Mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng

ThienNhien.Net – Đã hàng chục năm rồi chúng ta mới phải chứng kiến một trận mưa lịch sử trong suốt những ngày qua. Mưa lớn đã gây ra những thiết hại không nhỏ về người và của cho nhân dân tại các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh khu vực miền Trung.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lớn liên tục trong suốt 3 ngày qua đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Hiện tại số người chết do mưa lũ đã lên đến 48 người, trong đó nghiêm trọng nhất là Hà Nội 18 người, Hà Tĩnh 17 người… Mưa lớn cũng đã làm cho nhiều diện tích hoa màu, ao đầm nuôi cá bị ngập và mất trắng, nhiều tuyến tuyến giao thông huyết mạch bị ngừng trệ. Lũ đang dâng cao ở hầu hết các sông lớn.

Tại Thanh Hóa lượng mưa đo được sau 3 ngày đã ở mức 212 – 254 mm. Huyện Thạch Thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hiện tại 18 xã bị chìm trong nước. Chính quyền địa phương đã thực hiện di dời 4.000 dân về nơi an toàn. Toàn huyện hiện có 4.320 ngôi nhà bị ngập sâu, 700 ha hoa màu vụ đông bị nước lũ nhấn chìm. Theo tỉnh Thanh Hóa, thiệt hại mà mưa lũ gây ra đối với tỉnh theo thống kê chưa đầy đủ khoảng 41 tỉ đồng.

Nghệ An trong những ngày này cũng đang phải gồng mình chống chịu với nước lũ. Do mưa lũ năm nay đến muộn hơn các năm trước, người dân địa phương không chủ động trong việc phòng chống. Hiện tại hầu hết diện tích hoa màu, cây vụ đông của tỉnh có nguy cơ bị mất trắng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, đã có trên 3.000 ha lúa bị ngập và khoảng 15.000 ha cây hoa màu, ao nuôi thủy sản bị tàn phá, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là huyện miền núi Quế Phong với 600 ha lúa chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng, nhiều tài sản, nhà cửa bị lũ cuốn trôi.

Mưa lũ cũng đã làm 10.000 hộ dân của tỉnh Ninh Bình ngập chìm trong nước. Lũ lớn trên sông Hoàng Long đã xé toang tuyến đê Đức Long – Gia Tường, nhấn chìm 7 xã gồm Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thuỷ, Xích Thổ, Đức Long, Gia Tường và Lạc Vẫn. Thống kê ban đầu cho thấy trên 11.000ha cây màu vụ đông và 500ha nuôi trồng thủy sản của địa phương đã bị mất trắng. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết: Cơn lũ gây thiệt hại cho tỉnh cả trăm tỉ đồng. Tỉnh đã cấp 1.000 thùng mì tôm, 200 thùng lương khô, 300 lít dầu hoả và thuốc chữa bệnh, hoá chất xử lý nước. 4 xã vùng chậm lũ huyện Nho Quan, mỗi xã được hỗ trợ bước đầu 100 triệu đồng; 3 xã vùng phân lũ, mỗi xã tạm nhận 150 triệu đồng.

Trong những ngày qua mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng cho các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình. Với lượng mưa đo được đến thời điểm hiện tại là 400 mm thì toàn bộ 6 huyện của tỉnh Hà Nam đã bị ngập chìm trong nước. Diện tích lúa, hoa màu bị ngập và mất trắng lên tới 18.000 ha. Taị Nam Định lượng mưa trong 3 ngày qua có thấp hơn là 250 mm nhưng nhiều tuyến đê xung yếu của tỉnh đã bị sạt lở và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đê bị vỡ. Toàn bộ diện tích lúa hè thu của tỉnh đã được thu hoạch nhưng 600 cây hoa màu vẫn bị ngập và khoảng 50 ao đầm nuôi cá bị mất trắng. Tại Thái Bình, lượng mưa trong những ngày qua chỉ ở mức 100 mm nhưng toàn tỉnh cũng đã có 2.000 ha cây hoa màu vụ đông bị ngập.

Tại Vĩnh Phúc, mưa lớn trên toàn tỉnh đã làm 4 người chết, 2 người bị thương, hơn 2.000 ngôi nhà bị ngập, 6 nhà dân bị đổ, gần 100 km đường giao thông bị sạt lở, gần 100 kênh mương nội đồng bị cuốn trôi và hư hỏng, 20 km đê điều, bờ vùng bị tràn và sạt trượt; 17.000 -18.000 ha cây trồng bị ngập, trong đó 8500 ha có khả năng bị mất trắng; 4000 ha nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, mất trắng, hàng ngàn con gia súc gia cầm bị trôi. Các địa phương bị thiệt hại nặng là Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên, Phúc Yên… Thiệt hại ước đến hơn 300 tỷ đồng.

