Mai này còn có thổ cẩm người Hre

So với các dân tộc thiểu số khác ở Quảng Ngãi thì đời sống văn hóa tinh thần của người Hre rất phong phú và đa dạng. Trong đó phải kể đến nghề dệt thổ cẩm. Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ là nơi duy nhất của người Hre ở Quảng Ngãi còn giữ được nghề truyền thống độc đáo này. Tuy nhiên, làng nghề này đang bị mai một nếu như không có những giải pháp để bảo tồn.

Độc đáo một làng nghề

Con đường về làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ được thảm nhựa phẳng lì nên chẳng mấy chốc từ ngã ba nối với quốc lộ 24 đã đến làng nghề dệt thổ cẩm duy nhất còn sót lại của người Hre ở Quảng Ngãi. Làng Teng có hơn 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc Hre. Nhiều người ở đây cho hay, nếu như trước đây nhà nào cũng có khung dệt gác ở đầu “tra” nhà sàn thì bây giờ chỉ còn vài ba nhà còn giữ được nghề.

Bà Phạm Thị Đóa vừa dệt xong chiếc katu (hay còn gọi là váy) với những họa tiết hoa văn rất đẹp. Bà kể, ngày xưa khi xong mùa lúa rẫy, lúa mang vào nhà kho thì phụ nữ của làng, từ già đến trẻ bắt tay vào dệt thổ cẩm. Theo bà thì làng nghề này không biết có từ bao giờ, nhưng khi bà còn nhỏ đã được học nghề này. Sản phẩm của làng nghề đủ loại: từ váy, khố (kapen) tấm địu con (katănh), khăn đội đầu (mul), dây đeo (sipăh) đến khăn trầu cau, lễ vật (tagóh), mền đắp (veixan)…

Trong những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới của người Hre ngoài cồng chiêng, rượu cần thì không thể thiếu những trang phục truyền thống được làm tại đây. Bà Phạm Thị Đóa cho biết, trước kia, nguyên liệu để dệt thổ cẩm người ta lấy từ cây bông đem về phơi nắng cho cánh nở bung, sau đó đánh tơi xốp rồi kéo thành sợi. Người Hre thích 2 màu đỏ và đen, vì vậy trang phục của họ thường có 2 màu sắc này. Trước kia thổ cẩm của người Hre được dệt bằng chất liệu vỏ cây kéo thành sợi. Ngày nay, chất liệu dệt thổ cẩm đã được pha chế các loại chỉ thông thường.

Hoa văn được thể hiện trên những tấm thổ cẩm của người Hre rất đa dạng phong phú. Đó là hoa văn biểu hiện sự gần gũi với con người như mây trời, sông suối, núi rừng, nương rẫy, hàng rào… Ở những tấm choàng, tấm địu trẻ nhỏ, váy phụ nữ… hoa văn có mô típ hình học như hình thoi, hình quả trám, hình chữ nhật, hình vuông… tạo thành những ô nối tiếp nhau; hoặc hoa văn đường thẳng, đường lượn sóng… tạo nên hình dáng cách điệu con sông, con suối; hay hoa văn có hình giống các loài vật như mỏ gà, mũi tên bay, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây…

Nghệ thuật dệt hoa văn này độc đáo ở chỗ là phương pháp kỹ thuật dệt cài hoa văn, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải. Không như các tộc người anh em khác, các họa tiết hoa văn của người Hre rất khiêm nhường, lặng lẽ; các gam màu hòa sắc chung với các màu khác không rực rỡ phô trương. Tuy nhiên, ngày nay những loại hình hoa văn được đồng bào người Hre thể hiện cũng đơn điệu dần.

Theo bà Phạm Thị Nhĩ, một nghệ nhân dệt thổ cẩm ở làng Teng cho biết, để dệt 1 tấm thổ cẩm hoàn chỉnh người thợ thủ công phải tốn thời gian khoảng nửa tháng, có khi lâu hơn tùy theo kích thước của tấm thổ cẩm. Để làm ra 1 tấm thổ cẩm rất công phu, tỉ mỉ, nhưng giá trị về kinh tế không cao, tiền công còn thấp, không bằng đi rừng và làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Có lẽ vì thế mà lớp trẻ bây giờ không muốn học nghề này. Bà Nhĩ năm nay đã bước sang tuổi 75, nhưng đã ngồi vào khung dệt từ lúc 13 – 15 tuổi. Đến nay, bà cũng còn miệt mài bên khung dệt.

Mai một thổ cẩm Hre

Về làng Teng lần này không khỏi chạnh lòng chỉ thấy những phụ nữ luống tuổi ngồi bên khung dệt. Bà Phạm Thị Thau nói: “Bây giờ lũ “con yên-xăng éo (con gái con trai) có đứa nào thích mặc càtu, kapen nữa đâu, chúng nó thích mặc quần tây, quần jean”. Được biết, sản phẩm thổ cẩm của làng Teng được trao đổi mua bán ở các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và các huyện Cam Lông (Kon Tum), An Lão (Bình Định).

Hỏi bà về việc truyền nghề cho lớp trẻ. Bà Thau không trả lời, tay vẫn thoăn thoắt trên khung dệt, mắt bà nhìn về một cõi xa xăm. Một lúc lâu, bà nói: “Lúc trước có mấy đứa trẻ theo học nghề nhưng chúng nó không thích lắm nên làm nghề này chỉ có mấy người già thôi”. Nghe bà nói mà cảm thấy lo lắng về làng nghề dệt thổ cẩm duy nhất của dân tộc thiểu số Hre ở Quảng Ngãi rồi sẽ bị mai một cùng chung số phận với những làng nghề khác của Quảng Ngãi như đúc đồng Chú Tượng (Mộ Đức), gốm Mỹ Thiện (Bình Sơn), nón lá chợ Đình (Sơn Tịnh)… những sản phẩm của các làng nghề này đã vang bóng một thời.

Hy vọng trong một tương lai không xa, làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ trở thành điểm du lịch nằm trong tour du lịch phía Nam của tỉnh. Sau khi rời trung tâm thành phố Quảng Ngãi thăm nhà lưu niệm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến bãi biển Sa Huỳnh thơ mộng thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ngược lên miền sơn cước thăm Bảo tàng Ba Tơ, du khách không thể không dừng chân ở làng Teng để xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Lúc đó, sản phẩm thổ cẩm của làng trở thành hàng lưu niệm mang đậm tính văn hóa. Vì vậy việc khôi phục làng nghề là việc làm dù muộn nhưng còn hơn không.