Ứng dụng công nghệ mới xử lý môi trường

Theo GS, TSKH, Đại tá Đỗ Ngọc Khuê, Phó chỉ huy trưởng Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ môi trường (CNM-BVMT), các sản phẩm của các công trình, đề tài nghiên cứu do Phân viện Công nghệ mới và Bảo vệ môi trường (CNM-BVMT) thuộc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), chuyển giao, xử lý chất thải hiệu quả bằng các phương pháp cơ lý kết hợp vi sinh,v.v…, bảo đảm an toàn môi trường xung quanh, được các cơ sở sử dụng đánh giá cao, các công trình xử lý môi trường mới được xây dựng, lắp đặt các trang thiết bị khá hiện đại.

Hơn 10 năm qua, Phân viện đã thực hiện hàng chục đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực môi trường, trong đó có đề tài thuộc Chương trình khoa học-công nghệ Nhà nước (KC.04.10): “Nghiên cứu công nghệ sinh học xử lý các chất thải quốc phòng đặc chủng và sự ô nhiễm vi sinh vật độc hại”. Đề tài đã hoàn thành trong giai đoạn 2001-2005, các sản phẩm đang triển khai áp dụng tích cực ở các cơ sở trong và ngoài quân đội.

Ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải quốc phòng đặc chủng là hướng đi đúng đắn và trở thành thế mạnh của Phân viện. Trước đây, các dây chuyền công nghệ xử lý chất thải lắp đặt trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở bảo đảm kỹ thuật trong quân đội thường có thiết bị lớn, cồng kềnh, dẫn đến chi phí lắp đặt lớn, giá thành xử lý cao.

Phân viện đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp sinh học, sử dụng các chế phẩm vi sinh, thực vật bậc cao để xử lý chất thải do hoạt động quân sự-quốc phòng sinh ra, nhờ đó nâng cao hiệu quả xử lý, giảm chi phí lắp đặt dây chuyền công nghệ và giá thành xử lý. Các dây chuyền xử lý chất thải đặc thù quốc phòng ở các Nhà máy Z131, Z115, Z127,v.v… hoàn thành trong thời gian gần đây đã được lắp đặt trang thiết bị hiện đại, không cồng kềnh và từng bước tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng xử lý chất thải.

Từ năm 2000 đến nay, trên cơ sở kết quả các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, Phân viện CNM-BVMT đã tư vấn thiết kế, lắp đặt dây chuyền thiết bị, chuyển giao công nghệ xử lý môi trường cho gần 30 nhà máy, cơ sở bảo đảm kỹ thuật toàn quân, nghiên cứu thành công và chuyển giao 11 loại công nghệ xử lý môi trường, ứng dụng rộng rãi trong và ngoài quân đội. Các chất thải đặc thù quốc phòng như nước thải nhiễm thuốc nổ TNT, nhiễm Cyanua, crôm (Cr+6); nước thải của các cơ sở sửa chữa, bảo quản, nhuộm đen vũ khí,v.v… được Phân viện áp dụng công nghệ tổng hợp hóa sinh để xử lý.

Phân viện đã áp dụng công nghệ vi sinh xử lý nước thải nhiễm dầu; sử dụng thực vật bậc cao và chế phẩm sinh học để xử lý khử độc cho đất bị nhiễm thuốc nổ. Đặc biệt đã dùng cây họ cói vào quy trình công nghệ, hệ thống xử lý nước thải bị nhiễm các loại thuốc nổ.

Bên cạnh đó, Phân viện triển khai thực hiện khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 62 cơ sở sản xuất quốc phòng và bảo đảm kỹ thuật thuộc các tổng cục: Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Hậu cần; các quân chủng: Phòng không-Không quân, Hải quân và Binh chủng Tăng-Thiết giáp. Hiện nay, Phân viện cùng với các đơn vị trong và ngoài quân đội đang triển khai khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương pháp xử lý môi trường cho 20 dự án xây dựng đường tuần tra biên giới.

Phân viện đang triển khai thử nghiệm công nghệ xử lý làm sạch đất bị nhiễm một số hợp chất clo hữu cơ bằng mùn trồng nấm trên cơ sở Nghị định thư ký giữa Chính phủ nước ta với Chính phủ Nhật Bản. Chương trình hợp tác này thực hiện trong giai đoạn 2006-2008, đến nay đã tìm ra được họ nấm bản địa có khả năng xử lý chất độc rất tốt, phù hợp với điều kiện nước ta.

Gần đây, Phân viện hợp tác với các nhà khoa học Trường đại học Munich (Đức) ứng dụng chế phẩm sinh học của bạn và chế phẩm của Phân viện nghiên cứu để xử lý chất độc hóa học. Ưu điểm của việc xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học với các chế phẩm phù hợp vừa làm sạch môi trường, vừa cải tạo được đất để canh tác, trồng trọt. Đây là giải pháp tích cực, trở thành một trong những hướng nghiên cứu mới để các nhà khoa học quân đội triển khai thực hiện và ứng dụng xử lý môi trường hiệu quả hơn.