Nghịch lý đời sống nông thôn: Làm nhiều hơn, thu nhập ít hơn

ThienNhien.Net – Người Việt Nam đang giàu hơn, nhưng thu nhập của nông dân đang ngày càng giảm đi, đồng nghĩa với việc họ phải nai lưng ra làm việc và tham gia nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống”.

Báo NTNN số 187/2015 có đăng bài “Nông dân kém hài lòng về cuộc sống” phản ánh kết quả điều tra “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam – Sự trỗi dậy của con rồng mới nổi” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố. Để làm rõ hơn vấn đề này, NTNN đã phỏng vấn ông Lưu Đức Khải – Trưởng ban Chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn (CIEM).

Thưa ông, kết quả báo cáo do CIEM vừa công bố cho thấy, người dân nông thôn đang ngày càng kém hài lòng về cuộc sống của mình. Ông có thể cho biết kết quả trên dựa vào đâu?

– Để có được báo cáo này chúng tôi đã phải điều tra liên tục suốt hơn 10 năm qua. Cứ 2 năm một lần chúng tôi thực hiện điều tra trở đi trở lại với cùng với một hộ gia đình nông thôn. Mục đích là đánh giá chuyên sâu về sự thay đổi trong đời sống nông thôn Việt Nam trong suốt thập kỷ qua, bằng việc kết hợp giữa nguồn dữ liệu panel (điều tra lặp lại) sơ cấp độc nhất và công cụ phân tích tốt nhất hiện có. Chúng tôi điều tra để đưa ra một bức tranh toàn diện về tác động của tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn tới thị trường đất đai, lao động và vốn; cũng như tác động của các chính sách đối với tăng trưởng, bất bình đẳng và giảm nghèo ở cấp độ làng xã ở Việt Nam, bao gồm cả việc  phân bổ thành quả và mất mát từ tăng trưởng kinh tế.

Người dân xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, Lào Cai kiếm sống bằng nghề thêu áo đem đi bán (Ảnh: Đ.D/Dân Việt)
Người dân xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, Lào Cai kiếm sống bằng nghề thêu áo đem đi bán (Ảnh: Đ.D/Dân Việt)

Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2014 cho thấy: Hơn 10 năm qua, nông thôn Việt Nam đã có những thay đổi khá lo ngại. Đó là mức độ tăng thu nhập của hộ gia đình nông thôn đang giảm dần trong những năm trở lại đây. Càng về giai đoạn sau, cuộc điều tra càng cho thấy tốc độ tăng về thu nhập của người nông dân càng giảm, đặc biệt khó khăn diễn ra ở những nhóm nghèo nhất. Và tỷ lệ hộ dân nông thôn cảm thấy hạnh phúc có phần giảm sút.

Vậy cụ thể có bao nhiêu phần trăm người dân kém hài lòng và họ không hài lòng ở những điểm gì, thưa ông?

– Chỉ số hạnh phúc của nông dân trong cuộc điều tra này có xu hướng đi xuống theo từng năm. Nó thể hiện sự nghèo khó, túng bấn của một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn hiện nay. Khi người dân nông thôn quá nghèo túng, làm không đủ sống thì bản thân họ sẽ không thể hạnh phúc…

Người Việt Nam đang giàu hơn, nhưng thu nhập của nông dân đang ngày càng giảm đi, đồng nghĩa với việc họ phải nai lưng ra làm việc và tham gia nhiều công việc khác nhau để vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống.

Kết quả điều tra của chúng tôi năm 2014 cho thấy, người dân nông thôn đang nghèo đi. Thu nhập ròng (trừ lạm phát) của hộ dân nông thôn chỉ đạt 51,7 triệu đồng/năm. Trong khi đó, thu nhập ròng của hộ dân nông thôn điều tra năm 2012 là 84,7 triệu đồng/năm. Tỷ lệ phần trăm người dân nông thôn không hài lòng về cuộc sống cũng tăng 6 điểm phần trăm từ 50,1% năm 2012 lên 56,1% năm 2014.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu đang tụt hậu nặng so với các tỉnh khác về thu nhập, tiếp cận dịch vụ thị trường và liên kết thị trường. Nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục bị tụt hậu hơn so với các khu vực chủ yếu có người Kinh sinh sống, với mức độ chi tiêu thấp hơn và thu nhập giảm đi.

Một tỷ lệ lớn nông dân đang phải “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu trong cuộc sống. Vì nghèo khó nên số tiền tích lũy được hàng năm của hộ gia đình nông thôn hiện rất thấp, chỉ khoảng vài triệu đồng/hộ/năm, phòng khi có rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư của hộ dân nông thôn.

