Người dẫn dụ chim, thú hoang

ThienNhien.Net – Chiều chiều, từng đàn, từng đàn cò chao liệng giữa bầu trời sau một ngày tìm mồi, sà xuống sân chim. Tiếng chim ríu rít giữa lòng thành phố trẻ Cà Mau như níu chân người. Điều tuyệt diệu ấy có được ngày hôm nay là nhờ Kỹ sư Lê Thị Liễu – người con dâu hiếu thảo của đất Cà Mau – người đã cảm hoá được thú hoang, chim muông về với con người.

Vừa cho con bú, vừa đỡ đẻ cho thú hoang

Sinh ra vùng quê Quãng Ngãi, cô Lê Thị Liễu tập kết ra Bắc, tốt nghiệp Khoa trồng trọt, Trường đại học nông lâm 1- Hà Nội. Ngày ấy, chồng cô, người Cà Mau thứ thiệt, cũng tập kết ra Bắc, tốt nghiệp kỹ sư lâm sinh. Ông là Phạm Hữu Liêm – nay là Nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Minh Hải.

Hai sinh viên Miền Nam cưới nhau được 3 năm, kỹ sư trẻ Phạm Hữu Liêm trở về Miền Nam tham gia kháng chiến. Cô sinh viên ẵm nách 2 con nhỏ, làm cán bộ cải tạo nông nghiệp đất Bắc. Đôi vợ chồng trẻ sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam”.

 Người dẫn dự chim thú hoang
Cô Lê Thị Liễu chăm sóc vườn lan trước nhà. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) 

Năm 1976, cô Liễu dắt đàn con thơ quê nội ở Cà Mau, sum họp gia đình. Rời bục giảng Trường trung học nông nghiệp Minh Hải, cô xin về làm cán bộ nuôi thú, trồng khu thảo dược của Xí nghiệp dược Minh Hải.

Ngày đó, hàng trăm công nhân, dược tá mặc áo blouse trắng tinh làm việc trong xí nghiệp. Còn nữ kỹ sư Lê Thị Liễu trong chiếc áo sơ mi sờn vai, cần mẫn đi đạp xe đạp đón xuồng của bà con nông dân mua chuối cho khỉ, mua chuột đồng cho trăn ăn. Xí nghiệp dược ăn nên làm ra với sản phẩm Trangala danh tiếng trên thương trường, nguyên liệu chính từ mỡ trăn rừng.

Những năm 1984-1986, rừng tràm U Minh Hạ cháy nhiều, trăn rừng bò vô nhà dân tránh lửa. Xí nghiệp dược thu mua trăn rừng chế biến không hết, đóng lồng nhốt, thả chuột cho trăn ăn. Có lúc, đàn trăn rừng dưỡng lại lên đến 12 tấn cung ứng đủ nguyên liệu sản xuất Trangala.

Song cô Liễu trăn trở: “Nếu cứ bắt trăn hoài thì sẽ cạn kiệt, tại sao không nuôi trăn để chủ động nguyên liệu sản xuất, tái tạo nguồn trăn rừng?” Suy nghĩ đó cứ bám theo cô hoài. Không thể ngồi chờ đàn trăn rừng có sẵn đang có nguy cơ cạn kiệt, cô Lê Thị Liễu âm thầm tìm hiểu qui luật đời sống của loài trăn rừng.

Chiếc chuồng trăn xây bằng gạch, cô Liễu gác tấm vạt tre làm giường ngủ. Cô Liễu tâm sự: “Từ nhỏ, tôi rất sợ trăn, rắn nhưng phải làm quen dần con trăn. Đêm đêm nằm cho con bú, tôi vén chiếu rình trăn phối giống, xem trăn đẻ, trăn ấp trứng, nở con”.

Những trang giấy viết tay về qui luật sinh tồn của trăn rừng dày thêm, nặng thêm như cô con gái út đang ẵm trên tay lớn dần. Đề tài khoa học: “Thuần dưỡng trăn rừng thành trăn nuôi” đoạt Huy chương vàng Hội chợ Giảng Võ- Hà Nội năm 1987.

Ngay sau đó, cô tiếp tục miệt mài với đề tài: “Nhân giống trăn và đưa qui trình nuôi trăn vào đại trà”. Đề tài này đã thực sự đưa con trăn rừng thành loài động vật nuôi trong gia đình.

Dạo đó, những người nuôi trăn chuyền tay nhau cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật của cô. Mùa trăn đẻ, cô bận túi bụi vì phải thêm viecj trả lời thắc mắc của người chăn nuôi.

Khu nuôi thú, trồng thảo dược chuyển thành Lâm viên 19/5 (nay là Công viên văn hoá Cà Mau) vào ngày 7/9/1989. Cô Lê Thị Liễu từ Phó phòng dược liệu chuyển qua làm Giám đốc, cùng với 8 cộng sự nuôi trồng dược liệu. Cô tâm sự: “Vợ chồng tôi có ý tưởng xây dựng Lâm viên 19/5 có khu lưu niệm Bác Hồ, là nơi lưu giữ nguồn gien động thực vật vùng ngập nước Cà Mau. Đến Lâm viên 19/5 sẽ bắt gặp một Cà Mau thu nhỏ giữa lòng TP Cà Mau để ngắm nhìn, thưởng ngoạn và nghiên cứu”.

Với khuôn viên 18 ha của Lâm viên 19/5, kỹ sư Lê Thị Liễu ham mê nghiên cứu động vật hoang dã. Công trình “Cho sinh sản và phát triển cá sấu Cu Ba trên đất Minh Hải” do cô Lê Thị Liễu và nhóm cộng sự hoàn thành đã được tặng Bằng khen về thành tựu nông nghiệp tại Hội chợ quốc tế Cần Thơ- 1994.

