Khai thác Bô-xít trên đất Tây Nguyên: Nên hay đừng?

ThienNhien.Net – Chưa bao giờ công luận nước ta lại quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường như hiện nay. Các dự án khai thác Bô-xít trên Tây Nguyên với những nguy cơ tiềm ẩn về cả kinh tế, xã hội lẫn môi trường đang khiến nhiều nhà khoa học khẩn thiết cảnh báo: Cần tiếp tục suy xét kỹ dù đã triển khai.

Tính Kinh tế và An ninh môi trường đều chưa đảm bảo

 
Bô-xít là loại khoáng sản phổ biến trên bề mặt trái đất, được dùng để sản xuất ra kim loại nhôm. Khảo sát từ Cục Mỏ và địa chất Mỹ cho thấy khoảng 50 quốc gia trên thế giới có tài nguyên bô xít với tổng trữ lượng hơn 30 tỉ tấn, trong đó quá nửa thuộc về 3 đất nước rộng lớn Australia, GuineaBrazil.
 
Theo dự báo của ngành địa chất Việt Nam, trữ lượng bô xít ở nước ta có khoảng 5,5 tỉ tấn quặng nguyên khai. Khoảng 90% trong số đó là loại bô xít phong hóa từ đá bazan , chất lượng quặng thuộc loại trung bình khá so với thế giới, tập trung nhiều nhất ở Đắk Nông, kế đến là Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, kéo dài xuống Bình Phước và lan qua bên kia biên giới Lào, Campuchia.
 
Ngày 1/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít từ 2007 đến năm 2025. Trong năm 2008 đã có 2 dự án khai thác bô xít và sản xuất Alumin tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm được phép triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ ( Đắk Nông).
 
Những dự án liên quan đang tiếp tục xúc tiến có dự án  mỏ 1/5, mỏ Quảng Sơn ( Đắk Nông), bô xít Bình Phước, Măng Đen ( Kon Tum), dự án xây dựng tuyến đường sắt, dự án Cảng biển tại mũi Kê Gà (Bình Thuận) v.v.


Quy trình khai thác, chế biến bô xít với nhiều công đoạn phức tạp có thể mô tả sơ lược như sau: San gạt mặt bằng, đào bốc quặng đưa về nhà máy, tuyển rửa, trung hòa axít, cho ra quặng Alumin để xuất khẩu hoặc tiếp tục điện phân tại nhà máy luyện nhôm để sản xuất ra nhôm kim loại, hợp kim nhôm.
 
Phần ô nhiễm nghiêm trọng khó xử lý nhất sinh ra bởi lượng “bùn đỏ” cực lớn thải ra trong quá trình sơ chế alumin, gồm các chất trơ không hòa tan, tồn tại mãi mãi . Còn công đoạn giá trị gia tăng đáng kể nhất của công nghiệp chế tạo nhôm lại chỉ từ khâu luyện nhôm trở đi.
 
Theo ông Phạm Quang Tú – Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, giá trị của alumin chỉ bằng khoảng 11-14% giá trị nhôm kim loại. Việt Nam chừng nào chưa giải quyết triệt để được tình trạng thiếu điện thì chưa thể điện phân nhôm, vì mỗi tấn nhôm sản xuất theo công nghệ Bayer tiêu hao tới 14.000 KWh điện.


Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án đã triển khai chỉ trình bày đơn giản với những phép tính nhỏ trong chu vi xây dựng nhà máy, hoàn toàn có tính khả thi. Nhưng những bài toán nan giải nhất trên toàn khai trường tới nay thực chất vẫn chưa có lời đáp.

 Khai thác Bô xit
Tỉnh ủy Đắk Nông đang nghe phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Phương trình bày về những vấn đề đáng quan ngại quanh các dự án bô-xít.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư hiện chưa trả lời được cụ thể : Tổng cộng bao nhiêu diện tích đất sẽ bị cày xới ? Bao nhiêu tài nguyên rừng sẽ bị xâm hại ? Bao nhiêu hộ dân phải di dời ? Khả năng hoàn thổ, trồng lại rừng, phủ xanh lại thảm thực vật đa tầng đa dạng, trả lại cân bằng sinh thái trên địa hình cao nguyên rất dễ bị xói mòn, cuốn trôi qua mỗi mùa mưa này đến đâu? Xử lý cách gì với hàng chục triệu tấn bùn đỏ gấp nhiều lần dung tích các hồ chứa sẽ thải ra môi trường hàng năm? Tuyển luyện alumin tiêu tốn rất nhiều nước, lấy nước từ đâu để không làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu nước nước ở Tây Nguyên mùa khô? Làm thế nào để các hóa chất độc hại không làm ô nhiễm nguồn nước ngầm Tây Nguyên và nước lưu vực các sông Đồng Nai, Sêrêpôk từ trên “mái nhà”  của đồng bằng Nam Trung bộ ?
 
