Những đứa trẻ ham nghỉ hè với… rác

Phía ngoài tường rào của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội), bất chấp trời nắng và thứ mùi tanh nồng đến lợm giọng bốc lên từ những hố nước đục ngầu, hơn chục đứa trẻ cỡ 15 – 16 tuổi vẫn đang cắm cúi giặt mớ nilon vụn kiếm được trong đêm.

Nghỉ hè trên… rác

Dẫn tôi đi men theo những bờ ruộng lép nhép bùn nước, mấy cậu nhóc ở xã Nam Sơn cứ vừa đi vừa tủm tỉm cười, khi thấy tôi cứ bước được dăm bước lại kêu “ối” một tiếng vì trượt chân, suýt ngã xuống ruộng. Đến một đoạn tường rào, lưới thép bị phá nham nhở, mấy cậu nhóc chui tọt vào trong rồi quay lại bảo: “Chui qua đây rồi anh nhớ đi thấp người xuống, khéo mà bảo vệ bãi rác túm được là phiền đấy!”.

Mất gần 10 phút vừa đi vừa cúi lom khom, tôi mới leo lên đỉnh quả đồi dài bao quanh phía ngoài bãi rác, trong khi lũ trẻ dẫn đường đã ngồi đó từ bao giờ. Chỉ cho tôi thấy những cái hố rộng hàng trăm mét vuông và sâu hút, thằng Cường – đứa cao lớn nhất trong đám trẻ nói: “Đấy, ban ngày trông vắng vẻ thế thôi, chứ ban đêm quanh mấy cái hố rác này đầy người. Trẻ con mấy xã quanh đấy cũng đông, tranh nhau nhặt”.

“Mỗi tối nhặt vớ vẩn, bán qua tay luôn thì bọn em cũng kiếm được hơn 20 nghìn, đó là chưa kể có hôm lại vớ được con chó hay con mèo chết, bán cho mấy ông “đặc sản” thì khoẻ. Tiền bán chó, mèo chết có khi bằng công của vài ba đêm đi bới móc ấy chứ! Nhưng có phải hôm nào cũng vớ bở được như thế, nên thường bọn em chỉ hy vọng mỗi đêm vào bãi nhặt được nhiều vỏ chai, bìa các-tông và túi nilon thôi”, cu Linh, người còm nhom và đen đúa nhất nhóm hồn nhiên kể.

Thấy tôi rút bao thuốc trong túi ra hút để mong khói thuốc lá sẽ khử bớt thứ mùi tanh tưởi đang bao trùm cả quả đồi, thằng Cường nhanh tay rút liền 5 điếu, chia cho cả bọn. Ngậm điếu thuốc trên môi, lũ trẻ bình thản châm lửa, rít những hơi thật dài và nhả khói… chữ O cực kỳ sành điệu. Một thằng trong nhóm bảo: “10 thằng nhặt rác ở bãi này thì phải đến 8 thằng biết dùng thuốc lá, vừa để chống lạnh, vừa để cho lỗ mũi đỡ khổ vì mùi rác…”.

Thấp thoáng thấy bóng áo xanh của mấy anh bảo vệ lấp ló dưới chân đồi, thằng Cường cùng lũ trẻ kéo tôi chạy một mạch theo rãnh nước mưa tự nhiên để lại chui rào thoát ra khỏi khu vực bãi rác. Ra tới cánh đồng, lũ trẻ bỏ mặc tôi một mình để tiếp tục với công việc giặt – phơi đống túi nilon cùng bố mẹ trong những hố nước đục ngầu và bốc mùi hôi thối bằng đôi tay trần.

