Theo cánh chim trời

Chụp ảnh các loài chim thật không dễ chút nào vì chuyển động của chúng rất nhanh và không thể đoán trước. Vậy nhưng vẫn có những người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là nhiều tháng chờ đợi chỉ để chụp được một vài khoảnh khắc xuất hiện hiếm hoi của chúng.

Và dưới ống kính của họ, các loài chim hiện ra với đầy đủ sắc mầu và chi tiết, đẹp đến mê mẩn mà chúng ta vốn không thể hình dung.

Nhà điểu học Lê Mạnh Hùng trong chuyến công tác miền trung đầu tháng 12/2021.

Gặp gỡ nhà điểu học

Thời tiết Hà Nội những ngày tháng 11 rất đẹp nhưng cũng rất khó chịu cho những ai không quen với kiểu nhiệt độ sáng lạnh, trưa nóng, những cơn gió mùa mạnh và khô thổi thường xuyên hơn. Ðây cũng là thời điểm các loài chim di cư từ phía bắc xuống phía nam trú đông, bắt đầu từ đầu mùa thu và kéo dài đến đầu mùa đông, chính xác là khoảng giữa tháng 11. Tuy nhiên, do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh và giãn cách xã hội kéo dài nên dù đã hẹn gặp Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhiều lần, tôi vẫn không có cơ hội theo anh thực địa một buổi chụp chim. Và đến khi chúng tôi ngồi trò chuyện được với nhau khi cả hai đã rảnh thì mùa chim di trú cũng chuẩn bị kết thúc. Vì thế, sau quãng thời gian chỉ quanh quẩn ở Hà Nội thời gian qua, Hùng cho biết, anh lại chuẩn bị có đợt công tác ở miền trung và Tây Nguyên. Tôi biết những chuyến đi dài ngày như vậy nhằm mục đích bổ sung cho bộ sưu tập ảnh, thông tin các loài chim mà anh đã và đang thực hiện trong hơn 20 năm qua.

Hùng tiết lộ thêm, thiên nhiên vốn luôn bí ẩn, bên cạnh số lượng đa dạng, với tổng số 916 loài đã được ghi nhận (Richard, Le Quy Minh, 2018), sĩ số loài chim ở Việt Nam tiếp tục tăng vì những loài mới vẫn tiếp tục được phát hiện và phát hiện lại và quan sát lần đầu tiên trong biên giới, vùng lãnh thổ Việt Nam. Nên nói thêm là cuốn sách Các loài chim Việt Nam vừa được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản hồi đầu năm nay, do Hùng chủ biên, dù được xem là ấn phẩm hoàn chỉnh nhất về bộ sưu tập ảnh các loài chim Việt Nam cũng chỉ mới giới thiệu được 731 loài chim qua 1.205 bức ảnh. Trong số này có 22 bộ, 93 họ, trong đó có 10 loài đặc hữu, 64 loài bị hoặc sắp bị đe dọa được ghi nhận trong Danh lục đỏ IUCN (2020) và 40 loài trong Sách đỏ Việt Nam (2007).

Ðể so sánh thì trong cuốn Giới thiệu một số loài chim Việt Nam in lần đầu năm 2012 của Hùng, để “châm ngòi” cho phong trào chụp chim, thậm chí chỉ giới thiệu 532 loài chim được ghi nhận tại Việt Nam thông qua 841 bức ảnh, trong đó có sáu loài đặc hữu, 25 loài bị đe dọa trên toàn cầu và 21 loài bị đe dọa được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.

Tính ra, chín năm qua, số loài chim được phát hiện và phát hiện lại, quan sát lần đầu tiên trong biên giới, vùng lãnh thổ Việt Nam đã tăng 201 loài. Bên cạnh đó, nếu trong cuốn Giới thiệu một số loài chim Việt Nam in năm 2012, Hùng cho biết phần lớn ảnh được anh bắt đầu chụp từ năm 2006 tại nhiều sinh cảnh khác nhau, thì ở cuốn Các loài chim Việt Nam in năm 2021, ngoài anh còn có các tác giả như Bùi Ðức Tiến, Tăng A Pẩu, Trần Anh Tuấn và Nguyễn Mạnh Hiệp tham gia.

