Trở lại với 3 tộc người có nguy cơ biến mất (Kỳ 2)

Theo dọc đường Hồ Chí Minh, vượt qua đèo Đá Đẽo ra hướng Bắc chừng mươi cây số, phía trái có một con đường nhỏ, đó là đường vào với người Rục.

Kỳ 1: Nguy cơ quay lại hang đá

Kỳ 2: Gập ghềnh đường đến với cộng đồng

Vòng luẩn quẩn ra bản – vào hang

Dăm năm trước, vào đây là chuyện đã cực kỳ khó khăn. Còn bây giờ, từ Đồng Hới, tầm 7 giờ lên ô tô vèo một cái, 2 tiếng sau là đến ngay bản Yên Hợp, bản đầu tiên mà người Rục đang định cư.

Nhớ ngày người ta thi công con đường vào bản này, người Rục lũ lượt kéo nhau ra xem ô tô, xe máy. Nhiều người xem cả ngày, tối đến lên rẫy nhổ vội vài gốc sắn, đốt lửa nướng ăn, thức qua đêm để ngày mai xem tiếp. Người ta ngẩn ngơ xem máy đào, máy ủi không chán mắt.

Rồi con đường hoàn thành nối người Rục gần với cộng đồng trong vùng và dưới xuôi. Kể từ đó, bao buồn vui, sướng khổ của người Rục đều được cộng đồng nhanh chóng sẻ chia.

Lần đầu tiên chúng tôi tìm đến với tộc người này khi có nhiều tờ báo viết về họ và coi họ là người rừng. Ngày đó, chúng tôi phải lội bộ theo con đường Huynh Đệ cheo leo, trên là bùn nhão, dưới là đá gan gà sắc như dao lam. Một ngày trời cắt rừng, toàn thân bê bết máu của sên của vắt, chúng tôi đến được nhà Trưởng bản Yên Hợp…

Người ta đánh giá việc phát hiện ra người Rục như việc phát hiện ra… người nguyên thủy giữa những cánh rừng đại ngàn. Đó là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Rồi thân phận của tộc người này cũng được các nhà Dân tộc học tâm huyết thanh minh. Họ không phải là người rừng.

Từ những năm 1960, chính quyền cùng Bộ đội Biên Phòng đã tìm thấy dấu chân họ trên những lối mòn rừng thẳm. 34 người Rục còn lại tơi tả trong sức tàn lực kiệt theo cán bộ về định cư ở bản Hợp Hòa.

Ngày đó người ta dạy cho người Rục cách mặc áo vải, cách ăn cơm, cách nằm nhà sàn… Bao đời nay họ chỉ biết chuyền hang, ăn lá, quả cây rừng, mặc áo vỏ cây và tựa lưng vào vách đá ngủ.

Rồi những năm 1960, người Rục tiến bộ nhanh chóng thành lập nên một Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã khiến cho cuộc sống đang dần dần đi vào ổn định của người Rục bị phá vỡ. Người Rục chạy táo tác vào rừng lánh nạn. Hang lèn lại trở thành nơi an toàn cho tộc người này…

Hòa bình, thống nhất được mấy năm, lác đác những hộ người Rục lại tìm về bản cũ. Những cán bộ tâm huyết với tộc người này lại lên đường vào tận từng hang vận động người Rục về nơi định cư mới. Lại một thời kỳ ổn định cho người Rục…

Ngỡ mọi chuyện sẽ “xuôi chèo mát mái” từ đây, nhưng không ngờ, năm 1986, một trận đại dịch sởi bùng phát ở vùng đất này. Với tập quán của người Rục, cứ thấy mụn ngứa và nóng sốt là người ta lại kéo nhau xuống suối ngâm mình.

Chỉ trong 1 ngày có đến 25 người Rục, bằng 12% dân số người Rục lúc đó, bị chết. Người Rục lại hoang mang nháo nhác tìm về các hang đá truyền thống của mình…

Mãi cho đến khi những thông tin về nguy cơ biến mất của cả một tộc người được gióng lên, lại một lần nữa người ta đi tìm người Rục giữa bạt ngàn rừng thẳm và mênh mông hang lèn, để đưa họ về định cư ở Yên Hợp, Mò O, Ồ Ồ. Lúc đó người Rục chỉ còn đúng 189 người… Đến nay đã qua hơn 15 năm định cư trong dự án bảo tồn và phát triển.

Đói không lo, no không mừng

Chúng tôi mất một đêm nằm lại bản Mò O, trong ngôi nhà của Bí thư chi bộ Cao Tiến Thuỳnh. Mấy năm trước đây ông Thuỳnh là Trưởng bản. Từ khi ở đây có đủ số lượng Đảng viên thì ông được bầu làm Bí thư chi bộ.

Ông Thuỳnh vốn là một trung úy Bộ đội Biên phòng ở mãi tận một tỉnh phía Nam. Một lần về thăm nhà vì không có tiền trở lại đơn vị, thế là ông liều ở lại bản Mò O luôn. Ông được coi là người có học vấn cao nhất của người Rục bây giờ. Ngoài việc đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ, ông còn biết viết kiến nghị, biên bản cuộc họp.

