Phát triển cây dầu mè – cần có chiến lược toàn diện

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công một loại cây nhiên liệu sinh học có tên Dầu mè (hay còn gọi là cây cọc rào, tên khoa học là <i>Jatropha curcas L</i>). Loài cây này hứa hẹn sẽ tồn tại bền vững vì nó không chiếm đất của cây lương thực.

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển mạnh nhiên liệu sinh học đang gây ra một hiện tượng: cây nhiên liệu sinh học chiếm đất của cây lương thực. Thực trạng này đã đẩy giá lương thực trong năm nay lên mức kỷ lục, đe doạ an ninh lương thực thế giới và đẩy nhiều người dân ở các nước nghèo vào tình trạng thiếu đói.

Tuy nhiên với cây dầu mè – một loài cây sinh trưởng phát triển được ở hầu hết các loại đất xấu, nghèo kiệt, đất dốc, đất trơ sỏi đá thì sẽ không ảnh hưởng đến diện tích trồng cây lương thực. Chúng ta có thể trồng cây dầu mè ở những vùng đất trống, đồi núi trọc, những khu đất bỏ hoang, khô hạn, vùng bị sa mạc hoá, bãi thải khai thác khoáng sản…

Cây dầu mè đang được phát triển ở nhiều nước châu Á:

 – Trung Quốc: đến cuối năm 2007 đã trồng được 15.000ha, dự đạt 100.000ha trong vài năm tới.
Mianma: Với mục tiêu trở thành nước xuất  khẩu nhiên liệu sinh học làm từ cây dầu mè, đến 2006 đã trồng 800.000ha.
Thái Lan: hiện có 1.600 ha cây dầu mè, dự kiến sẽ tăng lên 320.000ha trong vài năm tới.
Ấn Độ: đặt chỉ tiêu trồng 11 triệu ha cây dầu mè vào năm 2012 và trong mở rộng diện tích trồng trên 33 triệu ha.

Ở Việt Nam cây dầu mè đang được trồng thí điểm trên 2.000ha ở Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Lai Châu, với khoảng 5-6 triệu cây. Một số đơn vị khác trồng trên diện tích nhỏ ở 19 tỉnh từ Bắc vào Nam để khảo nghiệm và theo dõi tình hình sâu bệnh.


Ông Nguyễn Công Tạn, Trường ĐH Thành Tây (tỉnh Hà Tây) cho biết hiện nay trường cũng đã thu thập được nhiều giống dầu mè tốt có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a. Đến nay, diện tích các giống này đạt 150ha, đủ giống để trồng 3-5 nghìn ha.

Từ năm 2009 trở đi, sẽ có đủ giống trồng hàng trăm nghìn ha/năm, có nghĩa là đủ giống tốt cung cấp thoả mãn cho dân trồng trên phạm vi cả nước. Quy trình kỹ thuật thâm canh dầu mè cũng đã được xây dựng, hướng tới mục tiêu đạt trên 10 tấn hạt/ha/năm.

Cây dầu mè – được trồng đầu tiên tại Nam Mỹ – có sức chống chịu với sâu hại và khô hạn, hạt của nó chứa tới 40% dầu. Hạt được ép ra để thu dầu thô, sau đó tinh luyện thành diesel sinh học và glyxerin. Mặc dầu diesel sinh học được sản xuất từ nhiều loại nguyên liệu: cải dầu, hướng dương, đậu tương, dầu cọ, mỡ động vật…, nhưng sản xuất từ cây dầu mè vẫn có giá thành rẻ nhất, chất lượng tốt, tương đương với dầu diesel hóa thạch truyền thống. Hạt sau khi ép dầu có hàm lượng protein khoảng 30%, dùng làm phân hữu cơ quý, nếu khử hết độc tố có thể làm thức ăn gia súc cao đạm.

Bà Mercedita A. Sombilla, hiện đang tiến hành một nghiên cứu về phát triển nhiên liệu sinh học ở lưu vực sông Mê Kông (bao gồm các nước Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianma, và miền Nam Trung Quốc) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ cho biết : Với quỹ đất rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển loài cây nhiên liệu sinh học, đặ biệt là cây dầu mè.

Cho đến nay mới chỉ có Thái Lan có chiến lược toàn diện trong phát triển nhiên liệu sinh học. Uỷ ban năng lượng quốc gia của nước này đầu tư tài chính rất lớn vào công tác nghiên cứu và quảng bá nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, người nông dân ở các nước Châu Á nói chung và lưu vực sông Mê Kông nói riêng đang có xu hướng chuyển từ trồng cây lương thực sang trồng cây nhiên liệu sinh học vì giá thành của nó cao hơn.

Về lâu dài, xu hướng này sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng bởi lưu vực sông Mê Kông là một trong những khu vực sản xuất lương thực quan trọng bậc nhất trên thế giới. Trong đó, Thái Lan và Việt Nam đang nằm trong nhóm những nước đứng đầu trong sản xuất và xuất khẩu gạo, đường, sắn và cà phê trên thế giới. Do đó, việc chuyển đổi và nhân rộng cây nhiên liệu sinh học cần phải được nghiên cứu và cân nhắc một cách cẩn thận.

Trong báo cáo của mình, bà Sombilla cho rằng các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông cần thiết phải hợp tác với nhau thành một nhóm để cùng nhau xây dựng một chiến lược toàn diện cho việc phát triển cây nhiên liệu sinh học. Chiến lược này sẽ không chỉ quảng bá cho sản phẩm mà còn giải quyết một cách đồng bộ thực trạng giữa cây lương thực và cây nhiên liệu sinh học.

Cây dầu mè chỉ có thể trở thành một cây nhiên liệu sinh học bền vững khi nó được trồng đúng chỗ.