Loài chim đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao

ThienNhien.Net – Theo các chuyên gia về bảo tồn và sinh thái học loài chim tại trường đại học Stanford (Mỹ), các loài chim đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao.

Tiến sĩ Cagan H. Sekercioglu, một nhà khoa học đến từ trường đại học Stanford, người đứng đầu của dự án lớn nhất thế giới về theo dõi và bảo tồn chim nhiệt đới bằng sóng vô tuyến cho biết đến năm 2100 khoảng 15% trong tổng số hơn 10.000 loài chim hiện nay sẽ bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng ta không có những biện pháp bảo tồn hữu hiệu.

Trước đây người ta vẫn cho rằng chim là loài sinh vật ít bị đe doạ tuyệt chủng nhất. Nhưng các nhà khoa học hiện nay lại tin rằng với xu hướng biến đổi khí hậu cực đoan, tình trạng mất đi môi trường sống cùng với các nguyên nhân khác thì cho đến cuối thế kỷ này nhiều loài chim sẽ trở nên khan hiếm, thậm chí là tuyệt chủng hoàn toàn. Gần 80% loài chim đất liền được dự báo sẽ bị tuyệt chủng bởi sự thay đổi khí hậu toàn cầu, các loài chim biển và chim sống ở vùng núi cao cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ tuyệt chủng.

Những khu rừng đang bị thay đổi do biến đổi khí hậu toàn cầu, mà những loài chim rừng lại rất nhạy cảm đối với điều kiện vi khí hậu nên sự phân bố của chúng ngày càng hẹp hơn. Chúng phải di chuyển lên các vùng núi cao hơn để thích nghi với sự nóng lên của khí hậu. Càng ngày môi trường sống của chúng càng bị thu hẹp lại, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Tiến sĩ Sekercioglu gọi hiện tượng “tuyệt chủng dần dần” này là những “nấc thang lên thiên đường” tồi tệ. Hiện tượng này cũng xảy ra với những loài sinh vật khác, đặc biệt là với các loài ít hoặc không có khả năng di chuyển như các loài lưỡng cư hay thực vật.

Tình trạng của các loài chim biển còn nghiêm trọng hơn. Hơn một nửa số loài chim biển đang bị đe doạ hoặc sắp bị đe doạ tuyệt chủng. Con số này gấp đôi so với các loài chim rừng. Nguyên nhân là do chim biển sinh sản rất chậm. Trứng và chim non lại rất dễ bị các loài động vật ăn thịt tấn công. Giờ đây, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi hiệu ứng nhà kính với sự gia tăng nồng độ CO2 đã làm gia tăng nhiệt độ và axit hoá các đại dương, cùng với tình trạng ô nhiễm biển khiến cho nhiều loài chim biển phải thay đổi khu vực kiếm ăn. 

Để cứu các loài chim cũng như các loài sinh vật khác khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cần phải có những biện pháp bảo tồn hữu hiệu. Tiến sỹ Sekercioglu đặc biệt nhấn mạnh việc bảo tồn nguyên vẹn các ổ sinh thái và làm tăng khả năng bảo tồn của các cảnh quan nhân tạo. Chẳng hạn, các vùng đất nông nghiệp nhiệt đới sẽ là những hệ sinh thái nhân tạo lý tưởng cho các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với những loài bị mất môi trường sống do đất đai bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Những vùng đất canh tác có thể trở thành những khu bảo tồn lớn. Và trong những khu bảo tồn đặc biệt này thì vai trò của người dân địa phương là rất quan trọng. Tiến sĩ Sekercioglu hiện đang điều hành ba dự án bảo tồn lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Costa RicaEthiopia. Ông cho biết: “Bất kỳ một dự án bảo tồn nào cũng cần phải cân nhắc và kết hợp chặt chẽ với người dân địa phương. Kể cả khi họ không nhận được một sự hỗ trợ tài chính nào thì họ vẫn nhiệt tình tham gia vào dự án nếu bạn biết cách đối xử với họ thật tốt, nhấn mạnh tầm quan trọng của quê hương họ đối với toàn cầu và để cao vai trò của họ trong các dự án bảo tồn đó”.