Tuy nhiên, để có thể chụp ảnh một loài, chưa nói đến con số 201 loài tăng thêm nêu trên, không bao giờ là dễ cho những ai đã theo đuổi công việc và niềm đam mê này. Lợi thế của Hùng là anh có điều kiện đi lại, thu thập số liệu để phục vụ việc nghiên cứu, viết sách nhưng muốn có được những khoảnh khắc giá trị, hiếm hoi của từng loài chim là rất khó vì đây là đối tượng hoang dã, chuyển động nhanh và không thể đoán trước, chưa nói đến việc môi trường sống của chúng đang bị đe dọa, thu hẹp do nạn phá rừng, săn bắt và tiêu thụ các loài chim. Hùng kể, có những loài khiến anh phải đi lại nhiều lần mà chưa chụp được, chẳng hạn như con cú đại bàng xuất hiện tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) và Vĩnh Cửu (Ðồng Nai) hồi tháng 3 năm nay. Hay, anh phải nằm rừng nhiều ngày, leo trèo trên những vách núi cao và thậm chí đối mặt cái chết như ở Quảng Bình khi gặp mưa lũ trong lúc dẫn đoàn làm phim của kênh National Geographic thực hiện những cảnh quay tại đây. Và không thể không kể đến sự may mắn hoặc đen đủi trong chụp chim khi có những người mới vào nghề đã bắt được ngay hình ảnh của một loài mà anh tìm kiếm, chờ đợi bao lâu nay.

Ðó là những kỷ niệm mà nhà điểu học sinh năm 1976 chẳng thể chia sẻ với ai trong thời gian đầu anh theo đuổi nghề, khi số người biết công việc của anh và cùng đam mê như vậy ở Việt Nam còn rất ít. Chỉ sau này, nhờ cuốn Giới thiệu một số loài chim Việt Nam ra mắt, mạng xã hội phát triển, điều kiện tiếp cận công nghệ tốt hơn, sự lớn mạnh của cộng đồng nhiếp ảnh nói chung và chụp chim nói riêng, những nguy cơ, rủi ro mà anh đối mặt, niềm vui khi phát hiện một loài mới, đã được đồng nghiệp, bạn bè chia sẻ, động viên, để mỗi bức hình và thông tin về loài mới trở nên giá trị, có sức lan tỏa, giúp tất cả trân trọng công việc và niềm đam mê của những người như anh. Ðồng thời cũng giúp nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh thái, trong đó có môi trường sống của các loài chim.

Những cuốn sách về chim của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng. 

Kiên nhẫn để thành công

Nghe Hùng kể vậy nhưng khi lật giở từng trang cuốn Các loài chim Việt Nam, tôi mới thấy đây giống như một cuốn atlas hay từ điển về chim. Ấn tượng ở cuốn sách không chỉ là những thông tin đầy đủ về sinh cảnh, phân bổ và mô tả loài mà còn là nhiều hình ảnh đẹp, mầu sắc rực rỡ đến khó tin của mỗi loài chim. Thế mới thấy giữa cuốn sách đầu tiên về chim mà anh thực hiện là Chim Phú Quốc in năm 2006 chỉ có hai mầu đen, trắng và cuốn Các loài chim Việt Nam in năm 2021 đã có sự khác biệt rất lớn, để giải thích vì sao chỉ cần ngắm vẻ đẹp rực rỡ của chúng thôi, tôi, như nhiều người chụp chim đã xem anh là nguồn cảm hứng, cũng muốn mình vác máy đi chụp.

Nghĩ thế nhưng tôi biết anh rất bận, trước khi mong mỏi của tôi bất ngờ được anh đáp ứng bằng một buổi thực địa ở Yên Xá (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, quận Hà Ðông, Hà Nội), ngay trước ngày anh đi công tác. Ðây là một trong những địa điểm chụp chim quanh Hà Nội mà Hùng và nhiều người thường lui tới vào cuối mỗi tuần, bên cạnh Ðan Phượng và Vườn quốc gia Ba Vì. Do chỉ là chuyến đi ngắn, không cần xác định khu vực, Hùng chỉ mang theo bộ máy ảnh và một số vật dụng cần thiết.

Chỗ chúng tôi đến vào sáng sớm nằm cách cổng chợ Yên Xá khoảng 300 m, tuy chỉ là một vườn cây bỏ hoang giữa khu dân cư và nhà cao tầng quanh đó nhưng chim về tập trung khá đông. Ban đầu, Hùng đặt chân máy hướng ra bờ ao, căn chỉnh hậu cảnh và tiêu cự chiếc máy ảnh Nikon, đồng thời giải thích ngay với tôi rằng, anh sẽ chờ hai con bói cá mà anh đã gặp trước đấy xuống tìm thức ăn. Sau đó, anh cắm cọc dựng lều quây kín chỗ ngồi của chúng tôi để ngụy trang và hướng ống kính Nikon 600 mm FL qua một ô nhỏ được khoét sẵn trên lều. Anh cũng không quên lấy bình xịt côn trùng ra và nói thêm, nếu ngồi đây lâu, chúng tôi nên đề phòng muỗi, kiến.

