Đà Lạt: Tan hoang thượng nguồn suối Vàng

Một khu quy hoạch du lịch rộng hàng nghìn ha được Lâm Đồng kỳ vọng kêu gọi đầu tư để xây dựng thành một “Đà Lạt 2” thuộc vùng thung lũng Vàng nằm giữa thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương đang bị xâm hại trực tiếp.

Một dòng suối đẹp, thơ mộng và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 200 nghìn hộ dân của thành phố du lịch đang bị băm nát trước sự bất lực của chính quyền địa phương…

Suối Dadeung (theo cách gọi của người Cill ) hay còn gọi là suối Vàng bắt nguồn từ đỉnh Bidoup về đến địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương) thì nhập vào hồ Đan Kia – Suối Vàng. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước cho hơn 200 nghìn hộ dân thành phố Đà Lạt, hàng nghìn hộ dân huyện Lạc Dương mà còn là thắng cảnh du lịch thơ mộng, được tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng về một vùng du lịch cao cấp trong tương lai. Thế nhưng, từ tháng 08/2006, dòng suối hiền hòa này đã không còn bình yên mà đang từng ngày bị băm nát.

Liên tục trong những ngày đầu tháng 04/2008, trong vai những người nghiên cứu lâm sinh và nhờ sự dẫn đường của một cán bộ kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, chúng tôi đã làm cuộc thực địa dọc theo dòng suối này và đã chứng kiến sự thô bạo của bàn tay con người đối với thiên nhiên thơ mộng.

Đi qua UBND xã Lát khoảng 1 km, con đường mòn lâu đời của người Cill bản địa dẫn dọc theo suối Dadeung đã bị cày nát. Trên đường dẫn vào rừng, hàng chục xe tải hai cầu nối nhau chở cát và sỏi không ngừng phóng bạt mạng về Đà Lạt và trung tâm huyện Lạc Dương. Anh L.T – cán bộ kiểm lâm tình nguyện dẫn đường cho cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi qua tuyến này để vào trạm Cổng Trời và ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh này. Mỗi ngày phải có 40 – 50 lượt xe tải chở vật liệu ra khỏi rừng”.

Lần theo bờ suối gần 2 km vào sâu trong rừng và chứng kiến hàng chục xe tải các loại đang chờ lấy hàng. Dưới lòng suối, chủ khai thác đóng bè mang cả máy múc, máy bơm xuống suối liên tục đào, bơm cát lên các xe đậu sẵn. Cả một đoạn suối dài gần 2 km đã bị nắn dòng, đào nham nhở, lấn sâu vào bờ hàng chục mét. Cách hiện trường chưa tới 1 km phía hạ lưu, hồ Đan Kia – Suối Vàng đục ngầu bùn đất.

Anh C. – một công nhân của công ty Asuzac (doanh nghiệp nước ngoài được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép trồng rau ở khu vực này ) cho biết: “Mỗi xe cát hoặc đá được chủ mỏ bán tại hiện trường với giá 400 nghìn đồng, bao nhiêu xe vào mua cũng có. Công ty chúng tôi khi vào làm ăn ở đây cũng phải chung tiền đường với chủ mỏ mới được vật chuyển vật tư vào!”.

Cách vùng trồng rau của Asuzac không xa, 3 chiếc xe tải mang biển kiểm soát 49X – 0674, 49H – 8401 và 49H – 9895 đang chờ lấy hàng tại một đoạn suối đã bị chủ mỏ dùng máy ủi lấn vào vườn cà phê của người dân địa phương. Nhìn từ đỉnh núi, dòng Dadeung hiền hòa, thơ mộng đã bị cày xới, băm nát đúng nghĩa trong tiếng ầm ào của một đại công trường.

