Quán ăn xung quanh bệnh viện: Bài toán chưa có lời giải

Bộ Y tế lo ngại tình trạng người lành mang vi trùng không có biểu hiện sẽ là nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Nếu người dân không có ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình, phòng tránh dịch bệnh bằng cách ăn uống hợp vệ sinh thì nguy cơ dịch bùng phát là không thể tránh khỏi. Trong khi các quán ăn xung quanh bệnh viện (BV) có thể là nguyên nhân khiến người khỏe nhiễm bệnh thì sự tồn tại của nó không khác nào hiểm họa được báo trước.

Nhân viên trong BV cũng ăn

TS.BS Nguyễn Duy Thắng – Phó Giám đốc BV Nông nghiệp cho biết: “BV có căng tin phục vụ cán bộ công nhân viên, bệnh nhân (BN) và người nhà BN. Thức ăn ở đây đảm bảo vệ sinh và chưa xảy ra nguồn dịch cũng như ngộ độc thực phẩm. Song với quy mô nhỏ như hiện nay căng tin của BV Nông nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu phục vụ cho người dân cũng như cán bộ của BV.

Chính vì vậy hàng ngày một số bác sĩ, y tá vẫn ăn ở các quán ăn bên ngoài, thậm chí nếu trực ca đêm họ vẫn thường xuyên ra ngoài ăn vì căng tin BV chỉ làm việc đến 21h”.

Một y tá BV Nông nghiệp tâm sự: “Hàng ngày BV phải tiếp đón hàng trăm, nghìn lượt BN khám, chữa bệnh, tâm lý của bác sĩ, y tá thường muốn làm cố cho xong vì thế kết thúc công việc muộn là chuyện thường.

Nhiều hôm, xong việc nhìn đồng hồ, đã quá giờ ăn trưa, chạy ra căng tin BV thì chẳng còn gì. Chẳng còn cách nào khác là ra ngoài ăn. Không ai dám chắc các quán ăn này có đảm bảo vệ sinh không nhưng “khuất mắt trông coi thôi!”.

Lệch thời gian do công việc, muốn thay đổi không khí, hay có thể ăn những món ăn khác với thực đơn ở căng tin BV,… là lý do nhiều bác sĩ, y tá ăn ở bên ngoài.

Nói cho cùng những quán ăn này phục vụ một phần nhân viên y tế không phải vì chất lượng mà vì đôi khi họ cũng không còn sự chọn lựa nào khác…

Cần có sự phối hợp

Theo Sở Y tế Hà Nội, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và đảm bảo sức khỏe cộng đồng tại các BV như: Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ Sản, Sở Y tế đã nghiêm cấm tình trạng bán hàng rong, thức ăn đường phố xung quanh khu vực trước cửa các BV này.

Tuy vậy, các quán ăn phía ngoài BV phần lớn do địa phương quản lý, BV chỉ quản lý những hàng quán bày bán nằm trong phạm vi BV.

Song, được biết hầu hết những cửa hàng ăn này đã tồn tại bên ngoài một số BV nhiều năm nay nhưng không hiểu vì lý do gì những hàng quán này vẫn được phép kinh doanh?!

Lý giải cho thực tế trên, bà Trần Thị Tố Tâm – Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết: “Thời gian gần đây phường cùng với Trạm Y tế cũng đã cho kiểm tra và giao cho Công an phường xử lý một số trường hợp vi phạm không đảm bảo VSATTP ở những cửa hàng ăn uống ở dốc BV Phụ Sản”.

Bên cạnh đó, phường cũng đã phát cam kết và làm những thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với các hộ kinh doanh và thông báo tới các hộ này cần thực hiện theo 10 tiêu chí đảm bảo VSATTP.

Nếu các hộ kinh doanh đủ điều kiện sẽ được tiếp tục kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Hiện Trạm Y tế phường đang thụ lý hồ sơ trình lên phường với những hộ có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận kinh doanh.

Còn với những hộ không đủ điều kiện phường sẽ sớm ra quyết định đình chỉ, sau đó, giao cho Công an phường giám sát việc thực hiện quyết định.

Nhưng trên thực tế khi cho đình chỉ kinh doanh thì các hộ chỉ cho đóng cửa 1, 2 ngày, do sau đó không có lực lượng kiểm tra liên tục hoặc chuyển qua địa bàn khác các hộ này lại tiếp tục kinh doanh.

Do địa bàn phường khá rộng, tập trung hơn 300 hộ kinh doanh thức ăn đường phố vì vậy cứ dẹp xong khu vực này thì khu vực khác lại bung ra nên lực lượng kiểm tra, xử lý của phường phải quay vòng liên tục.

Bà Tâm cũng cho biết: “Khi phường kiểm tra bằng test thử nhanh đối với bát đũa tại những cửa hàng này thì 50% là không đạt tiêu chuẩn. Trong thời gian tới, ngoài công tác kiểm tra, phường sẽ cho đóng chốt để làm mạnh và xử lý kiên quyết hơn nữa với những trường hợp vi phạm về VSATTP”.

Với tình hình này nếu các cơ quan chức năng không cùng nhau phối hợp để xử lý một cách dứt điểm những hàng ăn không đảm bảo vệ sinh thì e rằng cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.