Mức tích lũy của người nông dân hiện nay quá thấp (như trong báo cáo đã đề cập là chỉ vài triệu đồng mỗi năm). Vậy họ chi tiêu, sắm sửa, chữa bệnh bằng gì, thưa ông?

– Họ phải dùng đến những khoản tiền tích lũy ít ỏi hoặc bán tài sản, rút về các khoản gửi tiết kiệm. Thực tế, với số vốn tích lũy của hộ gia đình nông thôn hiện nay thấp như vậy, có khi không đủ cho một lần đi viện, nên họ phải vay mượn từ người thân và bạn bè hoặc tín dụng. Vì vậy, có tới 45% số hộ nông dân cho biết họ đang phải nợ nần.

Để xoay xở được trong cuộc sống, các hộ nông dân buộc phải cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ này chiếm phần lớn ở nhóm nghèo nhất và khá lớn đối với nhóm giàu nhất. Bán đất, vay tiền, cầu cứu sự trợ giúp từ người thân, bạn bè… cũng là các giải pháp người nông dân dùng để chống đỡ khi cuộc sống phải cần đến sự chi tiêu.

Thu nhập của nông dân quá thấp nhưng lại phải đối mặt với chi tiêu ngày càng đắt đỏ, khiến cuộc sống của họ rất bấp bênh. Có thể nói, kinh tế hộ gia đình nông thôn chưa bền vững.

Vậy theo ông, cần có các giải pháp, chính sách nào giúp nông dân, nông thôn sau khi kết quả điều tra này được công bố?

– Trước các kết quả cuộc điều tra, chúng tôi đang đánh giá để đề xuất các chính sách. Hiện các hộ càng nghèo thì càng phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi thu nhập từ nông nghiệp đang có dấu hiệu giảm nên đòi hỏi nhà làm chính sách nhập cuộc ngay để tránh tình trạng bần cùng hóa một bộ phận nông dân, đặc biệt những người do gặp rủi ro, không may mắn, ốm đau.

Nông dân đang chịu rất nhiều rủi ro, đặc biệt từ thời tiết, giá cả giống, phân bón biến động mạnh… Vì vậy việc tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là việc bảo hiểm cho nông nghiệp, cần được đẩy nhanh.

Cuối cùng cần có sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xác định lợi thế sản xuất nông nghiệp của từng vùng để có chính sách tập trung. Nhà nước phải sớm có chính sách giúp nông dân tham gia và thực hiện chuỗi sản xuất trong nông nghiệp để gắn kết với thị trường mới có thể cải thiện đời sống nông thôn hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

 

Hầu hết các hộ “tự vượt khó”

Cũng theo kết quả do CIEM công bố, thu nhập của nông dân thấp bắt nguồn từ sản xuất ở nông thôn manh mún, gặp nhiều rủi ro. Theo điều tra , giá trị thiệt hại trung bình trong 1 năm của các hộ dân nông thôn có xu hướng tăng lên theo từng năm. Trong đó, các hộ nghèo, hộ thuần sản xuất nông nghiệp thì gặp rủi ro nhiều hơn và gặp thiệt hại nặng nề hơn so với các hộ khác. Những rủi ro đến từ thiên tai, dịch bệnh là rủi ro phổ biến nhất. Điều này góp phần tạo ra sự bấp bênh trong thu nhập của các hộ gia đình nông thôn.  Mặc dù các hoạt động từ nông nghiệp chiếm tới 35%, nhưng thu nhập thấp, nên nhiều tỉnh nguồn thu nhập này kém quan trọng hơn các nguồn thu nhập phi nông nghiệp. Đây chính là nguy cơ, vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân sẽ mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận. Trong khi đó, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đang ngày càng tăng.

Mai Nguyễn

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách (Viện Chính sách và chiến lược  PTNNNT):

Một tỷ lệ lớn số hộ gia đình nông thôn đang phải gánh chịu các “cú sốc” về thu nhập. Các “cú sốc” mà người nông dân đang phải chịu rất đa dạng như từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường; ốm đau, trong gia đình có người qua đời, mất việc, mất đất, gánh nặng của các khoản đóng góp…

Trung bình mỗi “cú sốc” gây thiệt hại hàng chục triệu đồng/hộ/năm. Để ứng phó với những cú sốc này, các hộ nông dân buộc phải cắt giảm chi tiêu, bán đất, vay tiền. Mỗi khi gặp nạn, họ phải dùng đến những khoản tiền tích lũy, rút về các khoản gửi tiết kiệm… Lẽ ra, khoản tiền bảo hiểm phải là cách thức ứng phó tốt nhất nhưng hầu hết nông dân lại chưa mua bảo hiểm, đặc biệt loại hình bảo hiểm nông nghiệp.

Hải Quỳnh (ghi)