Phát triển bền vững ngành nuôi cá trong tương lai

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo mới đây của Viện Giám sát Toàn cầu, gần 1/2 lượng hải sản chúng ta ăn ngày nay có nguồn gốc nuôi trồng. Mặc dù ngành nuôi trồng hải sản thường bị đánh đồng với ô nhiễm môi trường và những nguy cơ về sức khoẻ nhưng sự phát triển bùng nổ của ngành có thể là triển vọng để giải quyết tình trạng lương thực ngày càng bất ổn của thế giới như hiện nay.

Trong bản báo cáo “Ngành nuôi cá cho tương lai”, nhà nghiên cứu nổi tiếng Brian Halwei đã chứng minh rằng, nếu được hướng dẫn nuôi cá đúng cách, ngành này không những giúp nuôi sống dân số thế giới đang ngày càng gia tăng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hàn gắn hệ sinh thái biển đã bị tàn phá do nạn khai thác hải sản quá mức.


Báo cáo này nhận định, trong hoàn cảnh khan hiếm nguồn cung cấp nước ngọt và lương thực hiện nay thì nuôi trồng thủy sản có thể là giải pháp hiệu quả giúp thế giới chống lại nguy cơ mất mùa hay sự thiếu hụt nguồn cung thịt.  


Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết không phải loài hải sản nuôi nào cũng phù hợp với yêu cầu trên. Một số hải sản như cá hồi và tôm tuy ngày càng phổ biến song lại tiêu thụ thức ăn gấp mấy lần trọng lượng của chúng. Vì vậy ngay cả khi chúng ta nuôi cá nhiều hơn thì sự khan hiếm ngày càng nghiêm trọng, nguồn thức ăn cho các loài hải sản nuôi trồng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến việc mở rộng ngành công nghiệp tương lai này.


Bên cạnh đó, những trại nuôi trồng có thể gây ô nhiễm ven biển do thức ăn thừa và chất thải. Những con cá bị nhiễm bệnh từ các trại nuôi cá thoát ra biển có thể gây nguy hại cho ngành công nghiệp đánh bắt cá hoang dã. Một trại nuôi 200.000 con cá hồi có thể thải ra chất dinh dưỡng và phân tương đương với chất thải chưa qua xử lý của 20.000 đến 60.000 người. Ngành công nghiệp nuôi cá hồi ở Scotland ước tính thải ra lượng rác chứa nitơ bằng với chất thải chưa qua xử lý của 3,2 triệu người – hơn 1/2 dân số nước này.


Những trại nuôi tròng thiếu điều kiện chăm sóc cũng có thể gây dịch bệnh khiến chủ đầu tư tổn thất hàng triệu USD trong việc ngăn ngừa và dập bệnh dịch. Trong những năm gần đây, người nuôi tôm ở Trung Quốc đã mất 120 triệu USD cho căn bệnh do vi khuẩn ở cá và 420 triệu USD cho các bệnh ở tôm. Việt Nam cũng nằm trong số đó, tôm mắc bệnh dịch chết hàng loạt khiến người dân vùng Nam Bộ rơi vào cảnh khốn đốn.


Hiện nay ngành nuôi cá đã được mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của toàn cầu về hải sản. Trung bình mỗi người trên thế giới ăn hải sản nhiều gấp 4 lần so với hải sản được tiêu thụ năm 1950. Tiêu thụ hải sản nuôi trồng bình quân một đầu người đã tăng gần 1000% kể từ năm 1970, trái ngược với mức độ tiêu thụ thịt bình quân một đầu người chỉ tăng 60%.Trong năm 2006, sản lượng hải sản đã tăng gần 70 triệu tấn, trị giá hơn 80 triệu USD – gần gấp đôi sản lượng của một thập kỷ trước đây. Các chuyên gia dự đoán rằng hải sản được nuôi trồng sẽ tăng thêm 70% vào năm 2030.


Làm thế nào để ngành nuôi cá phát triển bền vững hơn? Thực tiễn công nghiệp là điều kiện then chốt nhưng để phát triển bền vững cũng cần một sự thay đổi cơ bản trong quan điểm của người dân. Sự thay đổi này bao gồm cả việc sẵn sàng ưu tiên cho các món tôm, cá.


Hải sản nuôi trồng cung cấp 42% nguồn cung hải sản của thế giới và đang trên mục tiêu vượt hơn một nửa trong thập kỷ tới. Tuy nhiên vẫn không có các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi áp dụng cho ngành. Trong khi đó, ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ chỉ cung cấp 3% đến 5% nguồn cung cấp lương thực của thế giới nhưng nó lại có các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia rõ ràng. Điều này chỉ ra vai trò cấp thiết của việc cấp giấy chứng nhận và các tiêu chuẩn nuôi trồng hải sản. Hiện nay người ta đang nỗ lực tiến hành tìm kiếm cho ngành nuôi trồng hải sản một mô hình dán nhãn hiệu quả vốn đã được áp dụng trong các lĩnh vực khác của nông nghiệp.


Mặc dù nhiều hệ sinh thái ven biển đã bị biến thành những ao cá, chuồng nuôi cấy tảo biển làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và môi trường nói chung nhưng chúng ta nên tin tưởng vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi cá và ngành công nghiệp thực phẩm trong tương lai. Chúng nhất thiết phải được đảm bảo bằng những tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia nhằm khôi phục hệ sinh thái bền vững đồng thời đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng lên về hải sản.