Nước cho thuỷ điện – Kỳ vọng ở Luật Tài nguyên nước sửa đổi

ThienNhien.Net – Kéo dài tình trạng nợ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) – theo lý giải của chủ đầu tư công trình thuỷ điện – một phần bởi vướng mắc trong thủ tục xin cấp phép khai thác tài nguyên nước.


Gia Lai: Sông oằn mình cõng thủy điện (Kỳ 1)

Báo cáo ĐTM thủy điện: Bỏ ngỏ tiền kiểm, hậu kiểm (Kỳ 2)


Bao nhiêu là tối thiểu?

Theo Nghị định 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, việc khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường các hồ chứa cũng như kế hoạch điều tiết nước hồ chứa thuỷ điện phải đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu. Đó là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đối tượng sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên đã được xác định trong quy hoạch lưu vực sông.

Cũng theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định việc xác định dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên lưu vực sông. Việc công bố dòng chảy tối thiểu sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đối với các lưu vực sông thuộc Danh mục lưu vực sông lớn, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh, còn UBND cấp tỉnh thực hiện đối với các lưu vực sông nằm trong phạm vi địa phương thuộc Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.

 QL Thủy điện Đăk Đoa
Theo lời ông Hùng, sự thiếu cụ thể hoá Nghị định 112/2008/NĐ-CP đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện (Ảnh:ThienNhien.Net)

Trên thực tế, sự thiếu quy định cụ thể về dòng chảy tối thiểu đã gây lúng túng cho cả nhà quản lý lẫn chủ đầu tư. Ông Phạm Văn Hùng- Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện Đăk Đoa (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) phàn nàn “Nếu như đã quy định phải duy trì dòng chảy tối thiểu thì phải quy định tối thiểu nghĩa là bao nhiêu? Tôi đã ra Hà Nội và vòng đi vòng lại không biết bao nhiêu lần chỉ để làm rõ việc này. Gặp Cục Quản lý Tài nguyên nước hôm thì họ bảo rất cần, hôm thì họ bảo chúng tôi cũng chưa rõ quy định này. Trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép khai thác tài nguyên nước tôi đã chứng kiến cả chồng hồ sơ bị ách lại cũng vì cái quy định ấy”.

Vận hành các hồ chứa: Quyền dùng nước thuộc về ai?

Công tác vận hành các hồ chứa nước nhà máy thuỷ điện đã được Bộ Công thương quy định tại Quyết định số 3673/QĐ-BCT ngày 27/06/2008. Tuy nhiên, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo việc vận hành hồ chứa nước ở nước ta đang xuất hiện nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nước tưới cho nông nghiệp, vận tải thủy, đánh bắt thủy sản, du lịch.

Đến thời điểm này, cả nước có hơn 3.000 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích hữu ích khoảng 37 tỷ m3, chiếm 4,5% tổng lượng nước mặt bình quân. Trong số này, các hồ thủy điện chiếm 81% với gần 30 tỷ m3.

Ngoài các hồ thuỷ điện lớn Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang là những hồ đa mục tiêu, có nhiệm vụ chống lũ, phát điện, cải thiện cấp nước và giao thông thủy, các hồ thủy điện khác đa phần chỉ là những hồ đơn mục tiêu (phát điện) như các hồ trên sông Đồng Nai, sông Ba, Sê San, Vu Gia – Thu Bồn… Còn lại các hồ thủy lợi có nhiệm vụ chống lũ hạ du hoặc cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Mặc dù vai trò điều tiết của các hồ chứa là giữ nước mùa mưa để điều tiết mùa khô và giảm mực nước lũ cho hạ du, nhưng trên thực tế nhiều vấn đề cấp bách đang đặt ra trong công tác quản lý vận hành hồ chứa. Nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương; khai thác lòng sông quá mức; quyền dùng nước không được xác định rõ ràng; hạn chế trong việc đánh giá tác động môi trường; cấp phép khai thác nước quá muộn; thiết kế và xây dựng đập không xem xét đầy đủ nhu cầu vùng hạ lưu.v.v

Ở góc độ pháp lý, đến nay chưa có hạn chế về lượng nước trên sông; lộ trình đánh giá các vấn đề về quản lý nước, chức năng quản lý lưu vực sông không rõ, thậm chí khái niệm quản lý lưu vực sông được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, vai trò điều tiết của các hồ trong mùa khô không được phân định rõ ràng.

Để cải thiện vận hành hồ chứa nước, giải pháp là cần xác định được nhu cầu sử dụng nước của các ngành như tưới tiêu, giao thông thuỷ nội địa, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát điện, và nước để duy trì hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo không vượt quá ngưỡng tải của dòng sông. Đặc biệt, quy trình vận hành các hồ phải mang tính hệ thống và đáp ứng nhu cầu dùng nước trong mùa khô.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương thống kê, rà soát phân loại để lập danh mục các hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và lên kế hoạch tổng thể xây dựng quy trình vận hành liên hồ, trong đó có các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên. Được biết, Bộ cũng đang thúc đẩy việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các sông: Sêsan, Sêrêpôk, sông Ba, sông Hinh, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý 2 năm 2010.

 Thuỷ điện Ry Ninh 2
Quy trình vận hành hồ chứa cần có tính hệ thống và phải đáp ứng đựơc nhu cầu về nước trong mùa khô, hạn chế lũ trong mùa mưa. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Luật Tài nguyên nước sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cho các công trình tài nguyên nước. Ông Bùi Cách Tuyến – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: “Lo ngại nhất đối với việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên cùng một lưu vực sông là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh.”

Ông Hoàng Văn Bảy – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tài nguyên nước, Bộ TN&MT nhấn mạnh: “Trong mấy năm vừa qua việc xây dựng các công trình thủy điện trên các lưu vực sông tại miền Trung và Tây Nguyên tương đối ồ ạt. Thủy điện vừa và lớn thì do Bộ Công Thương quy hoạch nhưng các địa phương cũng tiến hành quy hoạch thủy điện nhỏ.

Hàng loạt công trình thủy điện từ lớn đến nhỏ cùng được xây dựng trên cùng một lưu vực hay một dòng sông, nhưng chưa được đánh giá tác động mang tính hệ thống, trên phạm vi toàn lưu vực, đặc biệt là việc điều tiết nước để cấp nước trong mùa cạn và phòng, chống lũ cho hạ du trong mùa lũ. Hiện nay các nhà đầu tư xây dựng thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ chú trọng đến mục tiêu phát điện, không quan tâm đúng mức đến vận hành hồ thủy điện.

Thực trạng này, khiến cho nguy cơ mất an toàn về mùa lũ, thiếu nước về mùa khô tại hạ du các lưu vực sông là rất cao. Có thể thấy, tổng thể quy hoạch thuỷ điện có vấn đề. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách.

Các nhà máy thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ tác động lớn đến tài nguyên nước, các lưu vực sông. Nếu không có đánh giá đầy đủ, quy hoạch bài bản, tranh chấp về nguồn nước sẽ tăng lên. Lãnh đạo Bộ và chúng tôi đều biết vấn đề này. Vì vậy, đó sẽ là 1 trong 16 nội dung quan trọng trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi, bổ sung. Sẽ có hẳn một chương quy định các công trình tài nguyên nước, chủ công trình có trách nhiệm gì, trách nhiệm đến đâu.”