Giải pháp giảm xung đột với động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Xung đột giữa loài người và động vật hoang dã là một trong những mối đe dọa lớn đến sự sống còn của các loài trong tự nhiên, đồng thời cũng gây áp lực lên cộng đồng địa phương. Các chuyên gia nhận định các quốc gia có thể giảm thiểu rủi ro này bằng việc nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán đúng đắn các nhu cầu của con người và động vật hoang dã.

Trong bối cảnh dân số thế giới gia tăng không ngừng mà môi trường sống tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, con người và các loài động vật hoang dã ngày càng tiến tới một cuộc xung đột về nơi ở và thức ăn, mà hậu quả của các cuộc xung đột này thường khó lường.

Ở Namibia, xung đột với voi khiến những người nông dân tổn thất khoảng 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong khi ở một vài cộng đồng người Nepal, thiệt hại có thể chiểm tới một phần tư thu nhập của một hộ gia đình nghèo. Hậu quả nghiêm trọng nhất đối với con người là thiệt hại về tính mạng, nhưng đôi khi hậu quả là những tổn thất vô hình khác, chẳng hạn ở Nepal, tại những ngôi làng bị voi tàn phá đàn ông gặp khó khăn trong việc kết hôn vì phụ nữ nơi khác sợ phải đến ở những ngôi làng này.

Các loài vật, vốn đã bị đe dọa hoặc sắp tuyệt chủng, thì thường bị giết hại để trả thù hoặc để “ngăn chặn” nguy cơ sắp đến. Ở nhiều nơi, việc giết voi đã đe dọa sự sống của những quần thể voi nhạy cảm với.

”Xung đột với voi dẫn tới tử vong và gây nhiều nỗi đau cho những cộng đồng nghèo sống ở khu vực ngoại vi, gần nơi sinh sống của động vật hoang dã, và thường kéo theo việc giết voi trả thù”, theo lời Susan Lieberman, Giám đốc Chương trình về Loài toàn cầu của WWF. “Nhưng chúng ta có thể biến tình thế hai bên cùng thiệt hại này thành việc đôi bên cùng có lợi, cho cả người và động vật hoang dã, bằng tiến bộ rõ ràng nhất từ việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất hiệu quả nhằm mục đích giảm nguy cơ xung đột”.

Nguyên nhân sâu xa

Báo cáo nghiên cứu gần đây của WWF mang tựa đề “Nền tảng chung” – đã chỉ ra rằng xung đột nghiêm trọng nhất và gây hại cho cả cộng đồng dân cư lẫn loài voi bắt nguồn từ việc phát triển thiếu quy hoạch và thiếu kiểm soát của con người.

Tại Nepal, nghiên cứu đã so sánh các cộng đồng có mức thiệt hại cao về voi hoang dã với một khu vực mà chi phí xung đột chỉ bằng một nửa mức trên, và phát hiện ra rằng khu vực ít thiệt hại hơn có nhiều rừng ở vùng rìa và nhìn chung ít bị phân tán. Theo báo cáo, mặc dù có nhiều nhân tố ảnh hưởng, song mức độ phân tán môi trường sống của các loài tự nhiên thực sự ảnh hưởng đến tổng thiệt hại mùa màng của cộng đồng địa phương.

Ở Namibia, mức thiệt hại mùa màng có liên quan mật thiết với khoảng cách từ các trang trại đến khu vực có động vật hoang dã sinh sống, trong đó những trang trại nằm ngay sát nơi ở của các loài hoang dã mà không có rào chắn là “nơi rò rỉ của nền kinh tế quốc dân”. Xung đột giữa con người với động vật hoang dã chỉ trong một vùng của Namibia đã ước tính là hàng năm gây thiệt hại 700.000 USD cho nền kinh tế quốc dân.

Xung đột giữa con người và động vật hoang dã đang ngày càng phổ biến, tác động đến nhiều đối tượng, hơn thế, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng góp phần khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Từ trường hợp khỉ đầu chó tấn công gia súc ở Namibia đến chuyện tê giác một sừng ở Nepal phá hại mùa màng, hay những con đười ươi trong đồn điền cọ dầu, gấu và chó sói ở châu Âu đã giết hại vật nuôi… những câu chuyện này đã trở thành vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới người dân dù giàu hay nghèo, và cũng chẳng hề hay ho với tất cả các đối tượng liên quan.

Giải pháp

Cụ thể từng trường hợp mà giải pháp được lựa chọn, song tinh thần chung là bảo vệ lợi ích cho cả các loài động vật lẫn cộng đồng dân cư địa phương, để đôi bên cùng chung sống có lợi. Trong nhiều trường hợp, người dân đã nhiệt tình ủng hộ và kết quả cho thấy con người có thể sống cùng với động vật hoang dã trong khi vẫn phát triển sinh kế bền vững.

Bản báo cáo “Nền tảng chung” tiếp cận và đánh giá các trường hợp xung đột thực tế, trong đó tập trung vào loài voi như một điền hình, và đưa ra một số giải pháp cơ bản đã được thử nghiệm và có thể áp dụng, đó là:

– Nỗ lực chung từ phía chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và các cá nhân…;

– Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, đảm bảo rằng cả con người và loài vật đều có không gian của riêng mình, bên cạnh đó là
những vùng đệm và sử dụng các khu đất thay thế khác;

– Quản lý tài nguyên thiên nhiên dựa vào cộng đồng được coi là một giải pháp quan trọng;

– Đền bù hay bảo hiểm cho các thiệt hại do động vật gây ra, chẳng hạn như ở Namibia, hệ thống bảo hiểm dựa vào cộng đồng áp dụng cho thiệt hại với các loài vật nuôi, hay chính phủ Nepal thì đền bù cho những khu vực xung quanh vườn quốc gia;

– Chi trả cho các dịch vụ môi trường – một khái niệm mới phổ biến gần đây trong giới phát triển quốc tế và cộng đồng bảo tồn, thường gặp nhất là phần thưởng tài chính cho việc tịch thu cacbon. Đây cũng được xem là một giải pháp khả thi để giải quyết xung đột người – động vật.

Báo cáo chỉ ra một cách hiệu quả để xử lý xung đột giữa con người và động vật hoang dã là trao quyền về động vật hoang dã cho cộng động địa phương, nhờ đó cho phép họ hưởng lợi từ việc là hàng xóm với động vật hoang dã.

Cư dân địa phương là những người sinh sống tại khu vực, hưởng lợi cũng chịu tác động trực tiếp từ thực tế ở nơi sinh sống. Nếu họ được tăng cường mối quan hệ với động vật hoang dã, những người “hàng xóm không mong muốn” có thể trở thành đồng minh mang lại thu nhập và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả.

Phân tích từ trường hợp Namibia và Nepal cho thấy cộng đồng địa phương có thể tạo ra thu nhập từ bảo vệ động vật hoang dã nhiều hơn so với khi duy trì sự xung đột và phải gánh chịu những thiệt hại do chúng gây ra.

“Cộng đồng địa phương có thể cùng hưởng lợi kinh tế và chung sống hòa bình với động vật hoang dã”, Lieberman nói. “Những gì chúng tôi thể hiện ở đây là việc quy hoạch hợp lý để đáp ứng nhu cầu của động vật hoang dã cũng như con người là chìa khóa để giảm tử vong, thương tích và thiệt hại kinh tế do xung đột này gây ra”.