Xung đột với con người – mối đe dọa lớn nhất đối với loài hoang dã

Theo báo cáo của WWF và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố ngày 8/7, xung đột giữa người và động vật hoang dã là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự sinh tồn lâu dài của một số loài mang tính biểu tượng trên thế giới. Đó là các cá thể sói săn gia súc ở bang Idaho, Mỹ, đến những cá thể voi hoang dã Việt Nam lang thang tìm thức ăn tại bản làng, hay một cá thể cá sấu cắn chết hàng trăm người ở Burundi…

Con người giết động vật để tự vệ hoặc trả thù

Báo cáo do 155 chuyên gia từ 40 tổ chức có trụ sở tại 27 quốc gia thực hiện. Theo báo cáo, xung đột giữa người và động vật hoang dã, nảy sinh khi cả hai cùng sinh sống trong một khu vực, thường dẫn đến việc người giết động vật để tự vệ hoặc để trả thù, dẫn đến nguy cơ loài đó có thể bị tuyệt chủng.

Báo cáo mang tên Một tương lai cho tất cả – nhu cầu chung sống hài hoà giữa con người và động vật hoang dã nhấn mạnh rằng, xung đột đã khiến hơn 75% các loài mèo hoang dã trên thế giới bị sát hại. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều loài ăn thịt trên cạn và dưới biển khác như gấu Bắc Cực và hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải hay động vật ăn cỏ lớn như voi.

Bà Margaret Kinnaird, Giám đốc Chương trình Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu của WWF Quốc tế cho biết: “Con người đang chứng kiến những thay đổi khác thường chưa từng có của hành tinh. Quần thể các loài hoang dã trên toàn cầu đã giảm trung bình 68% kể từ năm 1970. Xung đột giữa người và động vật hoang dã, cùng với các mối đe dọa khác, đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể quần thể các loài mà trước đây từng rất đông đúc, trong khi đó các loài vốn có quần thể ít ỏi đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng”.

Một cá thể voi rừng phá hoại hoa màu của người dân xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk.

Theo bà Margaret Kinnaird, trừ khi chúng ta hành động khẩn cấp, xu hướng này sẽ càng tồi tệ hơn, gây tổn hại và trong một số trường hợp, gây tác động không thể đảo ngược đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Bà Susan Gardner, Giám đốc Chương trình Hệ sinh thái của UNEP cho biết: “Báo cáo gióng  lên hồi chuông cảnh báo về xung đột giữa người và động vật hoang dã, đồng thời kêu gọi các chương trình bảo tồn quốc gia và quốc tế dành sự chú ý cần thiết cho vấn đề này”.

“Báo cáo kêu gọi sử dụng các biện pháp có thể xác định nguyên nhân sâu xa và tiềm ẩn của xung đột, đồng thời xây dựng những giải pháp có tính hệ thống cùng với các cộng đồng bị ảnh hưởng – những người cần được tham gia một cách tích cực và bình đẳng. Như nhiều ví dụ trong báo cáo, việc con người và động vật hoang dã cùng sinh tồn là hoàn toàn khả thi và có thể đạt được.”

Theo báo cáo, xung đột giữa người và động vật hoang dã vừa là vấn đề nhân đạo và phát triển vừa là vấn đề bảo tồn, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, người chăn nuôi, đánh bắt truyền thống, và người bản địa, nhất là người nghèo. Mâu thuẫn cũng nảy sinh khi con người và động vật phải chia sẻ chung nguồn nước. Một sự bất bình đẳng xuất hiện khi mà những cộng đồng sống chung với động vật lại không nhận được sự đền bù nào cho những rủi ro mà sự tồn tại chung này gây ra.

Xung đột giữa người và động vật hoang dã chưa được quan tâm đúng mức

Nhiều diện tích cây trồng của người dân ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk bị voi rừng về phá.