Nhiều hộ dân làm vườn cạnh suối cho biết, đây là khu vực đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét trong các mùa mưa rừng. Họ cũng chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong mùa mưa sắp tới khi cả một vùng bình yên đã trở nên tan hoang như hôm nay. Lãnh đạo xã Lát cũng lắc đầu ngán ngẩm khi làm việc với phóng viên.

Trong những ngày có mặt ở thượng nguồn suối Vàng, cố gắng tìm hiểu và tiếp cận chủ cơ sở khai thác cát đá ở đây nhưng đành bất lực. Theo những người thợ trực tiếp làm công ở đây thì chủ mỏ là một người tên Đính ở Đà Lạt nhưng người này rất ít đến hiện trường.

Đến UBND xã Lát để xác minh cũng chỉ nhận được thông tin mơ hồ tương tự vì theo ông Đoàn Văn Tý, Phó chủ tịch xã thì : “Trước đây, nghe nói tỉnh cấp phép cho ông Cận nhưng họ đến khai thác không thông qua chính quyền xã nên chúng tôi không thể kiểm soát được. Hiện thì đến 3 – 4 ông nhưng không biết rõ là ai!”.

Cũng theo ông Tý thì tình hình khai thác cát, đá trên địa bàn đã hiện đã lộn xộn đến đỉnh điểm, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhiều hộ dân cạnh suối Dadeung, mất an ninh, thiếu an toàn giao thông vì xe tải chạy bạt mạng nhưng xã không thể can thiệp vì chủ khai thác được…tỉnh cấp phép. UBND huyện Lạc Dương đã từng điều công an vào xử lý nhưng rồi đâu vẫn vào đấy!

Làm việc với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lạc Dương, thì nhận được thông tin: chủ cơ sở được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác khoáng sản ở khu vực này trong thời gian 12 tháng ( kể từ ngày 08/08/2006 ) là ông Trần Duy Cận (phường 9 – Đà Lạt ) nhưng người tiếp tục khai thác từ sau tháng 08/2007 ( hết hạn quy định của giấy phép ) đến nay thì phòng này cũng…không nắm rõ(?)

Điều đáng lưu ý là trong giấy phép cấp cho ông Trần Duy Cận, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ cho phép khai thác với công suất 3.000 m3/năm trong thời hạn giấy phép có hiệu lực nhưng trên thực tế thì chỉ trong 1 tháng, chủ cơ sở đã có thể đào, múc vượt công suất này. Hàng chục xe tải vận chuyển liên tục mỗi ngày và hàng nghìn m3 đất, đá bờ suối đã bị đào lấn vào để tận khai tài nguyên đã minh chứng cho điều này.

Nhiều quy định khác như không được phép gây sạt lở bờ suối, không xâm phạm quyền lợi chính đáng của người dân xung quanh, phải góp phần duy tu bảo dưỡng đường giao thông trong quá trình khai thác, bảo đảm vệ sinh môi trường…đã không được chủ cơ sở chấp hành.

Ông Đoàn Văn Tý cho biết: UBND xã Lát đã nhiều lần kiến nghị với huyện để chấn chỉnh tình trạng nói trên nhưng thực tế vẫn không thay đổi. Ông Sử Thanh Hoài, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lạc Dương thừa nhận: Huyện cũng đã lưu ý đến địa điểm khai thác đầu nguồn này và tình hình ô nhiễm, ảnh hưởng cảnh quan, môi trường cũng đã đến mức báo động nhưng về phương án giải quyết thì “Phòng đang chờ huyện lên kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra thực tế rồi mới báo cáo với tỉnh”.

Trong khi huyện Lạc Dương đang “xây dựng kế hoạch kiểm tra” thì cả một vùng thượng nguồn suối Vàng vẫn đang hàng ngày bị băm nát và theo như lời ông Đoàn Văn Tý thì “chủ cơ sở ngang nhiên khai thác tan hoang vùng suối Dadeung chắc chắn phải có một chỗ dựa nào đó”. Có hay không điều này? Câu hỏi đang chờ các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng làm rõ!