Bài 1: Chim trời không lối thoát vì lưới mờ, súng săn, loa giả tiếng muôn loài

Lời tòa soạn – Khoảng cuối năm 2020, từ nguồn tin tố cáo của những người yêu thiên nhiên, cơ quan chức năng hơn 10 tỉnh, thành đã đồng loạt ra quân: tấn công, bóc trần sự thật tàn khốc bên trong các “tổng kho”, nhà hàng buôn bán chim hoang dã lớn. Tình trạng đặc biệt nóng ở một số tỉnh thành nổi tiếng với “đặc sản chim trời” ở phía Bắc và Bắc miền Trung như Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Cơ quan chức đã tiến hành kiểm tra, xử phạt một loạt các nhà hàng như Bản Cò, Thứ Cò ở Hà Nam; các “quán đặc sản” nổi tiếng ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… thu giữ và tái thả về tự nhiên nhiều loài chim hoang dã, với số lượng đáng khích lệ.

Tuy nhiên, sau đợt ra quân đó và vài vụ nhỏ lẻ khác, đến năm 2022, theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, tình trạng săn bắt buôn bán chim chim hoang dã tại các tỉnh phía Bắc vẫn đang tiếp tục tái diễn với quy mô và mức độ tinh vi ngày càng “vượt bậc”. Các tuyên bố bất chấp, huênh hoang, chà đạp lên luật pháp của nhiều chủ buôn chim trời (trong tuyến bài dưới đây) có thể làm rầu lòng bất cứ người yêu thiên nhiên và yêu sự minh bạch trong thực thi luật pháp nào!

Trên hành trình quay trở lại những điểm nóng về săn bắt, chim hoang dã “khét tiếng một thời”, Nhóm phóng viên ww.baovemoitruong.org.vn trong quá trình điều tra, thâm nhập đã bị sốc trước hình ảnh từng đàn chim bị mắc bẫy, treo lơ lửng giữa những cánh đồng mênh mông, những đàn cò đang bay bất chợt “rụng” xuống vì lỡ “lọt vào tầm ngắm” của một toán thợ săn sử dụng súng bắn theo chùm. Có những con chim bị treo lơ lửng giữa thiên la địa võng lưới mờ, khi chúng tôi tiến lại gần, định gỡ bẫy để giải cứu thì thấy chúng chỉ còn là cái xác…

Vậy câu hỏi đặt ra là, các đối tượng đi săn lấy đâu ra công cụ để “tàn sát” các loài chim?

Câu trả lời thường vẫn nằm ngay trong chính chiếc điện thoại của chúng ta.

Chim tự nhiên sa lưới, lơ lửng giữa trời xanh mênh mông.

Tràn lan bẫy, lưới, súng săn,… từ thế giới ảo đến ngoài đời thực

“Đi dạo” một vòng trên không gian mạng, chúng tôi vô tình lạc vào các hội nhóm về bẫy chim, bẫy thú trên mạng xã hội. Đây là những hội nhóm được người ta lập ra để rao bán, trao đổi các loại mồi bẫy, bẫy lưới và súng săn cho nhau. Hoặc cũng có nhiều trường hợp người ta đăng ảnh lên để khoe cả kho bẫy, kho súng “mênh mông” như trong phim hành động của mình, rồi gạ gẫm một vài “dân chơi chim” mới vào nghề săn mua hàng thông qua những giao dịch trên thế giới ảo. Đến khi tiền đã trao, hàng đã chốt thì họ lại lặn mất tăm. Chúng bỏ tài khoản mạng xã hội, bỏ cả số điện thoại “sim rác”.

Các loại bẫy lưới, súng săn được chào bán tràn lan trên mạng xã hội.

Trong vai một dân chơi súng, có nhu cầu tìm mua súng để đi săn chim. Chúng tôi tiếp cận được với H thông qua những tin nhắn ảo. H chào mời chúng tôi đủ loại súng săn, súng sát thương thế hệ mới, chỉ cần ứng tiền là sẽ có ngay. Còn về việc giao hàng, họ có thể tháo rời súng, chuyển dần qua các đơn vị được cấp phép vận chuyển (gọi nôm na là “qua bưu điện”) với tên gọi khác nhau cho từng linh kiện. Hắn bảo, cứ chuyển như linh kiện xe máy, móc khóa, linh kiện điện tử… Nhận phần nào, trả tiền phần đó, rồi có video hướng dẫn tháo lắp vận hành, có địa chỉ đường dẫn theo dõi đơn hàng.

Còn ở thế giới thực, chúng tôi đến khu vực Phú Thọ, Vĩnh Phúc và một số tỉnh Tây Bắc, đúng mùa săn (mùa xuân), tận mắt chứng kiến cảnh người ta vác những chiếc thùng to oạch trên lưng, đi nghêu ngao giữa đường. Hỏi ra thì biết đấy là ắc quy điện dùng để kích cá, họ tận dụng để phát loa giả tiếng đủ loài chim để dụ chúng về mắc lưới.

Đối tượng M, thợ săn ở khu vực phú thọ.