Quả thật, chúng tôi ngồi chờ khá lâu mà không thấy bóng dáng của hai con bói cá như anh nói, trước lúc anh mang ống nhòm di chuyển sâu hơn vào trong vườn để tìm chim. Một lát sau, Hùng trở ra và hai chúng tôi dỡ lều, nhanh chóng tiến vào phía trong sau khi anh xác định là có rất nhiều loài chim khác.

Tôi lại phụ anh dựng lều và chúng tôi tiếp tục ngồi chờ trong im lặng, không ai nói với ai câu nào, như thể cả hai đều không muốn phá hỏng không gian của một bản giao hưởng đầy tiếng chim hót, trước lúc chúng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Tôi có thể nhìn rõ mầu sắc của chúng cùng cái bóng lúc bắt sâu, lúc chuyền cành liên tục. Rất nhanh, Hùng chụp lấy chiếc máy có ống kính siêu tele và bấm liên hồi, rồi anh lại lấy chiếc máy có ống kính ngắn hơn và tiếp tục bấm.

Chỉ sau khoảng vài chục giây, Hùng là người lên tiếng đầu tiên: “Ngồi chụp ảnh chim như ngồi thiền vậy, đòi hỏi người chụp phải ngồi yên trong nhiều giờ, không tạo ra tiếng động có thể khiến chim bay đi. Ðiều này cho phép người chụp tập trung quan sát đối tượng và môi trường chung quanh. Và cũng không nên lo lắng, thiếu kiên nhẫn khi một chú chim bay đi mất. Chúng thường có những chỗ đậu yêu thích và có thể quay lại sau ít phút”.

Sự kiên nhẫn trước những đối tượng chuyển động nhanh, liên tục như các loài chim là điều kiện không thể thiếu ở mỗi người chụp chim và qua cách Hùng nói chuyện, tôi cũng hiểu rằng, nếu không kiên nhẫn và đam mê, anh sẽ không thể có những bức ảnh như ý. Ðã đành có trường hợp chỉ bấm một lần là thành công nhưng có nhiều trường hợp, một chuyên gia điểu học như Hùng vẫn phải chụp đi chụp lại mới thật sự hài lòng. Ðó là chưa kể người chụp được một loài hiếm mà người kia không chụp được sẽ khiến họ càng thêm quyết tâm và động lực để cố gắng chụp bằng được.

Những câu chuyện như vậy của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi xen giữa đó lại là sự im lặng, để chúng tôi có thể lắng nghe rõ hơn âm thanh của các loài chim như hoét, hút mật, đớp ruồi, chào mào…, với những tiếng vỗ cánh, với những tiếng hót lanh lảnh, hòa trong tiếng xào xạc của gió, lá cây. Trong khung cảnh đó, tôi hiểu được tại sao phong trào chụp chim đã phát triển mạnh trong 5 năm gần đây trên cả nước, với những người chụp chuyên nghiệp để nghiên cứu, viết sách và những người chụp nghiệp dư. Ðiểm chung của họ không chỉ là niềm đam mê chụp ảnh, chụp chim mà còn vì ý thức bảo vệ các loài chim trước nạn săn bắt, buôn bán và giết thịt. Những phát hiện mới về loài, những bức ảnh chụp được để công bố trong nước và thế giới của họ sẽ là bằng chứng cho tất cả thấy rõ hơn sự đa dạng lớn về hệ chim của Việt Nam. Ðồng thời bổ sung vào những nghiên cứu về chim vốn còn hạn chế, đặc biệt là việc xuất bản các ấn phẩm liên quan hình ảnh các loài chim trong thiên nhiên hoang dã, cũng như cảnh báo, nâng cao ý thức của xã hội trong bảo tồn những vùng chim quan trọng, những loài cần quan tâm bảo tồn, những loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, sắp nguy cấp và những loài sắp bị đe dọa.

Chúng tôi rời Yên Xá vào khoảng 4 giờ chiều sau một ngày khá bận rộn của Hùng nhưng như anh nói, dù đã chụp hết các loài chim như hoét, hút mật, đớp ruồi, chào mào…, anh vẫn phải cập nhật thường xuyên thông tin, hình ảnh của chúng hay giao lưu cùng bạn bè qua những chuyến đi như thế này. Chẳng gì thì công việc của anh luôn phải đuổi theo các loài chim, tiếp tục tìm kiếm và phát hiện loài mới, và trong tương lai gần, anh hy vọng mình và các đồng nghiệp có thể ra mắt những cuốn sách có chủ đề chim và thức ăn hay chim và hoa để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và động vật cho trẻ em.