Khắc khoải chim trời

Mùa này, khắp các cánh đồng ven biển ở Thanh Hóa, người ta dùng nhiều hình thức để săn bắt chim trời. Lưới bẫy, keo dính đều được sử dụng với một mục đích là đưa những đàn chim di trú lên… bàn nhậu. Đã có những biện pháp tuyên truyền, ký cam kết, cho đến xử phạt các vi phạm. Tuy nhiên, phần vì sinh kế, phần vì những lý do khác, nạn tận diệt chim trời vẫn diễn ra khá phổ biến.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2023 đến nay, lực lượng Kiểm lâm bờ biển Thanh Hóa đã bắt và xử phạt hành chính 8 vụ, với số tiền gần 27 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy hàng chục nghìn các dụng cụ như: Lưới, bẫy nhựa, bẫy dập và lều tạm dùng để phục vụ săn bắt chim. Giải cứu, thả về tự nhiên gần 800 cá thể chim hoang dã.

Anh Ba đứng dậy đi về phía phát ra tiếng chuông báo hiệu đã có chim dính lưới. Trong đêm đen, con vật dính bẫy đập cánh giãy giụa, cất tiếng kêu tuyệt vọng. Phía xa trên đồng, tiếng vài người í ới gọi nhau, tay hua hua chiếc đèn pin khoe thành quả…

Chim én mắc lưới.

Đàn chim không trở về

Trong bóng chiều, khu trang trại rộng hơn 1 mẫu của gia đình ông Trần Văn Vương, khu phố Thành Tráng (phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa) nổi bật giữa nền trời tím sẫm. Vài cánh cò đơn độc chao lượn tìm nơi ẩn náu trước khi bóng đêm bao phủ. Dưới gốc một thân keo tràm lớn, ông Vương đau đáu dõi lên ngọn cây, chờ đợi… “Bữa nay, bầy chim không còn về để nương náu nhiều như mấy hôm trước. Có lẽ, một nửa trong số ấy đã vướng lưới bẫy và sẽ không bao giờ còn trở lại nữa”, giọng ông Vương đầy tiếc nuối.

Vừa lần hồi dẫn tôi xuyên qua tàng cây vào căn nhà tạm trong khu đất, ông Vương vừa cho hay: Gia đình ông ra đây nhận đất thầu khoán làm kinh tế đã hơn 20 năm nay. Ban đầu, ông định trồng thêm keo để bán nhưng rồi khi cây keo lớn dần cũng là lúc từng đàn chim di trú theo mùa kéo về trú ngụ, ông không đành. “Mỗi tinh mơ và buổi chiều tà, cả khu vườn rôm rả như người ta họp chợ phiên. Từng đàn cò, vạc, giang giang, chèo bẻo… từ đồng về, tranh nhau tìm chỗ đậu. Vậy mà… đất đã không còn lành nữa”- ông Vương nói.

Ngồi trên bậc tam cấp, ông Vương hướng ra phía cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, ông kể: “Chỉ khoảng hơn 1 tuần trước, cả cánh đồng này lưới bẫy chim giăng mắc khắp nơi như mớ mạng nhện khổng lồ. Người ta hùa nhau đánh bắt chim, hỉ hả như được tận thu một thứ lộc của trời. Từ bữa lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chính quyền đi thu lưới bẫy, họ không còn giăng lưới, thay vào đó là cắm thẻ nhựa lẫn vào gốc rạ, dùng cò mồi để nhử. Số lượng chim di cư vì thế mà cứ giảm dần theo từng ngày”.

Lực lượng Kiểm lâm cắt bỏ các bẫy lưới giăng trên đồng.

