Vấn đề tam nông ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đi và khâu đột phá (Kỳ 2)

Sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trải qua nhiều thăng trầm, luẩn quẩn trong nỗi lo "trúng mùa rớt giá", làm ăn theo kiểu tự phát. Ðiều này từng diễn ra đối với cây mía, cây ăn trái, giờ thì đến lượt cá tra.

Vấn đề tam nông ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thành tựu và trăn trở (Kỳ 1)

Thời gian gần đây, giá lúa lên cao, nhiều nông dân đã chặt phá vườn cây ăn trái và rừng tràm để trồng lúa mà không biết rằng không phải đất nào trồng lúa cũng hiệu quả. Bài học về nuôi cá tra còn đang hiện hữu. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2000 là 1.650 ha, năm 2005 tăng vọt lên 5.000 ha và hiện nay vào khoảng 5.900 ha.

An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn, năm 2007 có 1.000 ha, đến nay đã lên tới 1.600 ha. Thành phố Cần Thơ, từ chỗ ban đầu chỉ vài chục hộ nuôi cá tra, nay diện tích nuôi cá đã lên tới 1.200 ha, riêng huyện Thốt Nốt đã có tới 650 ha nuôi cá. Giá cá tra đang rớt mạnh, vào thời điểm này lượng cá tra tới lứa và quá lứa ở huyện Thốt Nốt tồn đọng tới 46 nghìn tấn.

Thực tế này cho thấy, sự cần thiết phải có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không bỏ mặc nông dân bung ra làm ăn tự phát như lâu nay. Ý tưởng đẹp đẽ về mối liên kết giữa “bốn nhà” không đạt hiệu quả như mong muốn, bởi không có cơ chế ràng buộc và sự tác động về lợi ích giữa các bên. Kiến nghị những giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ đề xuất các bộ, ngành ở Trung ương cần tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng đồng bằng sông Cửu Long để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp theo lợi thế so sánh từng tiểu vùng sinh thái.

Nhà nước cần có chính sách quản lý sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và quản lý xã hội khu vực nông thôn chặt chẽ hơn, tăng cường hướng dẫn để hạn chế tính tự phát trong sản xuất, bảo vệ môi trường. Ðiều này cũng trùng với ý nguyện của nhiều nông dân.

Ông Dương Văn Châu, nông dân sản xuất giỏi ở ấp Cây Dương, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, từ thực tiễn ở quê mình, bày tỏ: Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phải xóa kiểu làm ăn manh mún. Trước mắt, làm sao cho mỗi nồi cơm chỉ có một loại gạo. Hiện nay, có tình trạng phổ biến là ở một ấp sản xuất hàng chục giống lúa khác nhau, tùy tiện theo sở thích của nông dân. Có hộ gieo trồng 10 công đất cũng làm vài ba loại giống lúa. Khi thu hoạch đổ lẫn vào nhau, làm sao gạo có chất lượng cao, được giá?

Việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp của cả vùng là cần thiết, là hướng đi mang tầm chiến lược. Trước mắt, nên chăng có quy định và biện pháp kiểm tra chặt chẽ mỗi vụ lúa, mỗi khu vực (thấp nhất là cả ấp hay cả xã) chỉ gieo trồng một vài giống lúa. Có như vậy, hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long mới không bị pha tạp, tăng giá trị xuất khẩu.

Do cơ sở hạ tầng yếu kém cùng với tập quán canh tác, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cho nên sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều nơi còn quảng canh, hiệu quả thấp. Khoa học kỹ thuật chưa đến được với nông dân. Chúng tôi về huyện Tam Bình, nơi được coi là vựa cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long. Năm 2007, diện tích trồng cây ăn trái của huyện lên đến 7.560 ha, giá trị vườn cây ăn trái chiếm tỷ trọng 29,7% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Tam Bình Nguyễn Thành Diện cho biết: “Nông dân đang loay hoay tìm cách trị dịch bệnh vàng lá gân xanh, bệnh thối rễ cây gây thiệt hại nặng cho cây có múi. Hơn 952 ha chiếm 31,2% diện tích vườn cây ăn quả có múi của huyện phải cải tạo lại, thiệt hại không nhỏ. Sao không thấy sự vào cuộc, trợ giúp của các nhà khoa học?”.