Hạch toán kinh doanh, ai dám chắc lỗ lãi bao nhiêu trên giá thành mỗi tấn alumin xuất khẩu, khi cung đường vận chuyển nhiều loại hóa chất từ miền xuôi lên miền ngược, vận chuyển alumin từ nhà máy tuyển quặng xuống cảng biển gần nhất cũng cách đến một vài trăm ki-lô-mét.
 
Các phương án xây dựng cảng biển, đường sắt, đường ống chuyển quặng, kể cả phải tính  tới việc xây dựng riêng những công trình thủy điện hay nhiệt điện phục vụ công nghiệp bô xít đã đưa ra đều dẫn đến những mức đầu tư hàng tỉ USD đang không ngừng trượt giá.
 
Giá alumin mua bán trên thị trường thế giới hiện đang sụt giảm mạnh vì cung vượt quá cầu, chỉ dao động quanh mức 250 USD/tấn. Vậy mà ngay trong Dự án đầu tư xây dựng công trình nhà máy Alumin Nhân Cơ do Viện Nghiên cứu Cơ khí- NARIME tính toán, suất đầu tư trung bình cho mỗi tấn alumin lên tới … 684,4 USD (!)
 
Cần thử nghiệm quy mô nhỏ
 
Tây Nguyên, hàng trăm nghìn hecta rừng đã bị cạo gọt cho sự phát triển cực nhanh diện tích hai loại cây công nghiệp giá trị cao nhất là cà phê, cao su, hơn 20 năm qua bài toán hiệu quả kinh tế vẫn trồi sụt thất thường theo thời giá 2 mặt hàng xuất khẩu cơ bản này.
 
Do hơn 90% sản phẩm làm ra chỉ xuất thô nên phần thiệt thòi rất lớn rơi vào người sản xuất, thiệt cả cho ngân sách mỗi năm hàng trăm triệu USD. Cà phê, cao su xuất thô còn đáng tiếc như vậy, bô xít là loại khoáng sản không thể tái tạo được, xuất thô hết đi rồi còn lại gì tài nguyên cho các thế hệ sau?
 
Đó là chưa kể đến những tổn hại không thể tính đếm nổi về giá trị tinh thần trong lành tĩnh tại của cao nguyên M’Mông, sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sự biến mất từng mảng lớn làng-rừng thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên- Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới … 
 
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn – giám đốc Cty Năng lượng Sông Hồng (đơn vị thành viên của TKV) không ngần ngại cho rằng nếu giành nguồn vốn đầu tư khai thác bô xít chế biến thành quặng nhôm xuất thô lợi bất cập hại để đầu tư cho các dự án trồng cà phê cao su đang rất khát vốn bên …Lào thì lợi nhuận vừa gấp rất nhiều lần, vừa nhanh thu hồi vốn lại khỏi phải gây ra những mối nguy khó gỡ.
 
Còn nhớ,  sau khi gia nhập COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế của các nước thuộc hệ thống XHCH những năm 1949 – 1991) Chính phủ ta từng đưa dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên nhưng hội đồng COMECON (trong đó có Liên Xô, khi ấy rất thiếu quặng bô-xít phục vụ công nghiệp quốc phòng) vẫn quyết định không triển khai dự án mà thay vào đó là hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án về cao su, cà phê và chè, do lo ngại những tổn thất lớn lao về kinh tế và môi trường đối với cả Tây Nguyên và đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ.
 
Trước quá nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, ngay tại thời điểm chống lạm phát và cả nước đang sôi sục trước những vấn nạn môi trường gây ra do những Vedan, Miwon, Hào Dương v.v… và trên hết là do sự lỏng lẻo của cơ chế quản lý giám sát, do những sơ hở vội vàng vì chạy theo chỉ tiêu kinh tế với đà tăng trưởng nóng mà quên đi cái giá rất đắt phải trả cho cân bằng sinh thái, câu hỏi “Nên hay đừng khai thác bô xít trên Tây Nguyên?” trở nên khẩn thiết hơn bao giờ.
 
Phải chăng nên thận trọng khai thác, chế biến thử nghiệm với quy mô nhỏ trước khi bung ra các đại dự án, mà nếu chiếu theo Luật Khoáng sản và Luật Đầu tư, hiện chưa có bất cứ dự án bô xít nào đủ điều kiện triển khai?!
 Hội thảo tầm quốc gia với chủ đề “Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế – văn hóa- xã hội- môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ” do chính tập đoàn TKV phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và Viện Tư vấn Phát triển (CODE) tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa trong 2 ngày 22,23/10/2008 sắp tới hứa hẹn sẽ rất sôi động với những ý kiến rất tâm huyết mà cũng rất … trái chiều.