Tại Việt Nam, xung đột cũng xảy ra khi con người và động vật hoang dã sống gần nhau. Trường hợp loài voi ở Đắk Lắk là một ví dụ điển hình. May mắn là những năm gần đây chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào về người nhưng có ít nhất hai trường hợp voi con bị thương do người dân đặt bẫy thú rừng trái phép. Jun, một cá thể voi đực 10 tuổi đã bị thương do dẫm vào vào bẫy dây. Sau khi được chữa trị, Jun không thể tái thả lại tự nhiên và được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cho đến nay đã sáu năm. Trong khi đó, 116.35 ha hoa màu, 5 ngôi nhà tạm và hàng trăm cây điều, cao su đã bị voi rừng phá hoại.

Mặc dù có sự liên quan chặt chẽ với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), xung đột giữa người và động vật hoang dã vẫn không nhận được sự quan tâm đúng mức từ các nhà hoạch định chính sách.

Việc duy trì sự phát triển quần thể của các loài hoang dã và sức khỏe tốt của các hệ sinh thái sẽ giúp cho xã hội loài người tồn tại, cung cấp thực phẩm và tạo sinh kế cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, những tác động thảm khốc như thương vong, mất tài sản và sinh kế lại đè nặng lên những cộng đồng phải sống cùng các loài hoang dã, thường là tại các quốc gia đang phát triển có đa dạng sinh học cao. Điều này dẫn tới tình trạng tài chính bấp bênh và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các cộng đồng này.

Bà Kinnaird chia sẻ thêm: “Nếu xung đột giữa người và động vật hoang dã không được cộng đồng quốc tế giải quyết thỏa đáng, WWF tin rằng nó sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến khả năng đạt được phần lớn các mục tiêu SDGs của các quốc gia. Nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030, thì xung đột giữa người và động vật hoang dã phải được đưa vào kế hoạch thực hiện các mục tiêu SDGs. Vấn đề này cũng cần là trọng tâm trong khung chiến lược mới của Công ước về Đa dạng sinh học”.

Được biết, Khung Chiến lược toàn cầu về Đa dạng sinh học sau năm 2020 dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10 tại cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15). Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ ký cam kết mới về bảo vệ đa dạng sinh học trong 10 năm tiếp theo.

Báo cáo cho rằng xung đột giữa người và động vật hoang dã không thể xóa bỏ hoàn toàn nhưng có thể được giảm thiểu bằng các phương pháp tiếp cận tổng hợp và được lập kế hoạch quản lý tốt, từ đó giúp người và động vật chung sống hài hòa.

Một cá thể voi rừng đi ra khu dân cư ở Đồng Nai.

WWF-Việt Nam đã cùng với Vườn Quốc gia (VQG) Yok Don và Trung tâm Bảo tồn (TTBT) Voi Đắk Lắk  tiến hành đánh giá Xung đột giữa người và voi (HEC) và xây dựng chiến lược quản lý HEC trong năm năm (2021 – 2025).

WWF-Việt Nam cũng hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động  một nhóm giảm nhẹ xung đột voi – người dựa vào cộng đồng tại buôn Drang Phok, xã Krong Na, huyện Buôn Đôn. Cán bộ của VQG Yok Don, TTBT Voi Đắk Lắk và dân làng thuộc bốn trong số các xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã được đào tạo các kỹ năng giúp giảm thiểu HEC.

Các điều kiện cần thiết để con người và voi hoang dã cùng chung sống hài hòa ở Đắk Lắk có thể được đáp ứng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về sự an toàn của các đàn voi hoang dã do việc mất sinh cảnh sống vẫn đang tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, voi cần một sinh cảnh rộng lớn để sinh sống. Chấm dứt chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong hành lang di chuyển của voi và phục hồi các sinh cảnh của chúng là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường an toàn hơn cho cả người và voi.

Cách giảm xung đột giữa người và động vật hoang dã này có thể tạo ra các cơ hội và lợi ích không chỉ cho đa dạng sinh học và các cộng đồng chịu ảnh hưởng, mà còn cho xã hội, phát triển bền vững, sản xuất và nền kinh tế toàn cầu nói chung.