Nhiều đoạn hạ lưu sông Sài Gòn ô nhiễm vượt mức cho phép

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng sông lớn.

Theo đó, Chính phủ cho biết một số vị trí thuộc khu vực hạ lưu sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm cục bộ, đặc biệt là khu vực nội đô TP.HCM.

Các điểm quan trắc tại cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa – Lò Gốm), cầu Chữ Y (kênh Tàu Hũ – Bến Nghé), cầu An Lộc (kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật) và cảng Phú Định (sông Chợ Đệm) chất lượng nước vẫn ở mức xấu.

Khu vực hạ lưu sông Sài Gòn bị ô nhiễm. Ảnh: TRUNG THANH

Cụ thể, các thông số COD, BOD5, amoni có giá trị vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam 08 (QCVN 08, ngưỡng B1) do chịu tác động bởi lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư và các cơ sở sản xuất nằm dọc lưu vực. Đặc biệt là nước thải từ các quận 8, Tân Bình, Tân Phú, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Còn trên lưu vực sông Hồng, Chính phủ cho biết kết quả quan trắc chất lượng nước trong nhiều năm, đặc biệt là năm 2019 và đầu năm 2020 cho thấy chất lượng nước ở đây vẫn duy trì ở mức tốt.

Tuy nhiên, cục bộ tại một số khu vực nước sông bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ, chất dinh dưỡng như sông Hồng đoạn chảy qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định; các sông nhánh trong lưu vực đoạn chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương; sông Thương đoạn chảy qua Bắc Giang. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, công nghiệp và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước trên lưu vực sông Hồng là hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Trong những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh.

Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường năm 2019 cho thấy trên 90% các vị trí quan trắc trên sông này có các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt giới hạn quy định cho chất lượng nước sử dụng nhằm mục đích tưới tiêu, thủy lợi.

“Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… không được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống…” – báo cáo Chính phủ nêu rõ.