Tại đây chúng tôi còn tiếp cận được M, một thợ săn trong thuộc tỉnh Phú Thọ. Người này kể với chúng tôi là họ thường đi “đánh chim” vào buổi đêm. Dùng ắc quy điện phát loa gọi chim, giăng lưới mờ bắt chim, siết điện dọc sông Hồng bắt tất các loài. Để tránh bị bắt, nhiều khi phải “đóng phế” cho cán bộ địa phương theo mùa, đóng một lần thả phanh tung hoành.

Thậm chí, người này còn tự tin kể với phóng viên rằng: “Em đánh trên đỉnh ngoài bãi đố ai bắt được em, trừ khi em ngủ quên. Đêm em nhìn thấy ánh điện, đèn pin là em chui ngay vào bãi lau để trốn, có mà bắt vào mắt”.

Nếu không có những ghi âm, cùng những đoạn phim quay lén, chúng tôi thực sự không thể tin được rằng những gì M kể là sự thật, ngay cả khi liên tục được M mở cho xem những tủ đông chứa nhiều nghìn con chim trời tại nhà M. Các loài đắt tiền như sâm cầm, có đêm M đánh được vài chục con, ngay lập tức chuyển về tỉnh lỵ hoặc về Hà Nội, giá tại nhà M, đã lên tới gần 1 triệu đồng/con. Âm thanh giả tiếng chim sâm cầm “tiến vua”, M đặt mua tận Thái Lan.

Tất nhiên câu chuyện M kể ở trên chưa phải là tất cả, sự thật gây sốc hơn còn ở phía sau.

Tiết lộ của một người “vớ bẫm” vì bắt giết chim trời năm này qua năm khác

Thợ săn M dẫn phóng viên vào phòng kín, nơi đặt tủ đông chứa chim với vô số các loại khác nhau như mắt đỏ, sáo, sâm cầm, cò… với số lượng lớn hàng chục con mỗi túi. M nói với chúng tôi rằng: “Đây đều là các loại chim mới mà em vừa bẫy xong. Em đẩy chim đến nhà hàng nhiều đến nỗi người ta còn trốn em vì không có vốn để nhập hết nổi. Nguyên mùa chim này, nhà em lúc nào cũng chật kín 5 tủ đông các loài chim đã giết mổ. Chật cứng”.

M cũng tự tin rằng, không loại chim nào có thể thoát khỏi tay mình. Những loại chim M săn được đều là chim tự nhiên, chim di cư. Nguyên những đêm đi săn đầu mùa chim, M có thể kiếm được số tiền lên đến ngót chục triệu đồng, chim trời gặp phải lưới hay lọt vào tầm ngắm súng săn của M đều “rụng như sung”.

Bẫy lưới, súng săn, kích điện được M sự dụng để săn bắt chim trời.

Thậm chí nguy hiểm hơn là M cùng một vài đối tượng đi săn đã bất chấp sử dụng cả kích điện để săn chim nước và nhiều loài cá, bất chấp những ảnh hưởng của nó đến môi trường.

Phóng viên đã ghi hình được những bình ắc quy với công suất lớn, được dùng để chế thành kích điện tại nhà của M. Khi được hỏi kích điện này dùng để làm gì, M thoải mái chia sẻ rằng: “Dùng để đánh cá với bẫy chim”. M còn nói rằng, những loại kích của mình công suất ngang điện lưới 220 “vôn”, dí xuống nước cái là con gì cũng chết, kể cả to cỡ như trâu, bò.

Vốn nghĩ rằng kích điện chỉ được người ta dùng để đánh cá trái phép, nhưng đến nay qua lời kể của M, chúng tôi thực sự bị sốc và xót xa khi biết chính những kích điện này đã tàn sát nhiều loài chim sử dụng đầm nước làm nơi trú ngụ, kiếm ăn.

Chính vì sức phá hoại khủng khiếp đến môi trường sống tự nhiên của kích điện, nên trong khoản 1 Điều 28 Nghị định 42/2019/NĐ-CP đã quy định rằng: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Hay thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (Sửa đổi Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015). Thế nhưng bất chấp tất cả rủi ro, những thợ săn như M vẫn sử dụng kích điện để tàn phá thiên nhiên.

Thậm chí, chính M còn kể với chúng tôi rằng không ít những trường hợp người chết vì sử dụng kích: “Không biết bao nhiêu người chết vì dùng kích điện. Cách đây hơn chục ngày ở trên huyện Hạ Hòa, có người chết vì đi kích ở sông. Hai người đi kích ban đêm, không cẩn thận đâm vào gốc cây ở sát bờ sông, một người ngã xuống nước, trong khi tay vẫn đang bóp cò cái kích điện”. Ngay cả bản thân M cũng thừa nhận rằng bản thân mình không ít lần bị điện giật vì đi kích cá, bẫy chim, suýt mất mạng vì miếng ăn.

Theo chia sẻ của M, không loài chim nào có thể thoát được khi bị thợ săn nhắm trúng.