Từ 26 con cá sấu Cu Ba được nước bạn tặng đang sống rải rác khắp nơi, được qui tụ về, sinh sôi thành bầy đàn hàng ngàn con. Qui trình sinh sản cá sấu được nhiều địa phương đặt hàng chuyển giao. Các cộng sự của cô Lê Thị Liễu hiện còn công tác tại Công viên văn hoá Cà Mau thu bạc trăm triệu từ công việc ấp trứng cá sấu mướn cho các tỉnh.

Chim về giữa lòng thành phố trẻ

Cô Liễu cho biết, khó khăn nhất là giai đoạn ban đầu. Đầu tư tiền mua, chim cò về thả mà không có kết quả, lại mang lời ra tiếng vào. Sau cô mạnh dạn áp dụng một số kỹ thuật để giữ chim trong vườn nuôi. Trong những lúc cho chim cò ăn, cô quan sát thấy có cả chim cò bên ngoài cũng nhào vô ăn cùng với chim cò thả nuôi, ăn xong chúng lại bay đi.

 Người dẫn dụ chim thú hoang
Sân chim Công viên văn hóa Cà Mau có hàng chục ngàn con cò trắng, còng cọc, le le. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Cô tâm sự: “Tôi nghĩ con người ta nghiện cà- phê thì chắc chim cò cũng vậy. Tôi cho anh em tổ nuôi trộn thêm xác cà- phê vào thức ăn cho chim. Trời ơi, năm đó, có ổ chim đầu tiên nở, tôi mừng quá, mời thợ chụp ảnh chụp lại. Rồi những trận mưa, kèm theo gió mạnh làm gãy cây, rơi tổ chim. Anh em chúng tôi thức suốt đêm bắt chim con về sưởi ấm, chờ trời quang thả chúng về tổ. Những ngày đó, cực không biết đâu mà kể nhưng bù lại rất vui khi thấy chim cò rủ nhau về kết bạn tình, xây tổ ấm, sinh con cái”.

Đúng vào dịp Tết Nguyên Đán 1989, chim cò bay về xây tổ, đẻ trứng, nở con đông nghịch. Sân chim mi ni không còn chỗ đậu. Những người làm việc tại đây bèn trồng thêm dừa, cây gừa, cập tre,… mở thêm sân chim lớn rộng chừng 2 ha.

Nay, sân chim Công viên văn hóa Cà Mau có hàng chục ngàn con cò trắng, còng cọc, le le. Cứ mỗi buổi sớm, đàn chim cò tung cánh bay đi tìm mồi. Chiều tối, chúng lại quay về tổ ấm. Từng bầy đàn chao liệng ngang thành phố rồi sà đôi cánh thong dong đáp xuống. Những cây cỏ trong sân chim không còn chỗ trống. Mỗi cây có đến vài chục tổ chim. Cứ nhìn tổ chim treo trên những cây tràm, cây bạch đàn, cây trúc… thì không biết chúng lấy đâu ra cành lá khô mà làm tổ.

Ước mơ chưa tròn của người chủ cũ

Vợ chồng kỹ sư Lê Thị Liễu và Phạm Hữu Liêm đều nghỉ hưu, tìm niềm vui từ việc chăn nuôi thú, trồng cây. Những con thú được nuôi thả, chim cò như tìm được ân nhân. Con kỳ đà của cô chú nuôi không chịu đi xa khỏi nhà. Rồi mấy chú trích cồ biết múa lân khi nghe đánh “trống miệng”. Cô Lê Thị Liễu tâm sự: “Nuôi thú, nuôi chim đầy đàn đâu phải làm kinh tế mà để tìm hiểu qui luật sống của chúng. Mỗi loài đều có đặc điểm riêng, phải hiểu chúng mới giữ chúng sống với mình”.

Ngôi nhà bằng cây lá địa phương gắn với khu vườn cây, chuồng trại, ngang cổng Công viên văn hoá cũng là nơi họp mặt của vài chục cựu học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc. Họ là những kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội, cán bộ đã nghỉ hưu. Đó cũng là niềm vui lúc tuổi ngoài 60.

 Người dẫn dụ chim thú hoang
Chim cò đậu kín cây xanh trong sân chim Công viên văn hoá Cà Mau. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng)

Nhưng những trăn trở, băn khoăn về mô hình “Cà Mau thu nhỏ” được đặt tên Lâm viên 19/5 ngày nào nay mang tên mới, chức năng mới “Công viên văn hoá Cà Mau” cứ đeo đẳng cô: “Tôi sợ không giữ được chân đàn chim cò vì tiếng ồn của công viên văn hoá, vì ô nhiễm môi trường, cảnh quan cây xanh…Toàn bộ cây tràm, cây trúc, cây gừa dường như không chịu nổi đàn chim cò có đến hàng chục ngàn con về xây tổ, sinh sản. Nhìn ao nước đen, phân chim cò thải ra làm cây cối chết nhiều quá. Tôi lo là chưa có giải pháp, chưa đủ tiền để xây dựng hệ thống cải tạo môi trường cho chim cò, cây rừng. Môi trường sống xấu đi, bị tàn phá, sẽ không giữ được chim cò sinh sống”.

Nhìn sang khoảng trời Công viên Văn hóa ngang cửa nhà, cô Liễu tâm sự: “Mỗi lần đi ngang qua, đi dạo trong công viên văn hoá Cà Mau, tôi cảm giác như đến mái nhà xưa. Mái nhà Lâm viên 19/5 mà tôi phải trả giá quá đắt trong sự cố vào mùng một Tết nguyên đán 1995. Còn bây giờ tôi là khách mà không phải ai cũng quen biết. Phải chi mình còn trẻ!”