Tuyên chiến với… bao xốp!

Không có con số thống kê nào, đến nay, cho biết mỗi ngày người Sài Gòn dùng bao nhiêu tấn bao xốp nhưng xin cam đoan rằng cứ nhìn xuống mớ rác tấp vào chân cầu Kiệu, bạn chỉ thấy toàn hình ảnh lổn ngổn của bao xốp hay sản phẩm “đồng chủng” của nó là bịch nylon. Chúng ta đang sống trong “thời đại bao xốp” và chính bao xốp – vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt chợ búa và đời sống hàng ngày – chứ không phải thứ gì khác đang đè ngắc ngứ nền văn minh hiện đại!

Cơn “ác mộng” bao xốp

Mỗi năm, dân Anh dùng 8 tỷ bao xốp (hoặc túi nhựa), tức 133 bao/người. Bao xốp không chỉ bịt kín hệ thống cống rãnh khắp thế giới mà ở Ấn Độ nó còn làm bò “mắc nghẹn” dẫn đến tử vong vì ăn bao xốp đựng rác vất ngoài đường (cụ thể, có trường hợp một con bò ngốn 35.000 bao xốp vào ruột!). Tại Nam Phi, bao xốp được dùng phổ biến đến mức người ta đặt “tên thân mật” cho chúng là “hoa dân tộc” vì ở đâu cũng thấy bao xốp bay phần phật do vướng vào hàng rào hay bụi gai.

Ở Australia, mỗi năm dùng 6 tỷ túi nhựa các loại. Nước Mỹ tất nhiên không bị loại trừ, với 4/5 túi đựng hàng tạp hóa đều làm bằng nhựa. Còn ở Pháp, bao xốp là “sự chọn lựa tất yếu” của các bà nội trợ… Chỉ riêng Mỹ, các bà nội trợ đã xài 380 tỷ túi nhựa mỗi năm, trong cùng thời gian ấy hệ thống cống rãnh Mỹ tiếp nhận trung bình 3,6 tỷ ký rác bao xốp! Trong khi đó, cần 4.000 USD để xử lý và tái sinh một tấn túi nhựa để bán lại cho thị trường với giá vỏn vẹn 32 USD – theo Jared Blumenfeld, giám đốc Cơ quan môi trường San Francisco, thành phố đầu tiên tại Mỹ áp dụng luật cấm sử dụng túi nylon (từ ngày 27/3/2007).

“Thuế bao xốp”

Làm bằng polyethylene (polythene), bao xốp, túi nylon và sản phẩm nhựa nói chung cần đến hàng ngàn năm mới bị tiêu hủy trong môi trường tự nhiên. Nếu người La Mã chế ra được bao xốp thì rác của họ vẫn còn hiện diện trong cộng đồng văn minh ngày nay. Do đó, có thể hiểu tại sao nhiều nước đang tuyên chiến với bao xốp.

Tháng 3/2002, Bangladesh đã ban lệnh cấm dùng tất cả các loại túi nhựa, sau khi người ta phát hiện chúng là thủ phạm gây nghẹt cống và gián tiếp tạo ra những trận lụt lớn. Từ đầu tháng 3/2002, các siêu thị Anh bắt đầu tính thuế phụ thu cho người mua sắm muốn đựng hàng hóa trong bao xốp mới. Luật này ra đời nhằm hạn chế tình trạng vứt bịch nylon lung tung và khuyến khích tái sử dụng túi nhựa cũ. Luật thuế tương tự cũng áp dụng tại Ireland từ năm 2002.

Tại Nam Phi, “thuế bao xốp” được in trực tiếp vào hóa đơn siêu thị. Tại Pháp, luật cấm sử dụng bao xốp sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2007 và sau đó áp dụng toàn nước Pháp từ ngày 1-1-2010. Tại Italia, người ta đánh thuế mỗi túi nhựa 250 lira (khoảng 0,15 USD) và Chính phủ Đan Mạch đã cấm dùng chai nước ngọt làm bằng nhựa không tái sinh.

Theo AP (20/5/2007), mỗi năm, thế giới xài từ 500 tỷ – 1.000 tỷ túi nylon, tức trung bình hơn 1 triệu bao xốp hoặc túi nhựa các loại mỗi phút! Nếu “bện” lại, số túi nhựa – bao xốp thế giới có thể quấn vòng quanh trái đất 37 lần!

Và tại Hồng Công, hạ tuần tháng 5/2007, cơ quan bảo vệ môi trường đặc khu này cho biết họ sẽ áp dụng thuế để tăng tốc tỷ lệ giảm sử dụng bao xốp – túi nhựa. Không chỉ cấp chính quyền địa phương hoặc cấp chính phủ, nhiều dây chuyền siêu thị cũng tự áp mức thuế riêng để hạn chế sự bùng nổ vô tội vạ của “nền văn hóa bao xốp”. Nhà bán lẻ Ikea lừng danh đã tính thêm 0,05 USD (khoảng 803 đồng VN) cho khách hàng nào muốn xài một bao xốp.

Lời giải cho bài toán “nhựa thải”

Nhựa tái sinh là một giải pháp và nó thích hợp với sản phẩm chai nhựa. Tuy nhiên, phương cách này tốn kém hơn – xét về năng lượng sử dụng – so với quy trình công nghệ chế tạo nhựa nguyên thủy (tại Mỹ, chi phí tái sinh cho giấy, kim loại, thủy tinh và nhựa đã tăng gấp đôi trong ba năm qua, lên đến 16 tỷ USD – theo Environmental Business Journal).

Đốt sản phẩm nhựa thải là giải pháp thứ hai nhưng gây ô nhiễm môi trường. Nhựa tự hủy (bioplastic) là cách tốt nhất và trong thực tế đã được áp dụng vài nơi nhưng các phân tử bị cắt vụn của nó lại làm ảnh hưởng đất và cả động vật (trùn đất…). Gút lại, lời giải nào cho bài toán nhựa thải? Nhiều cuộc nghiên cứu đang được tiến hành và một trong những vật liệu thay thế (nhằm tạo ra bioplastic) là tinh bột – một polymer tự nhiên.

Một loại nhựa tổng hợp khác được nghiên cứu từ lâu phải kể đến là polyhydroxybutyrate – PHB (cũng dùng quy trình nuôi cấy vi khuẩn). Hải quân nhiều nước đã dùng cốc nhựa PHB (có thể vứt xuống biển) và dân Nhật cũng quen cạo râu bằng dao lam PHB (tiêu hủy trong bồn cầu)… Tuy nhiên, tại sao sản phẩm nhựa PHB không phổ biến? Túi nhựa PHB giòn và dễ rách là một trong những lý do và công nghệ sản xuất PHB vẫn còn đắt tiền. Hơn nữa, giả như bioplastic được dùng rộng rãi, vấn đề rác thải không vì vậy mà ổn (thậm chí giấy báo cũng có thể tồn tại hàng thập niên). Cần biết rằng đống rác càng to thì sự phân hủy càng chậm (do vi khuẩn thiếu oxy).

Cuối cùng, vấn đề còn lại chỉ ở chỗ: nếu không ý thức hay bắt buộc phải ý thức trước những luật lệ cụ thể (như đang áp dụng tại vài nước kể trên), trong việc hạn chế thói quen lạm dụng cái túi xốp nhỏ, con người thế kỷ 21 lại phải nhăn mặt gánh cái hậu quả lớn nhãn tiền.