Bình Định: “Bức tử” những cánh rừng

Ba cánh rừng đầu nguồn Nghĩa Điền, Phú Trị và Nghĩa Nhơn nằm trên địa bàn xã Ân Nghĩa (Hoài Ân – Bình Định) là “huyết mạch” của hai hồ chứa nước Kim Sơn và Đồng Quang. Thế nhưng “huyết mạch” này đang bị “hút cạn” bởi nạn khai thác gỗ trái phép. Không những thế, lâm tặc còn “mượn” đường này để sang phá rừng ở huyện Vĩnh Thạnh.

Chuyện nghe ở cửa rừng

Ông Dương Dạ Lâm, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 2 Ân Nghĩa, cho biết: “Mỗi ngày có đến vài ba chục người, toàn trai tráng vào rừng để khai thác gỗ lậu. Những đối tượng làm gỗ hương, gỗ gõ phải leo qua hai ngọn núi Tà Lăng, Làng Bền rồi sang rừng trữ lượng “giàu” hơn ở Hoài Ân. Một số lâm tặc đi theo đường của Thuỷ điện Vĩnh Sơn từ làng Kon Trú qua làng O2 rồi “đột nhập” qua rừng Vĩnh Thạnh. Những đối tượng làm gỗ hương, gỗ gõ thì “định cư” trong rừng lâu hơn. Khai thác đến đâu, bọn chúng cưa, xẻ ra rồi “cõng” những miếng ván rộng 40 – 50cm lên chóp núi. Từ đây, những tấm ván được kéo “tuột” về phía bên này núi trên địa bàn huyện Hoài Ân, tập kết ở một nơi kín đáo. Nếu ai không đủ “gan” đưa gỗ về trung tâm huyện Hoài Ân hoặc thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) thì bán ngay tại cửa rừng, chấp nhận giá rẻ hơn gần một nửa. Gỗ không bao giờ ế, lực lượng mua gom sẵn sàng túc trực tại cửa rừng, sau đó sẽ có lực lượng vận chuyển về các đại lý”.

Ông H., một người dân ở gần cửa rừng cho biết: “Tháng 04/2008, người dân vùng này phát hiện trong khu rừng có đến 25 thanh niên vạm vỡ, bặm trợn, đều là người miền ngoài. Những người này “định cư” trong rừng, chuyên làm nghề vận chuyển gỗ lậu thuê cho các đầu nậu. Thỉnh thoảng vài đối tượng xuất hiện đi mua lương thực rồi biến mất tăm trong rừng. Sự có mặt của nhóm người này đã làm người dân “ăn không ngon, ngủ không yên.

Khi chúng tôi biết thông tin từ một người dân trong làng (đang tham gia làm gỗ hương) là nhóm người này đang cất giấu 25 tấm gỗ hương trong nhà một người dân tộc thiểu số bỏ hoang trên núi, lập tức báo với ngành chức năng. Nhưng khi lực lượng kiểm lâm tiếp cận hiện trường thì không hiểu vì sao chúng đã nắm được thông tin và tẩu tán hết tang vật. Sau đó công an phải nhập cuộc, truy quét dài ngày tại 2 địa điểm làng T1 (Bok Tới) và làng O11 (Đắk Mang) mới “dọn” được chúng”.

 
Những chiếc xe thô sơ thế này hàng ngày vẫn chở gỗ lậu đi ra từ rừng Nghĩa Điền và Phú Trị.

“Máu” rừng chảy về đâu?

Chỉ trong vòng 1 giờ, đã quan sát được 15 chiếc xe chở gỗ lậu đi ra từ hai cánh rừng đầu nguồn Nghĩa Điền và Phú Trị, với đủ chủng loại gỗ: ván hương, gỗ súc, gỗ dài và cả gỗ tròn. Những chiếc xe gỗ lậu vẫn tiếp tục xuất hiện nhưng không phải là xe đạp mà là xe máy. Ra đến đường bê -tông, chúng rú ga vọt bạt mạng như “trêu ngươi”.

Nạn khai thác lâm sản trái phép đã tồn tại từ lâu nhưng trong thời gian gần đây càng rộ hơn vì ở huyện Hoài Nhơn vừa có mặt 1 cơ sở chế biến đồ gỗ mỹ nghệ và đã “hút hàng” rất mạnh. Không chỉ thanh niên trong làngN, mà cả người ở xã khác cũng đổ về đây “kiếm ăn” từ những khu rừng phòng hộ. Điều làm người dân ở đây vô cùng bức xúc là không hiểu sao lâm tặc lộng hành như thế mà ngành chức năng vẫn chưa ra tay.

Cứ ngỡ chuyện phá rừng chỉ nóng bỏng ở Ân Nghĩa, nhưng tại thôn Vạn Hội (xã Ân Tín), ông Minh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp 1 Ân Tín, cho biết: “Tình hình phá rừng ở đây cũng không “kém cạnh” gì bên Ân Nghĩa. Cánh rừng Nhà Mười gần như bị “móc ruột” từng ngày. Không rầm rộ nhưng sự “rỉ rả” này cũng đủ tận diệt những cánh rừng nếu như không có giải pháp ngăn chặn”.

Khi hỏi ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Ân: “Chuyện lâm tặc đang chặt phá những cánh rừng phòng hộ rầm rộ ông có biết không?”. Ông Bổ trả lời rất tự tin: “Làm gì có chuyện đó, yên ổn lắm rồi!”. Nhưng khi đưa ra những tấm ảnh vừa ghi được tại cửa rừng, ông Bổ im lặng rồi giải thích: “Thú thật, các xã đều thành lập Ban chỉ đạo phòng chống phá rừng nhưng trên thực tế vai trò chủ đạo trong công tác này chỉ có lực lượng kiểm lâm. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm xã thì làm việc không biên chế, mỗi tháng chỉ nhận trợ cấp 300.000 đồng /người, không đủ làm họ “yên tâm” đối mặt với những hoạt động của lâm tặc vì rất nguy hiểm. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm của huyện quá mỏng, chỉ có 11 biên chế và 8 hợp đồng mà rừng thì bạt ngàn, hoạt động của lâm tặc “thiên biến vạn hoá” nên chúng tôi không thể kiểm soát hết được!”.