Ngôi nhà nhỏ của ông Thuỳnh chẳng có gì ngoài chiếc giường đơn và mấy chiếc ghế nhựa. Mấy lần ghé thăm nhà ông vẫn thế. Được cái, có mô hình sản xuất, chăn nuôi nào ông đều là người tự nguyện xung phong làm trước.

Ông đang sống cùng vợ là Cao Thị Vắn và mẹ ruột là Cao Thị Mèo đã 80 tuổi. Bà Mèo luôn ngồi một chỗ ở ngay gần bếp lửa kể cả giữa ngày hè nắng rát. Trong bếp chỉ có 3 chiếc xoong nhôm đã nhánh đen vì muội than, một chiếc dùng để nấu nước chè, một chiếc để nấu cơm và chiếc còn lại nấu đồ thập cẩm.

Bữa cơm đãi khách chẳng có gì mới. Vẫn mấy củ sắn luộc. Nồi cơm nhỏ ăn với bột canh và món thập cẩm gồm cá khe nấu với đủ loại lá rừng. Chai rượu cồn được chủ nhà chạy đi đâu đó mang về nồng gắt. Ông Thuỳnh bảo, bây giờ đang lúc chờ thu hoạch mùa, mà mùa năm nay nguời Rục sẽ chẳng thu được hạt thóc, cân ngô nào cả.

“Sao à? Trâu bò dân vùng ngoài thả rong vào đây phá hết cả. Nhiều hộ người Rục có rẫy ngô chừng 1 ha, nhưng qua một đêm trâu bò ăn hết chỉ còn đất trắng. Ừ, chúng tôi có kiến nghị rồi, nhưng vẫn thế. Đói thì người Rục không thể đói vì sắn trồng rất nhiều. Có nhiều rẫy sắn đã 5 năm nay vẫn chưa ăn hết.

Từ khi có nhà dự án xây cho, có điện có đường, có trường có bệnh xá người Rục đã đổi đời. Ngàn đời mơ cũng không có. Đã có nhiều hộ người Rục sắm được ti vi, xe máy, nhưng bây giờ vấn đề của người Rục là nhận thức, nhất là lớp trẻ…”.
Ly rượu ông Thuỳnh mời nồng khét cả vòm họng. Bà Mèo ngồi dưới bếp vọng lên góp chuyện: Đói thì người Rục không đói. Nhưng khổ thì người Rục vẫn là người khổ nhất ở đây…

Câu nói của bà Mèo khiến chúng tôi nhớ lại rằng, khi lập dự án cho việc bảo tồn và phát triển tộc Rục, đã có ý kiến nên chỉ “lọc” ưu tiên cho người Rục thôi. Nhưng cũng lại có ý kiến là phải xây dựng dự án trên tính nguyên thể vùng của nó.

Có nghĩa là vẫn cứ để người Rục sống đan xen với người Sách, Vân Kiều… như tồn tại vốn có bấy nay, để các tộc người trên bỗ trợ cho người Rục cùng phát triển.

Quan điểm thứ 2 được chấp thuận. Nhưng đã hơn 15 năm tồn tại của dự án, thì các tộc người đan xen trong vùng đã có
những sự phát triển vượt bậc, còn người Rục vẫn rất cầm chừng trong sự hội nhập của mình. Dễ đến hàng chục lần chúng tôi đến vùng đất này làm công tác cứu trợ.

Nhận được gạo, được mì, được hàng cứu trợ, người Rục theo thói quen thường đem đi đổi rượu. Hết gạo hết lương thực, họ lại kéo nhau vào rừng. Khi những ngôi nhà của dự án xuống cấp, dột nát thì những tộc người khác đã biết sửa chữa, nâng cấp, còn người Rục cứ để vậy. Nhà dột chỗ này tránh sang chỗ khác, cho đến khi không thể ở được nữa thì họ lại kéo nhau vào hang.

Trước đây, khi ông Mai Xuân Thu, đang làm Trưởng ban Dân tộc của tỉnh, bò dự án hỗ trợ để chăn nuôi, ông Thu đã có sáng kiến khắc dấu và tên trên lưng bò cho từng hộ nhằm tránh việc người Rục mang bán hoặc đổi rượu. Ấy thế mà, chỉ sau 2 năm, số bò hàng chục con không hiểu bằng cách nào đã “bốc hơi” không còn một mống…

Tiến sỹ dân tộc học Võ Xuân Trang, người đã dày công nghiên cứu về tộc người này đưa ra một bảng biểu thống kê, các sản vật mà người Rục làm ra quy đổi thành rượu cồn và thuốc lá và đi đến kết luận, với người Rục cho dù có được mùa đi chăng nữa thì cũng coi như mất mùa, vì phần lớn chỉ đủ cho họ biến thành rượu và thuốc lá. Và cũng điều đó là nguyên nhân chính làm suy kiệt khả năng tự phát triển của tộc người này.

