Hòa Bình hướng dẫn chế tài xử lý nạn “giun tặc”

Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản hướng dẫn nhận diện hành vi và chế tài xử lý liên quan đến nạn “giun tặc”.

Ngày 25.8, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Khắc Long, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cho biết, vừa ký văn bản về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Người dân mất ăn mất ngủ vì nạn “giun tắc”. Ảnh: Minh Nguyễn.

“Giun tặc” hủy hoại đất, gây ô nhiễm môi trường

Tại văn bản này, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình đã đưa ra những ý kiến về việc nhận diện các hành vi hủy hoại đất, hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc thu bắt giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra (như dùng hóa chất, dùng kích điện…).

Cụ thể, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

“Giun tặc” hủy hoại đất, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Chuyên.

Về hành vi gây ô nhiễm môi trường do việc khai thác giun đất, sơ chế, sấy giun đất gây ra, theo Sở TNMT Hòa Bình, trên địa bàn tỉnh mới ghi nhận việc khai thác giun đất bằng kích điện.

Chưa có nghiên cứu, ghi nhận về việc gây ô nhiễm môi trường của hành vi dùng kích điện để khai thác giun đất.

Tuy nhiên, giun đất đóng vai trò quan trọng trong vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên cũng như dòng chảy năng lượng của thế giới sống. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300 – 500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó càng tốt…

Do đó, hành động “tận diệt” giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất bằng hình thức kích điện như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, làm suy giảm chất lượng đất canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triên của cây trông.

Lò sấy giun trên địa bàn huyện Kim Bôi hoạt động không phép nhiều năm nay. Ảnh: Minh Chuyên.

Các chế tài xử lý

Theo Sở TNMT Hòa Bình, hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như chế tài xử lý đối với hành vi dùng kích điện khai thác giun đất.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 15 Nghị định 91 ngày 19.11.2019 của Chính phủ, trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.

Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 héc ta trở lên.

Theo Sở TNMT Hòa Bình, các cơ sở sơ chế giun đất phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường.

Các cơ sở sơ chế giun đất phải có đầy đủ hô sơ pháp lý về chủ trương đầu tư, đất đai, môi trường…theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu không có đầy đủ hồ thì mức xử phạt quy định cụ thể tại Nghị định 45 ngày 7.7.2022 của Chính phủ.

Sở TNMT đề nghị UBND các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở thu gom, sơ chế, mua bán giun đất, kịp thời phát hiện những cơ sở hoạt động chui, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định.

Tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi bắt giun bằng kích điện gây suy giảm chất lượng đất.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về nạn “giun tặc”, các lò sấy giun hoạt động chui trên địa bàn tỉnh Hòa Bình khiến người dân mất ngủ và vô cùng bức xúc.

Cũng vào đầu tháng 8.2023, Cục Trồng Trọt – Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý ngăn chặn hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất.

Ngay sau đó, lần lượt các tỉnh Vĩnh Phú, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn… đã có văn bản tăng cường, ngăn chăn, xử lý tình trạng kích giun.