“Nilon vụn giặt xong, phơi khô giá 3.000-4.000 đồng/kg, giấy vụn, bìa các-tông thì 1.500 đồng/kg, vỏ lon, vỏ chai giá 200-300 đồng/chiếc. Trung bình mỗi ngày, cả trẻ con và người lớn, cứ hễ làm nghề rác thì mỗi người cũng kiếm được sáu, bảy mươi nghìn một ngày. Đó là chưa kể những hôm “trúng quả”, vớ được mớ rác “ngon” – anh Văn, nhà ngay sát bãi rác Nam Sơn cho biết.

Nếu ở khu vực nội thành, mức thu nhập 60-70 nghìn/1 người/1 ngày cũng tạm được coi là… đủ, thì với những người dân sống ở khu vực ngoại thành như huyện Sóc Sơn, mức thu nhập ấy có thể giúp một gia đình 5 người có một cuộc sống tạm ổn. Chính vì mối lợi hiển hiện ngay trước mắt ấy, cứ hễ rảnh lúc nào là hàng trăm đứa trẻ ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ lại tràn vào bãi rác để kiếm thêm, nhất là vào những ngày nghỉ hè.

 
Những đồng tiền kiếm được từ rác đã giúp nhiều đứa trẻ có điều kiện mua thêm sách vở.

Chữ nghĩa “rơi rụng”

Và nhất là trong dịp hè, số lượng trẻ em “đột nhập” vào bãi rác Nam Sơn mỗi đêm qua những đoạn tường rào bị xé rách nhiều đến mức chẳng ai có thể thống kê hết.

Chị Hoa, người xã Bắc Sơn kể mà không giấu nổi vẻ hãnh diện: “Nhà có 2 đứa con thì cứ hễ đến hè là chúng nó đòi theo mẹ
bằng được. Bảo chúng nó không cần phải lo kiếm tiền, cứ tập trung học cho giỏi thì chúng nó lý sự “bọn con chỉ kiếm tiền đủ để mua sách vở, bút mực cho năm học mới thôi. Vào năm học là bọn con sẽ tập trung học”. Của đáng tội, biết bố mẹ nghèo nên chị em nó cũng biết bảo ban nhau ngoan ngoãn và chăm chỉ học. Năm nào cũng được 4 cái bằng khen “học sinh giỏi” đấy”.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn có con chăm ngoan như gia đình chị Hoa, bởi không ít đứa trẻ vì mải mê kiếm tiền cùng bố mẹ đã dần dần “đánh rơi” hết chữ nghĩa xuống những hố nước, hố rác bốc mùi.

“Bảo chúng nó đi học, chúng nó cứ ậm ờ. Đến trường học mà về hỏi sách vở chỗ nhớ chỗ quên, lâu lâu cô giáo lại gọi bố mẹ lên “kiểm điểm” nữa” – anh Thực, bố của 2 cậu con trai 13 và 15 tuổi than.

Chưa hết, quanh năm “ăn trên rác, ngủ quanh rác” nên nhiều đứa trẻ ở khu vực này đã sớm mắc các bệnh ngoài da và bệnh về đường hô hấp. Chẳng biết những đồng tiền kiếm được có đủ để bù đắp cho sức khoẻ bị giảm sút hay không, nhưng khi nhìn thấy từng đôi bàn tay đầy vết loét và những cơn ho như “cóc ngậm thuốc lào” của lũ trẻ, ít người lớn nào không cảm thấy xót xa.

“Anh cứ hỏi cả trăm người nhặt rác hay sống bằng nghề buôn rác quanh mấy cái xã này xem, có mấy ai muốn con cái sẽ “nối nghiệp rác” đâu, nhưng cuộc sống ngày càng khó hơn nên đành phải để bọn trẻ nó phụ giúp một chút trong những ngày chúng nghỉ học. Vì thế, cứ đến hè là đội quân trẻ con đến nhặt rác lại đông nườm nượp. Được thêm đồng nào bố mẹ quý đồng ấy, chúng nó cũng có tiền mua sách truyện đọc những lúc rỗi rãi, còn hơn là cứ lêu lổng ngoài đường” – chị Phượng ở xã Hồng Kỳ tâm sự.