Triển khai nhanh việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân

Sáng ngày 08/07, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có buổi họp trực tuyến với 28 tỉnh – thành phố xung quanh việc triển khai Quyết định 289/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ cho ngư dân và thực hiện Chỉ thị 228/CT-BNN – NTTS của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc phát triển nuôi tôm (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

Đến nay, nhiều địa phương đã cơ bản hoàn tất điều tra, kiểm kê danh sách các đối tượng hỗ trợ và triển khai đến ngư dân. Tuy nhiên, việc triển khai chậm vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: xác định chuyến biển, thời gian hoạt động của các tàu cá, đối tượng hỗ trợ mua bảo hiểm; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc lập thủ tục, hồ sơ;… Vì thế, nhiều địa phương hiện chỉ cơ bản hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền; mới có khoảng 600 triệu đồng đến với ngư dân theo Quyết định 289/QĐ – TTg…

Vấn đề nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện, nhưng phần lớn vẫn nuôi thí điểm. Với năng suất bình quân 12 – 14 tấn/ha, nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận 100 – 160 triệu đồng/vụ/ha. Điều đáng quan tâm hiện nay là do không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng con giống (nhất là con giống bố mẹ), việc quản lý nguồn nước thải, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập… nên dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ tôm chết cao. Một số chính sách nuôi tôm thẻ chân trắng như: quy định vùng nuôi, quản lý dịch bệnh, chế tài xử phạt… chưa phù hợp, nhất là đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Tiến độ thực hiện Quyết định 289/QĐ – TTg quá chậm so với yêu cầu. Các địa phương cần nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ này để đảm bảo an sinh cho ngư dân. Đối với những vướng mắc, chủ yếu giải quyết thủ tục, giấy tờ…, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành hữu quan sớm giải quyết.

Trong khi chờ đợi chủ trương, các địa phương có thể tạm ứng kinh phí hỗ trợ đối với những hồ sơ đầy đủ thủ tục. Về nuôi tôm thẻ chân trắng, các địa phương triển khai ngay việc nuôi đại trà nhưng phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, vùng nuôi, chất lượng con giống, môi trường và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho người dân để giảm thiểu thiệt hại.