Biển axit hóa khiến sinh vật sinh sản kém hơn

ThienNhien.Net – Biển có tác dụng duy trì sự sống trên Trái Đất thông qua việc hấp thụ khí CO2 từ bầu khí quyển và từ những hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch của con người. Quan niệm xưa nay vẫn cho rằng độ cân bằng hóa học trong nước biển là bất biến. Thế nhưng nghiên cứu gần đây và cùng là đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực này đã phát hiện ra rằng độ pH của nước biển trên bề mặt đã giảm xuống 0,1, tức là 25% trong vòng hơn một thế kỷ qua. Chính điều này đã làm giảm khả năng sinh sản của các loài sinh vật biển.

Tiến hành nghiên cứu này là Jon Havenhand và Michael Thorndyke, thuộc ĐH Gothenburg và các đồng sự tại Úc. Sở dĩ các nhà nghiên cứu chọn loài nhím biển Heliocidaris erythrogramma sống ở các vùng bờ biển phía Nam nước Úc làm đối tượng thí nghiệm là do lớp vỏ của chúng được cấu tạo chủ yếu từ đá vôi – vốn dễ bị phân hủy trong môi trường có độ axit cao. Họ để chúng sinh sản trong môi trường nước có độ pH giảm xuống còn 7.7 so với mức pH 8.1 thông thường. Đây là môi trường nước có tính axit cao gấp 3 lần mức thực tế hiện nay nhưng là mức được dự đoán vào năm 2100. Kết quả thu được thật đáng báo động.

Giống như hầu hết các loài động vật không xương sống, loài nhím biển sinh sôi bằng cách phóng trứng ra môi trường nước bên ngoài để trứng có thể được thụ tinh. Tuy nhiên trong điều kiện nước có độ axit cao hơn thì khả năng sinh sản của loài nhím này giảm đi 25% do tốc độ bơi của tinh trùng chậm hơn và di chuyển kém hiệu quả hơn. Ngay cả khi quá trình thụ tinh thành công, sự phát triển của ấu trùng vẫn bị rối loạn, chỉ có 75% trứng là phát triển thành ấu trùng khỏe mạnh.

Jon Havenhand, chuyên gia thuộc khoa Sinh thái biển, Trung tâm Khoa Học biển Sven Havenhand, Tjärno, đồng tác giả nghiên cứu trên nhận định: “Giảm 25% khả năng thụ tinh đồng nghĩa với giảm 25% khả năng sinh sản. Vẫn cần phải nghiên cứu để có thể đưa ra kết luận liệu các loài sinh vật khác có chịu tác động tương tự như vậy hay không nhưng nếu xét tới các loài có giá trị kinh tế và sinh thái quan trọng như tôm hùm, cua, trai và cá thì có thể thấy rõ hiện tượng axit hóa ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.”

Ông cũng cho biết: “Những loài có bộ xương hay lớp vỏ cấu tạo từ đá vôi chịu những ảnh hưởng đặc biệt nặng nề như giảm khả năng sinh trưởng hay tăng tỉ lệ chết khi độ pH giảm. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa biết đầy đủ về những ảnh hưởng của quá trình axit hóa trong các đại dương và tôi hy vọng mình sai khi nhận định về những tác động lớn hơn.”

Jon cho rằng cần tiến hành nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này hơn nữa ở cấp độ toàn cầu.