Chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 13/08, tại Hà Nội, đông đảo các nhà khoa học, các quản lý và hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo tham vấn Chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường giai đoạn 2010-2020, do Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) tổ chức.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường trình bày và phân tích các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường, qua đó Việt Nam cũng rút ra kinh nghiệm để xây dựng chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường giai đoạn 2010-2020.

Theo thạc sĩ Nguyễn Trí Thanh- Trung tâm tư vấn và Công nghệ môi trường, việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường mỗi nước cũng khác nhau, phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức và những điều kiện cụ thể của quốc gia đó để đưa ra chương trình hành động của mình. Song quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường của nhiều quốc gia vẫn có những điểm chung.

Nguyên tắc chung bao gồm 10 bước, đó là thành lập Uỷ ban sức khỏe môi trường như các chuyên gia sức khoẻ môi trường, nhóm dân cư và những nhà làm chính sách. Nghiên cứu và đánh giá hiện trạng sức khỏe môi trường, các chính sách liên quan, trình độ khoa học công nghệ và nhận thức cộng đồng…

Bên cạnh đó, chương trình còn phải xác định các vấn đề sức khoẻ môi trường ưu tiên, cũng như củng cố tầm nhìn quốc gia trong dài hạn và những nguyên tắc cơ bản cho chính sách sức khoẻ môi trường. Đồng thời thiết lập những mục tiêu và chiến lược quan trọng, xác định chi tiết các hành động như các điều khoản của chính sách, hệ thống nghiên cứu đào tạo, các quy định…

Ngoài ra, chương trình còn phải xem xét ưu tiên các hành động chi tiết và xác định thời gian hành động; Thiết lập và tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động. Cuối cùng là chỉ đạo đánh giá theo chu kỳ và sửa lại kế hoạch nếu cần thiết.

Nhìn chung, Dự thảo xây dựng Chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường giai đoạn 2010-2020 do Tổng cục Môi trường xây dựng, cũng dựa trên các bước cơ bản trên và có chỉnh sửa cho phù hợp với điểu kiện của Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao việc xây dựng dự thảo Chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường giai đoạn 2010-2020. Dự kiến, Chương trình quốc gia về sức khoẻ môi trường sẽ được trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết được những hạn chế trước đây.

Mặc dù Việt Nam là một trong những nước sớm tham gia và chủ động tổ chức các hoạt động về Sáng kiến liên kết môi trường và sức khoẻ do Liên Hợp quốc khởi xướng. Nhưng các hoạt động bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng vẫn còn manh mún, tiến hành riêng rẽ chưa liên kết được với nhau, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, nhất là giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành y tế trong việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe môi trường chưa tốt, nên hiệu quả các chương trình kế hoạch còn nhiều hạn chế.