Thủy triều đỏ hay sự nổi giận của biển?

Nước biển bỗng đỏ rực, sau chuyển sang xanh thẫm, rồi đen ngòm như nước cống. Cua, cá chết la liệt, san hô chết bạc trắng; rong biển, cỏ biển cũng chết. Hầu hết sinh vật biển bị tiêu diệt. Những ngày sau đó mùi hôi thối bốc lên… Đó là cảnh tượng do “thủy triều đỏ” gây ra.

Bình Thuận: Thủy triều đỏ đến hẹn lại lên

Hàng năm, cứ đến tháng 6 âm lịch, bờ biển Bình Thuận lại xuất hiện trứng báng mà các nhà khoa học thường gọi là tảo nở hoa hay thủy triều đỏ. Năm nay, trứng báng xuất hiện sớm và dày đặc bất thường, ảnh hưởng lớn đến môi trường và ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết: “Mỗi năm đến mùa tảo nở hoa, số lượng du khách có giảm nhưng chỉ khoảng một tuần là nước trong xanh trở lại. Năm nay, hiện tượng trứng báng đã kéo dài hơn nửa tháng mà chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Thuận đang cử chuyên viên nắm tình hình, lấy mẫu trứng báng”.

Thủy triều – thông điệp của sự hủy diệt

Theo các chuyên gia khoa học, chất độc do tảo nở hoa làm ảnh hưởng tới thần kinh, hủy diệt hoặc gây nhiễm độc cho các sinh vật biển. Con người ăn phải các sinh vật này sẽ bị ngộ độc, thậm chí tử vong. Tảo này sẵn có trong nước biển nên cứ gặp nhiệt độ tăng, sự trao đổi nước kém chất hữu cơ trong môi trường tăng là bùng phát. Nếu không khống chế, giám sát chặt chẽ nguồn chất thải, ngăn chặn việc xả chất thải xuống biển thì sự xuất hiện của thủy triều đỏ là rất khó lường.

Các ngư dân khi phát hiện có dấu hiệu thủy triều đỏ như nước biến chuyển màu hoặc tảo rong phát triển mạnh… cần báo ngay để cơ quan chức năng kịp loan báo cho dân di chuyển lồng nuôi tôm, cá tới chỗ an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Con người cảnh giác với những hành động của mình

Theo phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguy cơ của nạn thủy triều đỏ càng tăng khi môi trường nước bị nhiễm bẩn. Sau những trận mưa lớn, các dòng sông cuốn ra biển hay đổ vào ao hồ nhiều tạp chất, nhất là những chất thải của nền công nghiệp và từ khu dân sinh. Sắt và các chất tẩy rửa có chứa trong nước thải là những tác nhân chủ yếu kích thích sự nở hoa của tảo.

Trên thế giới những vùng thủy triều đỏ rộng lớn đều thuộc những vùng biển sát vùng có nền công nghiệp phát triển. Trên các vùng biển nước ta, trong mấy năm gần đây đã phát hiện và thống kê được gần 40 loài tảo gây độc có tính độc rất cao. Chúng đã từng gây hiện tượng thủy triều đỏ cục bộ ở một số vùng như vịnh Hạ Long, cửa Bé và Cam Ranh.

Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần đầu tư kinh phí thỏa đáng để nghiên cứu và cảnh báo tình trạng thủy triều đỏ, nhằm giảm thiệt hại cho người dân.