Lên Cao Bằng, nhớ điệu hát Then

Chiếc xe khách ì ạch leo lên đèo Giàng, đèo Gió, đưa chúng tôi vượt chặng đường hơn 300km từ Hà Nội lên Cao Bằng. Phố núi hiền hoà bên dòng sông Hiến thơ mộng để lại ấn tượng sâu sắc với những món ăn đậm chất núi rừng, với điệu hát Then ngọt ngào như dòng suối. Có dịp đến đây, mới cảm nhận được tình cảm ấm nồng của người dân miền sơn cước, để rồi khi trở về, vẫn không thôi tha thiết gọi: “Ơi Cao Bằng yêu thương! Ơi Cao Bằng yêu thương!…”.

Về nơi “gạo trắng, nước trong”

Nhắc đến Cao Bằng, người ta nhớ ngay đến câu ca dao: “Nàng về nuôi cái cùng con / Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Dù trải qua chặng đường dài nhưng chúng tôi vẫn háo hức đi thăm thú thị xã. Anh bạn đã có thâm niên 3 năm sống ở miền sơn cước này ghé tai: “Đến Cao Bằng mà chưa ăn bánh cuốn thì coi như chưa từng đặt chân tới nơi đây!”. Vậy là bữa sáng đầu tiên của chúng tôi ở vùng núi này bắt đầu bằng món bánh cuốn.

Trong hơi sương thoáng lạnh, được thưởng thức vị đậm đà, ngầy ngậy của hành khô, của thịt trộn cùng nấm hương thì quả là tuyệt vời. Chủ quán, một phụ nữ trung niên có vẻ đẹp mặn mà. Như nhận ra chúng tôi không phải dân bản xứ, chị cười, nói: “Nếm thử hương vị của Cao Bằng nhé, kẻo về rồi lại tiếc đấy…”. Rồi chị ân cần múc một bát nước dùng nghi ngút hơi bốc lên, mới nhìn thôi đã thấy hấp dẫn vô cùng. Đúng như anh bạn nhận xét, bánh cuốn Cao Bằng ngon không gì sánh kịp. Bánh tuyệt nhiên không có vị chua như ở nơi khác, vì người Cao Bằng làm bánh cuốn không cho bất cứ phụ gia nào ngoài gạo.

Chị chủ quán cho biết, để bánh ngon, trước hết người ta phải chọn loại gạo ngon. Xay bột cũng phải xay bằng cối xay tay, làm sao để bột xay xong không vón cục mà dẻo, không cần đảo nhiều mà bột vẫn nhuyễn. Thêm nữa, phải nói đến nồi nước dùng được tạo nên từ xương và thảo quả. Vì thế, nước mới trong vắt mà ngọt đậm đà. Nhân được làm từ thịt nạc với nấm hương. Khi ăn, thả bánh vào bát nước dùng có màu xanh của lát hành tươi. Chỉ vậy thôi nhưng bánh cuốn đã trở thành món ăn đặc sản của người Cao Bằng, cuốn hút bất cứ ai một lần nếm thử. Tận hưởng món bánh cuốn, chúng tôi mới thấm thía câu: “Cao Bằng, gạo trắng nước trong / Ai mà lên đó không mong ngày về…”.

Hát then – khúc nhạc rừng bất diệt

Cao Bằng được coi là cái nôi của nghệ thuật hát Then – đàn Tính, di sản văn hoá phi vật thể vô giá của đồng bào Tày, Nùng, Thái. Đó là thể loại diễn xướng dân gian tổng hợp, gồm: văn học, âm nhạc, hội hoạ, múa… Mỗi buổi hát Then đều mang màu sắc tín ngưỡng, thể hiện khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tình cảm cộng đồng sâu nặng, cầu mong sự tốt đẹp cho muôn nhà.

Bà Nông Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nói với vẻ đầy tự hào: “Có thể nói, hát Then, đàn Tính là hương sắc của hoa, của đất, là tình yêu, là khúc nhạc rừng bất diệt. Nếu các bạn đến Cao Bằng vào ngày hội mùa xuân, trên các bản làng không thể thiếu làn điệu Then say đắm, cùng cây đàn Tính vỏ bầu độc đáo…”.

Những làn điệu hát Then truyền cảm, trữ tình, cùng tiếng đàn tính ngọt ngào như dòng suối, như giọt nước rơi nhẹ trên lá rừng làm say đắm lòng người. Mỗi khi tiếng đàn được tấu lên, người chơi, người nghe lòng dạ thổn thức, xao xuyến. “Con gái nghe phải sẽ lần bậc thang xuống với bạn tình. Trai bản nghe được sẽ lấy cần đàn, đầu gậy chọc lên sàn nơi cô gái ngủ.
Người già nghe đàn lần đến hũ rượu. Ngọn gió nghe phải sẽ làm roong reng quả nhạc” – nghệ nhân hát Then Đàm Thị Đào, xã Bế Triều (Hoà An – Cao Bằng) say sưa nói.