Giăng bẫy tận diệt

Khó khăn lắm tôi mới xin được đi theo anh Lê Đình Ba, trú tại xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương – một người chuyên đi đặt lưới bẫy bắt chim trên đồng vào ban đêm. Trời chưa tối hẳn, tôi và anh Ba đã có mặt tại địa điểm được nhắm trước để buông lưới. Trên khắp cánh đồng, lưới bẫy chim đã được những người đi trước giăng mắc như “thiên la địa võng”. Ví trí được anh Ba chọn để giăng lưới là một vùng ruộng hẹp tiếp giáp giữa 2 làng. Sau một hồi bì bõm, lần mò trong đám ruộng lầy, Ba đã giăng xong bẫy.

Loại lưới mà anh Ba sử dụng là lưới cước có tận 2 lớp, dài chừng 30m, cao 3m, mắt nhỏ và gần như tàng hình hoàn toàn vào màu đêm đen. Trên mỗi đoạn dây dẫn lại được gắn một chiếc chuông nhỏ để báo hiệu khi có chim sa lưới. Theo lời của anh Ba thì từ: Dẽ dun, vạc, giang giang, cun cút, đến chim nhạn, cắt, cú mèo và các loại chim ăn đêm khác đều không thể nào thoát khi mắc lưới. Anh Ba với tay bật công tắc, từ chiếc loa chỉ lớn hơn hộp thuốc lá, tiếng cuốc, tiếng vạc, tiếng chim dẽ dun, tiếng dế kêu đêm… lan đi. “Giờ thì ngồi chờ đến lúc chuông báo và thu hoạch”- anh Ba nói rồi chùi đôi tay bết bùn đất vào đám cỏ bên bờ ruộng.

Giữa bầy muỗi đói vây quanh, anh Ba kể cho tôi nghe về cái nghề bẫy chim đêm. Theo anh, mùa đánh bắt chim trong năm thường được chia thành 2 đợt. Đợt thứ nhất vào khoảng tháng 4, tháng 5. Đây là thời điểm đồng có nhiều thức ăn, chim gọi nhau về kiếm ăn, ghép đôi sinh sản. Đợt thứ 2 là vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng nửa tháng 11, hàng ngàn vạn con chim dạt vào từ biển để tránh bão cùng với đó là chim từ phương Bắc di cư xuống để trú đông. Phương pháp đánh bắt chủ yếu là dùng cò mồi để dụ các đàn cò dính vào bẫy keo vào ban ngày. Khi bóng tối ập xuống thì dùng lưới để bẫy các loài chim ăn đêm. Thường thì tất cả các loại chim bất kể to nhỏ, khi đã vướng lưới đều bị đem đi giết thịt, phục vụ cho nhu cầu của các thực khách. Hiện nay, giá mỗi con cò trung bình dao động từ 30 – 50 nghìn đồng, tùy loại to, nhỏ. Một con vạc hoặc diệc có giá hơn 100 nghìn đồng. Nếu trúng đợt gió mùa, chim về nhiều, một người bẫy chim, mỗi đêm có thể thu nhập từ 600 đến 1 triệu đồng.

“Người dân không biết đã có các quy định nghiêm cấm hoạt động săn bắt, tận diệt chim hoang dã sao?”- tôi hỏi cắt ngang câu chuyện của anh Ba. Không cần suy nghĩ, anh Ba bảo: “Biết chứ, hôm nào trên hệ thống truyền thanh của thôn chả tuyên truyền. Nhiều lần chính quyền xuống thu lưới, bắt ký cam kết, tôi cũng đã định bỏ nghề nhưng cứ nhìn đám trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn và bao nhiêu thứ chi phí khác nữa, những người nông dân không có nghề phụ như chúng tôi biết lấy gì để làm sinh kế ngoài mấy sào ruộng chỉ đủ gạo ăn trong năm? Khó lắm”. Rồi anh Ba đứng dậy đi về phía phát ra tiếng chuông báo hiệu đã có chim dính lưới. Trong đêm đen, con vật dính bẫy đập cánh giãy giụa, cất tiếng kêu tuyệt vọng. Phía xa trên đồng, tiếng vài người í ới gọi nhau, tay hua hua chiếc đèn pin khoe thành quả…

