Nâng cao hiệu quả xử lý thông tin vụ việc về động vật hoang dã

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), bình quân mỗi năm, tổ chức này nhận được hơn 3.000 tin báo về các vi phạm động vật hoang dã, đồng thời tổ chức, phối hợp chặt chẽ với người dân và các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng vi phạm.

Từ năm 2019, ENV bắt đầu phân tích hiệu quả công tác xử lý các vụ việc động vật hoang dã do người dân thông báo tại tất cả các địa phương trên cả nước, với mục tiêu cung cấp cho các ngành chức năng những thông tin cần thiết để đánh giá hiệu quả công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ bảo vệ động vật hoang dã tại địa phương.

Tang vật thu giữ trong một vụ án buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Hiệu quả chung trong công tác xử lý vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo được xác định dựa trên số liệu ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Năm 2022, số liệu ở tất cả các tiêu chí đánh giá (tỷ lệ thành công xử lý vụ việc liên quan đến động vật hoang dã nói chung, tỷ lệ thành công xử lý vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống, và tỷ lệ phản hồi) đều đã được cải thiện hơn so với kết quả năm 2021. Mặc dù tỷ lệ phản hồi trung bình đối với các vụ việc do người dân thông báo trên cả nước vẫn tiếp tục ở mức cao (97,7%), tỷ lệ thành công trong việc xử lý nói chung và tỷ lệ thành công trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống trong năm 2022 đều thấp hơn so với kết quả tương ứng ghi nhận trong năm 2019 và 2020.

Một điểm đáng chú ý trong công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2022 là tình trạng bán rong rùa và động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. ENV hầu như không ghi nhận được thành công của các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh khi xử lý 447 trường hợp bán rong động vật hoang dã trên địa bàn trong năm 2022. Trong những trường hợp này, các cơ quan chức năng thường phản hồi đã kiểm tra địa điểm nhưng không phát hiện người vi phạm

Quảng Nam là địa phương có thành tích nổi bật toàn diện trong công tác xử lý các vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2022. Tỉnh Quảng Nam đã dẫn đầu cả nước trên mọi tiêu chí đánh giá. Các cơ quan chức năng phản hồi tất cả 26 vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo; tỷ lệ thành công nói chung và tỷ lệ thành công trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống lần lượt đạt 84,6% và 94,1%. Nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, 1.172 cá thể động vật hoang dã chủ yếu là chim hoang dã đã được thu giữ hoặc chuyển giao cho Nhà nước trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên Quảng Nam trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong nỗ lực xử lý các vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo.

Ngoài Quảng Nam, nỗ lực của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Đồng Nai cũng rất xứng đáng được ghi nhận khi hai tỉnh này cũng nằm trong số những địa phương dẫn đầu cả nước về hiệu quả công tác xử lý vụ việc liên quan đến động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2022. Các cơ quan chức năng của hai địa phương này đã phản hồi 100% thông tin dấu hiệu vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo và đạt được tỷ lệ thành công đáng kể trong quá trình xử lý nói chung và xử lý các trường hợp liên quan đến động vật hoang dã còn sống nói riêng.

Đặc biệt, so với năm 2021, Đồng Nai đã duy trì được tỷ lệ thành công trong xử lý nói chung ở mức cao, đồng thời tăng hiệu quả phản hồi dù số lượng tin báo từ người dân qua ENV cao hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, dù số lượng thông tin dấu hiệu vi phạm không nhiều, ENV cũng hoan nghênh các cơ quan chức năng tại Bắc Kạn, Bến Tre, Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Sơn La và Tuyên Quang vì đã xử lý thành công 100% các vụ việc về động vật hoang dã được người dân thông báo trên địa bàn.

Hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đắk Lắk cũng xứng đáng được ghi nhận vì những kết quả tích cực trong năm 2022, đóng góp vào nỗ lực chung về bảo vệ động vật hoang dã của cả nước. Nằm trong số các địa phương ghi nhận nhiều vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo, chính quyền tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã cho thấy bước tiến đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả công tác xử lý, với tỷ lệ thành công nói chung và tỷ lệ thành công trong xử lý vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống đều đạt khoảng 44%, gấp đôi kết quả tương ứng là 20% và 18% trong năm 2021.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, mặc dù tỷ lệ phản hồi với vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo còn có thể tốt hơn, các cơ quan thực thi pháp luật của tỉnh về cơ bản đã thực hiện tốt công tác xử lý và đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh đạt hiệu quả cao nhất trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống trong số các tỉnh ghi nhận số lượng vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo cao nhất cả nước. Đặc biệt, tỷ lệ thành công chung của Đắk Lắk trong năm 2022 đạt 56,3%, tăng gấp 3 lần so với tỷ lệ 18,2% của năm 2021, trong khi tỷ lệ thành công khi xử lý vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống của tỉnh đạt 71,4%, tăng khoảng 66% so với năm 2021 (42,9%). Trong khi đó, hiệu quả xử lý vụ việc về động vật hoang dã tại thành phố lớn nhất cả nước là Hồ Chí Minh và Hà Nội còn tương đối thấp.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bùi Thị Hà cho biết, từ khi tiến hành hoạt động đánh giá này, Trung tâm nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả các cơ quan chức năng xử lý vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo; nhiều cơ quan chức năng, địa phương đạt tỷ lệ cao về phản hồi, xử lý thành công thông tin vụ việc về động vật hoang dã nói chung; tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống cao hơn mức trung bình của cả nước. Các cơ quan chức năng trên cả nước tập trung nỗ lực hơn nữa, phấn đấu đưa tỷ lệ xử lý thành công vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo trung bình trên cả nước trong năm 2023 đạt 60%. Đồng thời, phải tận dụng khởi đầu tích cực để tiếp tục bảo đảm pháp luật được tuân thủ nhất quán, lâu dài và triệt để, tiến tới xóa bỏ tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam.

Trong 6 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra hơn 12.000 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính trên 11.000 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ). Các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ hơn 1.800 vụ vi phạm về buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, hơn 8.500 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 111 vụ đối với 122 đối tượng, trong đó có các đối tượng phạm tội buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã. Đặc biệt, các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm…

Mặc dù, cả nước duy trì tỷ lệ phản hồi ở mức cao (khoảng 97%) nhưng tỷ lệ thành công trong xử lý các vụ việc về động vật hoang dã nói chung cũng như thành công trong xử lý các vụ việc liên quan đến động vật hoang dã còn sống vẫn còn thấp, chỉ đạt được lần lượt là 32,7% và 34,8%. Bên cạnh tỷ lệ phản hồi cao, mong muốn các cơ quan có trách nhiệm cần nâng cao hơn nữa tỷ lệ thành công trong việc xử lý các vụ việc về động vật hoang dã do người dân thông báo, để qua đó góp phần quan trọng vào nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam…