớn từ phía người tiêu dùng. Đó là người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm và ưu tiên cho sản phẩm của họ. Do vậy, trong những năm gần đây, để vừa đảm bảo sản xuất xanh, có trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng, vừa đảm bảo sản xuất phát triển ổn định, nhiều DN đã tự đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất sạch, xanh để tiết kiệm đầu vào, giảm thiểu phát sinh đầu ra và từ đó giảm được chi phí xử lý chất thải.

Trường hợp Công ty quốc tế Unilever là một điển hình. Từ nhiều năm nay, khi giá xăng dầu liên tục tăng, công ty đã nghiên cứu thành công và chuyển qua sử dụng nguyên liệu biomas được làm từ phế phụ phẩm nông sản. Đây là một trong những nguồn nguyên vật liệu khá dồi dào ở nước ta nhưng đang bị lãng phí vì chưa được đầu tư sử dụng đúng mức. Tương tự, với những DN khác như Công ty Nhựa Duy Tân, Công ty cổ phần Kido, Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 25 cũng triệt để ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xanh

“Tạo sự cân bằng trong cạnh tranh trên thị trường giữa DN xanh và đen là điều cần thiết”, ông Phan Minh Tân khẳng định. Và để thực hiện được yêu cầu này, bước đầu Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp cho những DN có nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất. Còn Sở Công thương TPHCM triển khai chương trình hỗ trợ DN sản xuất sạch hơn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cũng như hỗ trợ tư vấn miễn phí cho DN áp dụng những giải pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng.

Về việc chuyển đổi tâm lý người tiêu dùng theo hướng ưu tiên lựa chọn và sử dụng sản phẩm của các DN xanh, UBND TPHCM đã phê duyệt nhiều kế hoạch tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm của DN xanh. Điển hình như chương trình “Chiến dịch tiêu dùng xanh năm 2013” sẽ tập trung vào việc tuyên truyền sản phẩm xanh và vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng thông qua nhiều giải pháp kinh tế khác nhau. Cộng đồng không những được đoàn viên, sinh viên đến tận nơi tuyên truyền giúp hiểu rõ hơn đâu là sản phẩm của DN xanh, mà còn tặng những coupon tiêu dùng xanh có giá trị mua sản phẩm xanh tại hệ thống siêu thị Co.opMart.

Mặt khác, cũng trong tháng tiêu dùng xanh, người tiêu dùng còn được hưởng lợi ích từ việc giảm giá sản phẩm xanh tại hệ thống siêu thị. Riêng khách hàng hệ thống siêu thị Co.opMart khi chọn mua sản phẩm xanh sẽ được tặng phiếu quà có giá trị tiền để được mua lại những sản phẩm khác tại khu vực tự chọn hàng…

Vào đầu tháng 8 tới, Sở Công thương sẽ tổ chức hoạt động kêu gọi cộng đồng sử dụng sản phẩm là thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng. Và để chuẩn bị cho hoạt động này, ngay những ngày đầu năm 2013, sở đã tiến hành kiểm tra cũng như hướng dẫn các DN nhập khẩu hoặc sản xuất thiết bị gia dụng sử dụng điện dán nhãn tiết kiệm năng lượng theo tiêu chuẩn do Bộ Công thương quy định.

Cùng với hoạt động này, Ban Chỉ đạo giải thưởng Doanh nghiệp xanh, Ủy ban nhân dân TPHCM đang khuyến khích DN được chứng nhận DN xanh 2012, dán nhãn xanh trên bao bì sản phẩm của mình. Đây sẽ là cơ sở rõ ràng giúp người dân có thêm thông tin để so sánh lợi ích khi chọn mua sản phẩm…

Môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng một phần xuất phát từ hoạt động sản xuất nhưng chưa thực hiện đúng quy định về xử lý chất thải. Một số lãnh đạo DN còn ham lợi nhuận mà làm ngơ trách nhiệm với cộng đồng. Ngược lại, DN sản xuất xanh đang phải gánh chịu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ những DN đen.

Tuy nhiên, thực trạng trên hoàn toàn có thể được cải thiện một khi các cơ quan chức năng cùng tham gia để điều tiết lại thị trường theo hướng có lợi cho DN xanh, cũng đồng nghĩa có lợi cho môi trường sống của cộng đồng.

Vấn đề còn lại là cộng đồng sẽ tham gia với mức độ như thế nào để góp phần cải thiện môi trường sống chính mình, vốn đang bị đầu độc ngày càng nghiêm trọng bởi những DN đen.