Những con cò dính bẫy lưới được lực lượng chức năng giải cứu,

Tìm cách giải cứu

Đâu là nguyên nhân khiến nạn săn bắt, tận diệt các đàn chim hoang dã ngày càng gia tăng, dù Chính phủ đã có công văn chỉ đạo; chính quyền các địa phương ra sức tuyên truyền vận động, thậm chí là xử phạt để răn đe? Đem câu hỏi này đến UBND các xã vùng ven biển và các cơ quan hữu quan của Thanh Hóa, tôi đều nhận được duy nhất câu trả lời: Vì sinh kế; vì bản năng săn bắt, hái lượm vốn tồn tại trong tiềm thức con người và vì nhu cầu ẩm thực của con người.

Hầu hết những địa phương nằm ở ven biển tại Thanh Hóa như: Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn, Hoằng Hóa…, người dân đều phải dành đất nông nghiệp, nguồn sinh kế chủ yếu cho các dự án công nghiệp và du lịch. Khi không có nghề phụ để phát triển kinh tế, bà con đã buộc phải xoay sang nguồn lợi trước mắt là săn bắt các đàn chim di cư theo mùa, dù vẫn biết là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là quan niệm “chim trời, cá nước” và nhu cầu lớn của các nhà hàng, quán nhậu để phục vụ thực khách như một đặc sản.

Vậy giải pháp nào để giảm thiểu, đến chấm dứt nạn săn bắt chim hoang dã hiện nay? Tôi hỏi, ông Cao Văn Hoàng – Chủ tịch UBND phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn im lặng hồi lâu, rồi nói: “Khó đấy! Hiện nay chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, mang tính răn đe đối với người vi phạm. Là địa phương có nhiều người dân săn bắt chim di cư theo mùa nhưng chúng tôi mới chỉ áp dụng các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, tổ chức ký cam kết không giăng lưới, bẫy chim với các hộ dân. Nặng hơn nữa là tổ chức lực lượng chức năng đi thu các dụng cụ đánh bắt và tiêu hủy. Theo tôi, giải pháp lâu dài vẫn là tăng cường tuyên truyền theo phương thức “mưa dầm thấm đất”, nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã cho người dân”.

Cũng nói về vấn đề này, ông Bùi Khắc Hoàn – Hạt phó Hạt Kiểm lâm ven biển Thanh Hóa cho rằng: Để giảm thiểu tình trạng tận diệt chim trời, ngoài tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân, Nhà nước cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe nếu tái phạm. Hiện nay, mức phạt hành chính áp dụng cho các đối tượng vi phạm chỉ từ 1-5 triệu đồng. Ngoài việc ngăn chặn các hành vi săn bắt ngoài tự nhiên, cơ quan chức năng cũng cần phải thường xuyên kiểm tra và yêu cầu nhà hàng cam kết, không buôn bán các mặt hàng là chim hoang dã.

“Áp dụng chế tài có sức nặng răn đe là cần thiết nhưng theo tôi, tại các địa phương ven biển đã thu hồi đất sản xuất của người dân, các doanh nghiệp, tập đoàn nên có chính sách thu hút lao động tại chỗ để giải quyết bài toán sinh kế cho người dân. Có việc làm ổn định, có thu nhập thì nạn săn bắt chim hoang dã chắc chắn sẽ giảm” – ông Hoàn tin tưởng.

Ông Cao Văn Cường – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, trước mắt cần sửa đổi bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan, tăng cường chế tài xử lý các vi phạm; nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác. Phải nghiêm cấm việc giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán và ăn thịt chim hoang dã, chim di cư. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thực thi pháp luật hiệu quả, chính quyền, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội cần vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, kịp thời ngăn chặn và chấm dứt việc săn, bẫy, bắt chim hoang dã.