Anh Huỳnh Văn Lê ở ấp Ô Rung, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú là nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Trà Vinh khẳng định việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Nếu làm ruộng theo lối thông thường, năng suất lúa chỉ đạt 22 giạ/công, còn áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp, năng suất có thể lên tới 27 giạ/công, chi phí cũng giảm hơn. Biết là có lợi nhưng phần đông nông dân trong vùng vẫn làm ruộng theo tập quán cũ.

Ở ấp Ô Rung chỉ mình anh Lê sử dụng máy sạ hàng (gieo lúa). Ðể khoa học kỹ thuật nông nghiệp đi vào thực tiễn đồng ruộng, cần có sự tích cực, chủ động từ các phía: cơ quan quản lý, nhà khoa học và nông dân. Trước những biến động của thị trường, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều mong muốn Nhà nước tăng đầu tư cho lĩnh vực này. Hướng đầu tư hiệu quả chính là gián tiếp cho hạ tầng nông thôn (hệ thống thủy lợi, giao thông) và cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Các tỉnh thuần nông ở đồng bằng sông Cửu Long dân cư sống ở nông thôn và lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Tỉnh Vĩnh Long có 202.750 hộ nông dân, chiếm tới 85,35% số hộ trong toàn tỉnh, gần 95% số dân sống ở nông thôn. Tỉnh Bạc Liêu có 136 nghìn hộ với gần 622 nghìn người sống ở nông thôn, chiếm hơn 74% số dân trong tỉnh. Tỉnh Long An có hơn 200 nghìn hộ nông dân, trong đó số người trong độ tuổi lao động là hơn 515 nghìn người. Phát triển công nghiệp và đô thị hóa khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, tạo nên sức ép về lao động, việc làm của nông dân.

Tỉnh Long An hình thành 16 khu công nghiệp và 43 cụm công nghiệp, với diện tích 13.537 ha, khoảng 19.000 hộ dân thuộc diện thu hồi đất. Thành phố Cần Thơ bình quân mỗi năm giảm 800 ha đất trồng lúa, diện tích trồng cây lâu năm giảm hơn 1.000 ha so năm 2004. Ðất sản xuất bị thu hẹp, lao động dôi dư ở nông thôn ngày càng tăng, thế nhưng trình độ dân trí thấp, lao động không được đào tạo nên khó kiếm việc làm, chuyển đổi nghề. Người dân nông thôn mất đất do phát triển công nghiệp và đô thị hóa, nếu không được đào tạo nghề, sẽ gặp khó khăn trong đời sống, một bộ phận thanh niên nông thôn thất nghiệp sẽ sa vào tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, ma túy… gây mất ổn định xã hội.

Ngay tại thành phố Cần Thơ, cơ cấu lao động ở nông thôn cũng chuyển dịch chậm, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp từ năm 2004 đến năm 2006 chỉ giảm 1,32%. Công tác đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn kỹ thuật và quản lý còn nhiều bất cập. Số lao động qua đào tạo sơ cấp, trung cấp mới chỉ chiếm 3%, tốt nghiệp cao đẳng trở lên chỉ chiếm 1,67%.

Đến thăm Trường trung cấp nghề Vĩnh Long, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm, trường đào tạo 500 học sinh học các ngành nghề cơ khí, cơ điện, điện lạnh, điện tử, tin học, lái máy thi công cơ giới…

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Văn Dũng, , cho biết, nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhất là thanh niên nông thôn trong khu vực rất lớn. Các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long cần 12 nghìn lao động được đào tạo nghề, Xí nghiệp đóng tàu Vinashin tại Cần Thơ cần 1.500 công nhân cơ khí, Xí nghiệp Kiên Giang cần 1.500 công nhân hàn, Ban quản lý các khu công nghiệp Long An sẵn sàng tiếp nhận 2.300 học sinh ra trường. Ngoài ra còn nhu cầu đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân các xí nghiệp vừa và nhỏ, người làm nghề tự do, sau khi ra trường tự kiếm việc làm. Thực tế này đặt ra việc đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là hướng đi, vừa là nhu cầu cấp bách ở đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề có tính đột phá, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long là khắc phục sự sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung quy mô lớn, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ giới hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và tạo nên sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, khối lượng lớn đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành các trang trại nông nghiệp và bước đầu phát huy hiệu quả. Trang trại của anh Lưu Thống Nhứt ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) nguyên là vùng đất hoang hóa rộng khoảng 5 nghìn ha, trong đó toàn bộ diện tích đất bị nhiễm phèn nặng và chỉ có lau sậy, cóc kèn mới sống nổi. Ðược bạn bè giúp đỡ rồi vay vốn ngân hàng, anh Nhứt mở trang trại nuôi tôm sú theo kiểu quảng canh, với 90 ha diện tích thả nuôi. Bước đầu chưa có kinh nghiệm, tôm nuôi chết liên tục, cứ hết ao này đến ao khác, tính ra lỗ cả tỷ đồng. Không nản lòng, sau khi tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại, anh nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc cải tạo ao, xử lý môi trường cũng như chọn lựa chất lượng tôm giống tốt để thả nuôi.