Mưa lớn cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ và lốc đã làm 5 người chết và mất tích. Số người bị thương tiếp tục tăng. Có 80 nhà bị sập, đổ trôi. Toàn tỉnh có 528 nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái và hư hỏng. Mưa lũ cũng làm ngập 235 ha lúa, 316 ha hoa màu và cây trồng khác, gây sạt lở 960m kênh đất, vỡ trôi 15 công trình thủy lợi nhỏ. Tại tỉnh Lạng Sơn, mưa lũ đã làm chết 1 người, 1 người mất tích và 2 người khác bị thương. Lạng Sơn có 5 nhà dân tại huyện Cao Lộc và Văn Lãng bị sập. Mưa lũ cũng đã gây sạt lở ở tỉnh lộ 250 (Đồng Mỏ – Hữu Kiên) tại Km21+700 và Km22+200 với khối lượng ước khoảng 3.000m3 đất đá gây tắc đường.

Tại Quảng Ninh, mưa to, lũ lớn làm 3 huyện miền núi Quảng Ninh bị cô lập là Ba Chẽ, Tiên Yên và Bình Liêu. Tuyến đường xuyên đảo Cô Tô – Thanh Lân bị sạt lở nhỏ và đổ một số cây ven đường. Mưa to làm thị trấn Tiên Yên ngập hoàn toàn. Nhiều nhà cửa ở các huyện trên bị chìm trong nước hoặc bị cuốn trôi.

Mưa to và rất to cũng đã gây ra lũ lớn trên các sông suối của tỉnh Bắc Giang chia cắt nhiều địa bàn dân cư tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam. Thống kê sơ bộ đã có 4 người mất tích, 1 người chết . Cụ thể tại huyện Sơn Động có 5 xã bị ngập hoàn toàn, có 30 cán bộ, giáo viên trường THCS Cẩm Đàn và 10 hộ dân thôn Chao, xã An Lập bị cô lập phải ứng cứu. Huyện Lục Ngạn có 80 ngôi nhà bị ngập, chính quyền địa phương đã sơ tán dân tới nơi an toàn. Tại huyện Lục Nam có 1 người ở xã Lục Sơn bị mất tích, hơn 1.900 ha lúa sắp thu hoạch bị đổ và ngập.

Hà Nội đến thời điểm này là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến chiều tối ngày 03/11/2008 mưa lũ tại Hà Nội đã làm 18 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại vật chất khoảng 3.000 tỉ đồng. Có 31.517 hộ dân bị ngập, 4.439 hộ dân phải di dời, 52.139 ha lúa và cây vụ đông bị ngập. Nhiều tuyến phố và khu dân cư phải sống trong tình trạng không điện, không nước sạch, không có thực phẩm ngay giữa lòng thành phố. Mặc dù cường độ mưa trong ngày hôm nay đã giảm bớt nhưng các tuyến phố của Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai vẫn bị ngập do nước rút chậm. Sống chung với lũ, ngập nước là điều mới lạ đối với những người dân Hà Thành. Do vậy mà khi các tuyến phố, các ngôi nhà bị ngập chìm trong nước, mọi hoạt động, thói quen sinh hoạt bình thường bị đảo lộn.

 

Đường vào siêu thị BigC chiều ngày 03/11/2008 (Ảnh: ThienNhien.Net)


Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất, ngày 03/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1867/CĐ-TTg, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do mưa lũ chủ động tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục hậu quả.

Qua đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết, bị thiệt hại.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị mất nhà cửa, gia đình thuộc diện chính sách, huy động các tổ chức đoàn thể giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, bố trí nơi ở tạm cho những gia đình bị mất nhà cửa, sớm ổn định đời sống của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương nắm chắc tình hình thiếu đói để thực hiện việc cứu trợ kịp thời, kiên quyết không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực; khẩn trương sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, bệnh xá, công trình giao thông, thuỷ lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương, các công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi triển khai các biện pháp, khẩn trương tiêu úng cứu cây trồng vụ Đông; đồng thời chuẩn bị các giống cây trồng, vật tư nông nghiệp cần thiết, cung cấp kịp thời cho các địa phương để kịp gieo trồng vụ Đông ngay sau khi nước rút.

Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động giúp đỡ các địa phương bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ như giúp dân dựng lại nhà cửa, làm vệ sinh môi trường sau khi nước rút, chuẩn bị dụng cụ, thuốc men sẵn sàng ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu, sớm ổn định đời sống của nhân dân.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, dự báo chính xác, thông tin kịp thời cho các cơ quan liên quan và các địa phương để chủ động đối phó.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo triển khai các lực lượng tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động- Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thống kê tình hình thiệt hại của các địa phương, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng do mưa lũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các phương tiện truyền thông cần thường xuyên thông báo diễn biến của mưa lũ cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.