Người Rục từ trẻ con cho đến người già, từ phụ nữ cho đến đàn ông đều hút thuốc và uống rượu. Họ uống rượu như người xuôi uống nước. Uống bất cứ lúc nào. Uống cho đến say thì thôi. Tư thương mang cồn công nghiệp từ xuôi lên pha thêm nước suối thế là thành rượu, đến đây đổi ngô, sắn, mật ong, cao khỉ…

Trong nhà người Rục có bất cứ thứ gì có thể đổi được thành rượu là đổi ngay. Ông Võ Xuân Trang rất có lý khi đưa ra câu cửa miệng như là một nguyên lý sống của người Rục đó là “Plơi văng lo, đo văng mơng” (Đói không lo, no không mừng)…

 
Hồ Vịnh đang nạo sắn làm bồi.

Rừng vẫn là nguồn sống chính

Sau một đêm nằm lại bản Mò O, sáng ra cả bản này tĩnh lặng. Hỏi người dân đi đâu cả rồi. Ông Thuỳnh bảo họ kéo nhau lên rừng lên rẫy cả. Họ vào rừng như thế suốt cả ngày. Có người không kịp về thì nằm tạm trong hang đá chờ sáng để tiếp tục tìm kiếm sản vật như mật ong, chồn, chuột rừng…

Đi một vòng quanh hàng chục ngôi nhà của người Rục, bên trong chẳng có gì ngoài những thứ mà chúng tôi đã gặp ở nhà ông Thuỳnh.

Chúng tôi gặp ông Hồ Píu (48 tuổi) và Hồ Văn Vịnh (25 tuổi) đang ở nhà. Hồ Píu nồng nặc mùi rượu dù lúc này chưa đến 8 giờ sáng. Ông Píu bảo, hôm qua say quá giờ không vào rừng được.

Còn Hồ Vịnh thì bị cảm, nên giờ đang nạo sắn làm bồi (thức ăn chủ yếu của người Rục, sắn được nạo nhỏ ra cho lên nồi hong chín). Vịnh bảo, gạo ngô bây giờ thì hết rồi, nhưng sắn thì ăn vô tư. Ăn đến sang năm mới hết.

Vịnh kể: “Thanh niên trong bản giờ lười trồng ngô lúa lắm. Có trồng lên cũng bị trâu bò phá hết nên họ nản. Với lại bán đổi chẳng được bao nhiêu. Thế là kéo nhau vào rừng, cái gì có giá thì khai thác bán cho thương lái…”.

Nghe Vịnh kể mà giật mình. Vùng rừng này là vương quốc của loài linh trưởng, nó đang được vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng mở rộng vùng Di sản. Nếu như trên 300 nhân khẩu người Rục đang tồn tại bây giờ cùng đồng loạt tấn công vùng rừng nguyên sinh này thì đó là một thảm họa khó lường.

Bây giờ người Rục không còn biệt lập như trước đây nữa. Họ chỉ cách đường Hồ Chí Minh 12 km với một tuyến đường cứng hóa. Việc đi lại đã quá thuận tiện cho việc trao đổi, bán buôn. Và thực tế, có nhiều hộ kinh danh buôn bán đã dựng lều, dựng quán nơi đây thu mua sản vật.

Nơi chúng tôi đang đứng, ngay sau mé nhà ông Thuỳnh thôi, đã nghe tiếng cưa máy khai thác gỗ vang cả núi rừng. Những đứa trẻ người Rục vác cưa máy, khởi động nổ rền sân vận động.

Một xưởng cưa xẻ chế tác gỗ đã mọc lên giữa bản… Cái nguy cơ phá rừng đã và đang là mối nguy của rừng ở đây. Nguy cơ ấy còn tác động sâu sắc đến sự tồn vong của tộc người này.

Chúng tôi rời Mò O, Ón, Yên Hợp khi hoàng hôn đang xuống. Những chiếc xe công nông đầu ngang đang giấu mình bên vệ đường chờ trời tối để chở gỗ ra. Những con trâu lực lưỡng đang gặm cỏ sau một ngày kiệt sức tải gỗ từ rừng.

Những đứa trẻ người Rục đang địu nhau nhớn nhác nhìn vào các hàng quán ven đường. Người Rục đang gần lắm trên lộ trình hòa nhập với cộng đồng. Nhưng cũng như người A rem, con đường người Rục đang đi vẫn còn chông chênh và đầy bất ổn.
Câu nói của Tiến sỹ Trần Trí Dõi, người đã dày công nghiên cứu về tộc người này cứ dai dẳng, ám ảnh chúng tôi: “… Cái mất lớn nhất chính là qua những lần chi tiền giúp đỡ họ, chúng ta đã vô tình tạo nên một tâm lý được ưu đãi cho họ và do vậy họ không có ý thức tự phát triển. Đó chính là cái khó khăn lớn nhất cho bất kỳ dự án tiếp theo nào…”.