Ngoài yếu tố tâm linh như dùng để cầu, chúc phúc, cầu được mùa, hát Then còn vang lên rộn ràng khi Tết đến xuân về, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu trai gái hoặc ngợi ca quê hương, bản làng… Đàn Tính là loại nhạc cụ dân gian độc đáo, có âm thanh mượt mà và ấm áp. Tiếc rằng, nghệ nhân hát Then và làm đàn Tính ở Cao Bằng giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Tâm hi vọng, cũng như Ca trù, Quan họ, hát Then – đàn Tính sẽ trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Rời thị xã, chúng tôi lần theo làn điệu Then: Non xa xa, nước xa xa /Nào phải thênh thang mới gọi là /Đây suối Lê-nin, kia núi Mác /Hai tay gây dựng một sơn hà… của những nghệ sỹ Đoàn văn hoá nghệ thuật tỉnh Cao Bằng để lên Pác Pó (cách thị xã chừng 50km), cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Địa danh này gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài. Pác Bó là nơi đầu tiên khi Bác về nước. Tại đây, từ 1941-1945, Bác đã sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập.

Trong vai trò hướng dẫn viên, anh Nguyễn Văn Toản, cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng nhiệt tình kể những câu chuyện cảm động về Bác. Tại đây, Người đã mở các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự cho cán bộ cách mạng, dịch và xuất bản nhiều tài liệu, đưa ra các chủ trương quan trọng chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám (1945). Đặc biệt, Người đã chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Ban chấp hànhTrung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó từ ngày 10/05 đến 19/05/1941, …Đây rồi cột mốc 108, nơi Bác đặt chân đầu tiên lên đất Mẹ sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; rồi hang Pác Bó, bàn đá chông chênh dịch sử Đảng; suối Lê -nin, núi Các Mác…

Dừng chân nơi Nhà trưng bày khu di tích Pác Bó, chúng tôi được tận mắt thấy những kỷ vật thiêng liêng như chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su giản dị… mà Bác đã dùng. Phong cảnh non nước hữu tình đến vậy, lại được hiểu thêm về cội nguồn cách mạng, cũng dễ hiểu vì sao Pác Bó trở thành điểm du lịch đặc sắc của Cao Bằng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hạt dẻ Trùng Khánh – sản vật của thiên nhiên

Lên Trùng Khánh, nơi nổi tiếng về hạt dẻ, sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất này cũng phải mất một giờ đồng hồ. Nói đến hạt dẻ, tôi bỗng nhớ tới lời miêu tả của nhà thơ Y Phương: “Bạn hãy đến Trùng Khánh vào những ngày trời trong mây cao. Khói đốt đồng đâm thẳng lên trời như cây trúc sào. Không gian tứ bề yên ắng, tĩnh mịch. Bạn sẽ được nghe hạt dẻ nói. Cả một vạt rừng cây dẻ đang vào vụ chín rộ. Ngày cũng như đêm rừng cây dẻ lao xao, rì rào, tí tách khiến cho lũ gà lôi, gà gô ngơ ngác. Hạt dẻ rơi như mưa màu nâu xuống đất. Chiều quê tôi liếm gió thấy cả mùi hạt dẻ…”

Đúng là không đâu có giống hạt dẻ ngon ngọt và thơm như ở Trùng Khánh, vừa bùi, vừa ngọt, dù được chế biến đủ kiểu luộc, rang, sấy hoặc ninh với chân giò, thịt gà vẫn giữ được hương vị. Được biết, toàn huyện Trùng Khánh hiện có hơn 400ha dẻ, tập trung ở các xã Đình Minh, Phong Châu, Cảnh Tiên, Đình Phong… với sản lượng trên 100 tấn /năm. Với giá bán 20.000 – 30.000 đồng /kg, cây dẻ đem lại nguồn thu đáng kể cho đồng bào vùng cao. Dọc đường lên đến Trùng Khánh, chúng tôi chứng kiến cảnh tấp nập xe thồ chở hạt dẻ xuôi xuống thị xã. Thứ quả đặc sản có một không hai này đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành, thậm chí sang cả Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc).

Qua Trùng Khánh, tới thác Bản Giốc, ngọn thác hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam nằm trên đường biên giới Việt -Trung. Theo người dân địa phương, thác Bản Giốc đẹp nhất là vào cuối thu (tháng 9, tháng 10), khi những thửa ruộng bên bờ sông bước vào mùa lúa chín. Cách thác Bản Giốc không xa là động Ngườm Ngao, nơi có hệ thống hang động với những hình thù lạ lẫm được tạo bởi bàn tay khéo léo của tạo hóa.

Tôi đã đi, đã thấy và nhận ra rằng, trên dải đất hình chữ S này, có rất nhiều vùng miền mà vẻ đẹp của nơi đó không thể diễn tả hết bằng cảm xúc, trong đó có Cao Bằng. Chả trách vì sao, nhà thơ Y Phương dù đi muôn nơi vẫn không thể quên được mùa sli lượn quê mình. Ở đó, trai làng gái bản sẽ hát: “Người Cao Bằng mời rượu cả chum, mời quả cả cây / Tin nhau không nói nhiều lời / Khi xa rồi vẫn nhớ, người ơi…”.