Hà Nội: Tập trung mọi nguồn lực bảo vệ đê

ThienNhien.Net – Mực nước trên sông Hồng đang lên nhanh, trên báo động I, khả năng sẽ lên trên cấp báo động II. Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực chuẩn bị các phương án để đối phó mọi tình huống có thể xảy ra.

Mực nước các sông: Cầu, Tích, Bùi, Nhuệ, Cà Lồ đang xuống chậm. Riêng sông Bùi và sông Tích vẫn trên mức báo động III… Mực nước các hồ đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Số khu vực còn bị ngập úng nặng trên 30cm trong nội thành là 12 khu vực. Trong đó, khu vực Giáp Bát còn ngập 45cm; Định Công 30cm…

Đáng chú ý là khu vực kè Liên Trì, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng bị sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở chỉ cách chân đê khoảng 15m. Ngoài ra, tuyến đê Tả Bùi huyện Chương Mỹ hiện đã có 2 điểm tràn với chiều dài 80m.

Trên địa bàn huyện Mê Linh cũng phát hiện thêm đoạn đê Tả Hồng tại xã Hoàng Kim sạt 400m, Tiến Thịnh 30m.

Hiện nay, một số con sông đã bị tràn bờ, lượng mưa bổ sung sẽ tiếp tục gây ngập, úng. Trạm bơm Yên Sở đã cố gắng hoạt động với công suất cao nhất.

Tiếp tục gia cố, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê xung yếu

“Chuẩn bị ngay các kế hoạch, phương án chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra” – là tinh thần chỉ đạo chung của lãnh đạo TP Hà Nộị.

Tất cả các cơ quan của thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo vệ an toàn các tuyến đê, các công trình thủy lợi. Các tổ công tác kiểm tra tất cả các tuyến đê thuộc địa bàn, đặc biệt là các tuyến trọng điểm sông Nhuệ, sông Hồng, sông Tích cũng sẽ được thành lập ngay tại các địa phương…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu, đối với các điểm xung yếu đã được xử lý, phải tiếp tục gia cố, thường xuyên kiểm tra, rà soát. Đồng thời tổ chức trực, tuần tra, canh gác 24/24h tại các điếm canh đê.

Hiện nay, quân đội đã sẵn sàng tất cả các phương án hỗ trợ, ứng cứu trong những tình huống khẩn cấp. Việc trinh sát các địa bàn để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết đã được thực hiện. Quân đội hoàn toàn chủ động để có thể đối phó hiệu quả nhất các tình huống có thể xảy ra.

Thành phố cũng đang chỉ đạo các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai, có kế hoạch sẵn sàng di tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm một cách chủ động, đặc biệt, không được để dân đói, rét, không có chỗ ở.

Chiều ngày 5/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc kiểm tra tình hình giao thông tại cửa ngõ phía nam và phía tây Hà Nội. Tại Giáp Bát, tình hình giao thông đã được cải thiện sau khi thành phố bố trí phương tiện giúp người dân vượt qua những đoạn ngập sâu với mức nước trung bình từ 30 – 50cm.

Sở Xây dựng đã bố trí xe stec phục vụ dân và cùng với dân tổ chức thu gom rác thải. Tại khu vực ngập nặng nhất thành phố (phường Tân Mai), cầu xệp nổi trên mặt nước được lắp đặt để người dân và phương tiện có thể đi lại bình thường.

Tại cửa ngõ phía tây, đường 70 vẫn ngập nặng với độ sâu trên 50cm, kéo dài gần 2km. Phương tiện đi lại duy nhất là xe tăng-bo do Sở GTVT bố trí.

Sơ tán hơn 10.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Cho đến thời điểm này, nhiều xã, thôn vẫn chìm trong nước, mặc dù nhiều khu vực nội thành nước đã rút, tuy nhiên khu vực ngoại thành nước lại rút rất chậm.

Tính đến chiều 5/11, thành phố đã cứu trợ mì tôm và gạo cho 27.490 hộ dân, sơ tán 10.318 hộ dân khỏi khu vực ngập và ra khỏi khu vực nguy hiểm thuộc các quận Hoàng Mai, huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Thanh Oai.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Quốc Oai, địa bàn này hiện còn 5 điểm bị cô lập với 531 hộ, giao thông đi lại khó khăn, có 10 trường học sinh phải nghỉ học, sơ tán 1.200 khẩu.

Tập trung vào nhiệm vụ chống lụt

Ngày 5/11, MTTQ TP đã ra công văn yêu cầu UB MTTQ các quận, huyện, thành phố trực thuộc không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong thời gian này, đồng thời có ý kiến yêu cầu các cơ quan liên quan hành động tương tự. Mọi hoạt động phải tập trung phục vụ phòng, chống mưa lũ, giúp đỡ người dân bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Trước đó, thành phố đã ngừng tất cả các cuộc họp, các hoạt động tổ chức vui chơi, giải trí để tập trung cho công tác phòng chống mưa lũ.