Sẵn sàng đối mặt với biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – "Các thành phố lớn trên thế giới là những nơi gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh nhưng họ đã có những tính toán và giải pháp cho những khó khăn cơ bản" – McKinsey, một trong những tổ chức tư vấn môi trường hàng đầu phát biểu.

“Đa số những giải pháp này khả thi, có hiệu quả kinh tế”, giám đốc Jeremy Oppenheim phát biểu tại một hội thảo ở London để trình bày những phát hiện của nghiên cứu.
 
Nghiên cứu tập trung vào Luân Đôn – một điểm sáng hàng đầu trong nhóm C40 các thành phố lớn nhất trên thế giới.
 
Theo Liên Hợp Quốc các thành phố này chiếm tới 3/4 tiêu thụ năng lượng toàn cầu hiện nay và sản sinh ra 80% phát thải khí nhà kính.

Các dự báo cho biết khi tỷ lệ dân số thế giới sống ở các thành phố tăng từ 50- 60% vào năm 2025 và 70% vào năm 2050, các tỉ lệ này sẽ càng gia tăng.

Nghiên cứu của McKinsey cũng lưu ý rằng, xét về 6 nhân tố môi trường chính, thì Luân Đôn cùng với 4 thành phố lớn khác là New York, Roma, Stockholm và Tokyo, đã thể hiện kết quả tương đối cao ở hầu hết các đo đạc.

Stockholm có mức phát thải cacbon từ các tòa nhà, khu công nghiệp và giao thông tính trên đầu người ít nhất nhưng lại đứng thứ nhì về mức ô nhiễm không khí.

Nhìn chung chất lượng môi trường ở New York kém nhất, riêng vấn đề giao thông và chất thải thì Roma tệ hơn cả.

“Điểm của Luân Đôn là khoảng 6/10. Câu hỏi là làm thế nào để biến mọi thứ đến điểm 10”, Oppenheim nói.

Theo ông, bằng việc sử dụng những công nghệ sẵn có cùng với sự hướng dẫn, khuyến khích của chính phủ, Luân Đôn với dân số khoảng 8 triệu người có thể cắt giảm phát thải CO2 tới 44% không mấy khó khăn.

Điều đáng kể nhất là 2/3 mức cắt giảm đó nhờ vào những chiếc nồi hơi tốt hơn, các thiết bị hiệu quả hơn và việc tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà.

Điều này càng đúng trong bối cảnh hiện tại, giá dầu thô tăng gấp đôi năm trước và giá năng lượng của Anh tăng 15% trong năm nay và dự báo sẽ tăng tới 45% vào tháng 12 này.

Ông thừa nhận mặc dù mức cắt giảm 44% đạt được vào năm 2025 (so với năm 1990) không đạt chỉ tiêu 60% mà Luân Đôn đã đề ra nhưng ông cho rằng nó vẫn là một bước lớn đi đúng hướng. 

“Chúng ta cần suy nghĩ. Rất dễ bị mê hoặc bởi thứ công nghệ hàng đầu nào đó. Trước tiến hãy mua những thứ ít tốn kém và hiệu quả về mặt kinh tế”, ông ta nói.