Tuabin gió không ảnh hưởng tới các loài chim

ThienNhien.Net – Sau một thời gian nghiên cứu các nhà khoa học đã kết luận rằng: các cánh quạt gió khổng lồ của các máy phát điện năng lượng gió hầu như không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của các loài chim. Điều đó đã cho phép các nhà môi trường và các công ty năng lượng gió có thể yên tâm thực hiện các dự án sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch với chi phí thấp này.

Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 sẽ có 20% năng lượng sử dụng ở châu lục này là từ các nguồn tài nguyên tái sinh, và năng lượng gió sẽ là một nguồn cung cấp quan trọng. Từ trước đến nay, hầu hết các công ty năng lượng gió đều chủ yếu tập trung xây dựng các hệ thống tuabin gió ở ngoài khơi.

Do đó, hầu hết các nghiên cứu về tác động môi trường của các hệ thống tuabin đều nhằm vào những ảnh hưởng của chúng gây ra cho các loài chim biển. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng các cánh đồng gió ngoài khơi hầu như không ảnh hưởng gì đến các loài chim này. Nhưng cho đến nay, vẫn chỉ có rất ít những nghiên cứu về tác động đến môi trường sinh thái của các cánh đồng tuabin gió trên đất liến.
 
Trong khi đó càng ngày có càng nhiều công ty năng lượng tìm kiếm và khảo sát được nhiều khu vực thấp trong đất liền có nguồn năng lượng gió rất dồi dào để sản xuất năng lượng. Chính vì thế, Mark Whittingham, nhà sinh thái học của trường Đại Học Newcastle, Anh đã quyết định tìm hiểu xem liệu tuabin gió trên đất liền có ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim hay không.

Whittingham và các đồng nghiệp đã nghiên cứu các quần thể chim sống gần 2 cánh đồng tuabin gió ở bán đảo Đông Anglia, Vương Quốc Anh. Họ nghiên cứu tỉ mỉ các cánh đồng gió này và đánh dấu những con chim mà họ bắt gặp trong suốt hơn 2 tháng mùa đông năm 2007. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận gần 3000 cá thể thuộc 23 loài khác nhau, trong đó có 5 loài hiện đang được các nhà bảo tồn động vật rất quan tâm như: chim cổ vàng, chim sẻ Á Âu, chim sẻ ngô, chim chiền chiện Âu Á và chim sẻ tranh (tạm dịch). Sau đó họ đã phân tích sự phân bố của các loài chim ở những khoảng cách khác nhau trong vòng 1km từ các tuabin. Kết quả cho thấy chỉ có loài gà lôi đỏ là có sự thay đổi chỗ làm tổ. Chúng hầu như tránh xa các tuabin gió.

Tuy nhiên Whittingham cho rằng điều đó không phải là vấn đề nghiêm trọng vì gà lôi đỏ có thể dễ dàng thích nghi với nơi cư trú mới. Còn lại với các loài khác những tuabin gió và hoạt động của chúng dường như không làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn nơi ở và làm tổ của chúng. Kết quả nghiên cứu này đã được nhóm nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sinh Thái Học Ứng dụng.

Từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng trong tương lai chúng ta có thể xây dựng các cánh đồng năng lượng gió trên các nông trại. Tuy nhiên để đảm bảo những hệ thống tuabin gió không ảnh hưởng đến các đặc tính sinh thái của các loài chim chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu hơn và trong thời gian dài hơn nữa. Vì Whittingham cho rằng những tập tính của các loài chim trong mùa đông mà ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu có thể thay đổi trong những thời điểm khác trong năm. Nhóm nghiên cứu cũng không tập trung vào việc xác định số lượng chim bị chết do đâm vào các tuabin, nhưng họ cho rằng con số đó là không đáng kể và các loài chim hầu hết để có kích thước tương đối nhỏ và có thể dễ dàng di chuyển xung quanh các tuabin. (Tuy nhiên, cũng phải cảnh báo rằng các cánh tuabin gió này là rất nguy hiểm đối với dơi và các loài chim di chuyển ban đêm).

John Quinn, một nhà động vật học đến từ trường Đại học Oxford, Anh – hiện đang nghiên cứu về tập tính của các loài chim – cho rằng nghiên cứu của Whittingham và nhóm nghiên cứu là rất “đáng tin cậy và thuyết phục”. Tuy nhiên ông cũng bổ sung rằng còn rất nhiều yếu tố liên quan đến các đặc tính sinh thái của các loài chim cần phải được xem xét kỹ hơn trong các nghiên cứu sắp tới chứ không chỉ dừng lại ở sự phân bố số lượng cá thể các loài. Ví dụ như các tuabin gió có thể ảnh hưởng đến những con chim non vì chúng không quen với các tuabin gió, và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn nơi làm tổ của các loài chim trong tương lai.