Mánh khóe qua mặt lực lượng chức năng của các “sát thủ bầu trời”

Để mùa săn được diễn ra “trọn vẹn” và “yên ổn”, những thợ săn như M bảo rằng đều phải “nộp thuế” cho cơ quan chức năng ngay từ đầu vụ để được bảo kê. M kể rằng: “Em dùng loa phát thành tiếng để chim, để lũ chim tưởng là đồng bọn nó đến, em dùng cả lưới để bắt. Cán bộ, nhiều khi họ cũng đi thu lưới đấy, nhưng vẫn làm luật được. Phải làm luật ngay từ đầu vụ cơ, lúc đấy đút tiền nó còn dễ. Chứ tầm này cuối vụ bảo em vài… triệu đồng em cũng không nộp, cuối vụ rồi đánh bao giờ được ngần ấy tiền nộp phế”.

Nói chung đi làm cái nghề ăn trộm của trời đất này, rõ ràng là việc phi pháp, thì thằng nào đen thì bị bắt. Trên Hạ Hòa (huyện gần bên), bọn bạn em đi đánh chim bị bắt la liệt, đầu tiên là cảnh báo, thu lưới xong rồi nhắc nhở không được đánh nữa. Ông nào cố tình là bị phạt. Nếu lúc người ta đến cảnh báo mà đút 1 đến 2 triệu đồng có khi xong. Mình bảo là: “Thôi anh cầm tạm cho em đánh nốt vụ” là nó bơ luôn, ông đánh thế nào cũng được, vặn loa hết cỡ nó coi như điếc. Hoặc nó sẽ cảnh báo cho mình nếu có đội khác đi tuần”.

Thậm chí M còn nói: “Ví dụ anh là cán bộ quản lý, anh đến gặp em rồi bảo rằng: “Đầu vụ chả biết có loại chim nào ngon không chú nhỉ?” Chỉ cần nghe nói thế thôi là đi săn con gì đó thật ngon để biếu rồi quà cáp. Mình là cấp dưới, mình muốn người ta nâng đỡ mình thì mình bắt buộc phải bỏ ra vài triệu đồng ngay”.

Kết cục của những loài chim tự nhiên sau khi bị bắt là đều đi về bàn nhậu.

Nhiều khi để tránh sự kiểm tra bất chợt của cơ quan chức năng địa phương, M cùng những thợ săn khác buộc phải đi vào ban đêm, để hễ thấy dấu hiệu có kiểm lâm, hoặc công an địa phương đi tuần là trốn được ngay. “Ở huyện Yên Lập (gần chỗ M sinh sống), cán bộ họ truy quét ngăn chặn bẫy bắn chim trời kinh lắm. Nhưng nhiều khi họ không bắt được các thợ săn. Vì các ông ý cứ đi tối đêm, đi lẩn lút. Đoàn kiểm tra mà đến, đèn sáng, chúng nó thấy chúng nó chạy luôn”.

Thậm chí, bất chấp việc có lực lượng chức năng đến nhắc nhở, một số thợ săn chim, theo quan sát của chúng tôi, vẫn tỏ vẻ không hề sợ hãi. Họ vẫn bật loa phát tiếng chim, giăng lưới, đặt bẫy khắp các cánh đồng. Vì nhiều kẻ tự tin rằng mình có người bảo kê rồi. Đồng ý cho chúng tôi theo chân quan sát, “trải nghiệm” nghề kiếm ăn đêm, một thợ săn nói: “Trước có đội cán bộ huyện xuống nhà ông Q bán quán nước bảo là: “ông bảo thằng cu nó đánh chim thì bật loa bé bé tí, sợ đội khác nó đi tuần nó thuê thuyền sang bãi nó bắt đó, bọn tôi thì không sao”. Lần đấy là đội ấy họ khéo léo “nhắc nhở” tôi, nhưng tôi cứ lờ đi, để vụ sau lo lót nhân thể”.

Từ câu chuyện mà các thợ săn chia sẻ với phóng viên, có thể thấy chúng ta đã có những quy định, chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến săn bắt những loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim trời, chim di cư, như Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Nhưng những thợ săn mà chúng tôi gặp, ghi nhận trong tuyến bài này, rõ ràng, họ vẫn bất chấp, sử dụng mọi thủ đoạn để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, thậm chí họ còn tiết lộ nhiều về cung cách quản lý thiếu minh bạch ở địa phương.

Từ đó liệu có nên đặt ra những dấu hỏi về tính hiệu quả, tính minh bạch trong công tác quản lý, kiểm soát việc săn bắt trái phép các loài hoang dã ở một số địa phương hiện nay hay không?; cũng như có chế tài ngăn chặn dấu hiệu thờ ơ hay bảo kê cho tệ nạn tàn sát thiên nhiên như thợ săn vừa tiết lộ ở trên. Mặt khác, cơ quan chức năng, không có gì quá khó để kiểm soát chặt chẽ hơn việc các đối tượng coi thường luật pháp, tiến hành quảng bá, buôn bán trái phép các loại súng săn nguy hiểm, các loại bẫy/lưới/ dụng cụ đa dạng để săn chim trời và nhiều động vật hoang dã trên mạng xã hội như hiện nay.

Bài 2: “Lúc công an kiểm tra, tôi vẫn cho giết thịt chim phục vụ khách bình thường”