Thành công buổi đầu với năng suất bình quân 300 kg/ha đã củng cố niềm tin cho anh. Tiếp tục đi học hỏi kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, anh lặn lội ra tận miền trung để tìm hiểu thêm cách sử dụng công nghệ vi sinh trong quá trình nuôi tôm. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi nên vụ tôm nào cũng đạt năng suất khá cao, từ 6 đến 8 tấn/ha. Mỗi vụ tôm, sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi gần 10 tỷ đồng.

Sau khi tích lũy được nguồn vốn, năm 2001, từ một trang trại nuôi tôm đầu tiên ở cánh đồng năn trở thành Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Mỏ Ó. Chọn hướng đột phá bằng cách nuôi tôm theo công nghệ vi sinh, đến nay công ty đã phát triển được 250 ha, trong đó chia thành 250 ao nuôi, mỗi ao rộng khoảng 0,5 ha, còn lại là bờ bao, ao xử lý, đường mương dẫn nước… Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 10 tấn/ha, cá biệt có ao đạt đến 15 tấn/ha. Hiện nay, Công ty cổ phần nuôi trồng thủy sản Mỏ Ó trở thành doanh nghiệp có diện tích nuôi tôm lớn nhất, năng suất cao nhất tỉnh Sóc Trăng, xuất khẩu gần một nghìn tấn tôm thương phẩm với lợi nhuận đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm. Hiện công ty đang sử dụng 26 kỹ sư, cán bộ trung cấp theo dõi kỹ thuật và 250 công nhân chăm sóc tôm nuôi.

Ngoài phần công ty lo ăn uống hằng ngày, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì lương kỹ sư tùy theo trình độ kinh nghiệm có mức từ 2,7 đến 3 triệu đồng/tháng, lương lao động trông giữ ao nuôi tôm trung bình 1,4 triệu đồng/tháng, chưa kể các kỹ sư, công nhân nuôi tôm còn được hưởng thêm phần trăm lãi từ những ao nuôi mà mình phụ trách. Bình quân mỗi vụ tôm trúng, công nhân giữ ao tôm được thưởng từ 6 đến 8 triệu đồng, nhân viên kỹ thuật quản lý nhiều ao nuôi tôm được thưởng khoảng 35 triệu đồng, kỹ sư phụ trách chung được thưởng tới 50 triệu đồng.

Tỉnh Bạc Liêu hiện đã có 1.948 trang trại, tỉnh Long An có 2.992 trang trại, trong đó có 2.707 trang trại trồng trọt, 27 trang trại lâm nghiệp, 154 trang trại chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, 78 trang trại nuôi trồng thủy sản. Các trang trại ngày càng thể hiện vị trí quan trọng, ưu thế hơn hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa, có nhiều mặt thuận lợi trong việc tiếp thụ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các trang trại trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, kinh tế trang trại cũng còn những khó khăn, hạn chế: Việc phát triển kinh tế trang trại thiếu quy hoạch chung; các trang trại ít có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ. Việc tích tụ ruộng đất để hình thành trang trại sẽ đưa đến một bộ phận nông dân không có đất phải chuyển nghề hoặc đi làm thuê.

Nhiều vấn đề xã hội đặt ra phải xử lý để tạo sự công bằng và ổn định xã hội. Mặc dù vậy, cần nhìn nhận đây là xu thế, là bước đột phá để chuyển nền sản xuất nông nghiệp manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, phát huy những thế mạnh khu vực này. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi có chính sách và những bước đi mạnh mẽ, cụ thể, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nội lực của người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương mình.