Đà Nẵng lo lắng về dioxin tồn lưu

Lâu nay chúng ta thường nhắc đến hậu quả của những người, những vùng bị quân đội Mỹ trực tiếp rải chất độc hóa học-dioxin xuống, mà chưa nói nhiều đến những vùng đất mà quân đội Mỹ dùng để làm kho chứa chất độc hại này. Hàng chục ngàn người dân sống trong những khu vực này hàng ngày đang phải đối mặt với những hiểm họa dioxin theo thời gian thẩm thấu xuống đất, vào nguồn nước và phát tán trên diện rộng…

Sân bay Đà Nẵng: “Điểm nóng” về dioxin

Theo TS. Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên bộ về vấn đề hậu quả chất hóa học chiến tranh (Ban 33) thì các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, trong tự nhiên, dioxin chưa được phân hủy hết, tồn lưu khá cao tùy thuộc vào mức độ, tần suất phun rải của Mỹ; hiện vẫn còn một số “điểm nóng” tồn đọng hàm lượng dioxin cao, đó là những khu căn cứ quân sự cũ của quân đội Mỹ được lấy làm kho và nơi nạp dioxin đi phun rải, như một số khu vực tại các sân bay Đà Nẵng (TP Đà Nẵng), sân bay Biên Hòa (gần TPHCM) và sân bay Phù Cát (Bình Định).

Theo kết quả các nghiên cứu đã được tiến hành từ năm 2000 đến 2004 của Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho biết hàm lượng trung bình của dioxin ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa khoảng 35ppb TEQ, cao gấp 35 lần cho phép đối với đất phi nông nghiệp được quy định ở Mỹ. Ở đây, hàm lượng dioxin trong mẫu đất cao nhất, lên tới 200ppb TEQ.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Công ty Tư vấn Môi trường Hatfield (Canada) trong năm 2007 cho thấy, mức độ ô nhiễm dioxin cao nhất trong mẫu đất ở sân bay Đà Nẵng là 365ppb; trong mẫu máu của người dân sống gần sân bay là 1.220ppt và của hai người dân khác sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng là khoảng 600ppt, cao hơn nhiều lần so với mức cho phép hàm lượng dioxin trong người của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Những con số nêu trên về sự tồn lưu dioxin trong đất ở sân bay Đà Nẵng và trong máu của những người sống gần sân bay đã minh chứng về nguồn gốc từ chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam

Những mầm họa được báo trước

Bé Nguyễn Thị Hồng Vân (7 tuổi), ở tại tổ 11 phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ được xác định là nhiễm độc da cam/dioxin từ lúc mới chào đời. Khuôn mặt dị dạng nổi đầy vết thâm đỏ, với cái đầu to hơn bình thường và thiểu năng trí tuệ đã tước mất quyền được đến trường của em. Gặp ai, bé Vân cứ ôm chặt lấy con búp bê và thỏ thẻ “Đây là bạn Ty của cháu. Cháu và bạn Ty vừa đi học về, chúng cháu học giỏi nhất lớp đó”. Nghe cô bé nói những điều mà mình tưởng tượng, ai cũng đều ứa nước mắt.

Ba của bé Vân, anh Nguyễn Thuận làm nghề thợ xây. Khi chưa lập gia đình, anh có một thời gian dài làm nghề ở vùng núi Hiệp Đức, Quảng Nam, đây là một trong những nơi bị rải chất độc hóa học rất nhiều trong chiến tranh. Nhưng cũng chưa thể xác định anh Thuận có nhiễm chất độc da cam/dioxin ở đây hay không, vì nơi gia đình bé Vân đang sống ở cuối sân bay Đà Nẵng được xem là “điểm nóng” còn tồn lưu dioxin trong môi trường.

Còn em Nguyễn Thị Trang Anh, 17 năm nay nằm một chỗ, không thể nhận biết một thứ gì khác ngoài “những cảm nhận lờ mờ về ba, mẹ” theo lời của anh trai em, em Nguyễn Văn Phát. Chính Phát 10 năm nay cũng mang trong mình căn bệnh u não. Gia đình em mới chuyển về tổ 41 phường Khuê Trung được 1 năm nay, trước đây cả nhà sống cùng với bà ngoại ở gần hồ Thạc Gián, cũng là một “điểm nóng” dioxin theo xác nhận của các nhà khoa học.

Tại phường Hòa Khê, quận Thanh Khê có 30 em được xác nhận đã nhiễm chất độc dioxin sinh năm từ 1992 đến 2004 với các biểu hiện như câm điếc, thần kinh, liệt cả người hoặc nửa người, đầu to, bệnh tim hoặc khuyết tật nặng. Trong đó có 2 em đã chết, nhiều em bị cha bỏ rơi, có em còn bị cả cha và mẹ bỏ rơi, được bà ngoại nuôi dưỡng…

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, hiện nay TP có 6.823 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có gần 1.400 trẻ em. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, con số điều tra này có từ trước khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nên không phản ánh chính xác số nạn nhân ảnh hưởng bởi chất độc hóa học/dioxin.

Đó là “mặt nổi” của hậu quả chất độc hóa học/dioxin, còn những ẩn họa đang đe dọa đến sức khỏe của hàng ngàn người dân trong khu vực quanh sân bay Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày. Bởi theo những nghiên cứu gần đây cho thấy, nồng độ dioxin trong các động vật sống ở lớp bùn của các hồ lân cận sân bay Đà Nẵng còn rất cao. Nhưng hàng chục năm nay người dân sống ở đây vẫn “vô tư” ăn cá câu được từ các hồ gần đó. 

Hồ điều tiết Nam Xuân Hòa nằm phía Tây sân bay Đà Nẵng là điểm câu cá lý tưởng cho người dân sống quanh khu vực. Hàng ngày có đến hàng chục người đến câu cá mang về ăn. Anh Nguyễn Văn Ngân, ở tổ 30 phường Hòa Khê, cho biết: “Lúc rãnh rỗi là vác cần câu ra câu cá về cải thiện bữa ăn cho gia đình gần 10 người. Có nghe loáng thoáng về chất độc hóa học, nhưng không biết là việc ăn cá ở đây sẽ bị nguy hiểm”.

Còn bà Đặng Thị Thắm, ở tổ 28 Hòa An, phường Hòa Khê bộc bạch: “Tui sinh ra ở đây, lớn lên ở đây hồi mô đến chừ mà không thấy ai có bệnh hoạn chi hết. Chất độc da cam ở các nơi khác có, chứ ở đây không có đâu”. Nhìn chung những người dân ở khu vực này đều biết rất ít về chất độc hóa học/dioxin và dường như chẳng mấy ai quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe. Không những thế, hàng ngày các hộ dân vẫn dùng nước giếng khoan bị thẩm thấu chất độc hóa học/dioxin.  

43 triệu USD khắc phục hậu quả dioxin

Theo tính toán của các nhà khoa học thì Việt Nam cần ít nhất 43 triệu USD để làm sạch môi trường và tẩy độc những vùng ô nhiễm nặng dioxin và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho nạn nhân bị nhiễm dioxin. Mục tiêu của Việt Nam trong những năm đến là tiếp tục hỗ trợ về mặt xã hội, y tế và chăm sóc các nạn nhân bị ảnh hưởng về sức khỏe do dioxin;  khoanh vùng, xử lý các khu vực bị nhiễm độc nặng, phục hồi môi trường các khu vực bị suy thoái nặng; triển khai các biện pháp phòng và chống nhiễm độc; nâng cao năng lực nghiên cứ về dioxin; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả dioxin đối với con người và môi trường Việt Nam…

Trước mắt, tập trung cho công tác khoanh vùng, tẩy độc và phục hồi môi trường; trong đó ưu tiên xây dựng các phương án tối ưu, có tính khả thi trong điều kiện Việt Nam để tẩy độc các vùng bị nhiễm nặng, tập trung giải quyết tẩy độc tại 3 “vùng nóng” là các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và các vùng lân cận. 

Vừa qua, Ban 33, đã chính thức nhận được sự tài trợ 300.000 USD của Quỹ Ford, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ để thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lan tỏa của dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Đây là dự án đầu tiên có sự tham gia của các cơ quan chính phủ cũng như phi chính phủ Mỹ. Đơn vị thực hiện dự án tại hiện trường là Bộ Quốc phòng.  

Tiến sĩ Lê Kế Sơn đưa ra khuyến cáo: “Trước khi dự án được triển khai, một yêu cầu cơ bản đối với nhân dân và chiến sĩ đóng quân ở sân bay Đà Nẵng là tuyệt đối không được nuôi trồng và khai thác thủy sản ở các hồ gần sân bay Đà Nẵng, bởi vì nhiễm độc dioxin ở người chủ yếu qua đường thức ăn, mà nếu chúng ta làm được điều đó thì chúng ta sẽ ngăn chặn được cơ bản việc nhiễm độc dioxin ở người sống lân cận khu vực sân bay Đà Nẵng. Vấn đề ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng sẽ được coi là bài tập mẫu cho việc xử lý ô nhiễm dioxin ở những điểm nóng khác”.