Điều đơn giản tưởng như ai cũng biết lại hóa ra hầu như là sai. Đuôi công rực rỡ mà ta vẫn thấy lâu nay không phải là cái đuôi thực sự của nó.
Chiếc đuôi thực sự của con công đực khá nhỏ và chả có gì đặc biệt cả. Còn cái đuôi to dài lòe loẹt mà ta thấy lại là những sợi lông nằm trên lưng. Để tránh nhầm lẫm này, các nhà điểu học gọi nó là “train” – nghĩa là vạt áo choàng.
“Vạt áo choàng” có thể có đường kính đến 2 mét (không tồi với con chim chỉ dài khoảng 1 mét).
Mỗi sợi lông xanh ngọc rực rỡ này mang một con mắt óng ánh. Chùm lông sẽ mọc lên trong mùa thu và mùa đông, và rụng đi hàng năm trong mùa hè.
Thoạt nhìn, có vẻ như bộ cánh sặc sỡ này là một công cụ quảng cáo tình dục cổ điển của con đực. Nhưng qua thời gian, các số liệu đã không phù hợp với hình dung đơn giản này.
Thứ nhất, công đực thường xòe đuôi sau khi con cái đã bắt đầu chấp nhận sự ve vãn, chứ không phải từ trước đó. Trong khi theo lý thuyết, quảng cáo phải được thực hiện từ trước khi nàng đồng ý.
Thứ hai, trong nhiều năm, người ta vẫn tranh cãi về mối liên quan giữa chiếc đuôi lộng lẫy này và khả năng giao phối thành công của con đực. Cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí chung.
Phải chăng độ dài, đường kính của các mắt trên sợi lông, số lượng mắt, hay tần số của các sợi, hay hình thái của đuôi công… là yếu tố quyết định đến sự thành công của cái đuôi này? Câu hỏi vẫn còn chưa được giải đáp.
Ngoài ra, một thực tế là không có sự khác biệt lớn lắm giữa vạt áo choàng của các con công đực trong những quần thể khác nhau. Vì thế, với một con cái tiềm năng, vạt áo choàng của anh chàng này cũng tốt như của anh chàng khác.
Cuối cùng, chất lượng của vạt áo choàng không phản ánh chính xác điều kiện sức khỏe và bộ gene của chàng công đực, vì thế biến nó thành một công cụ quảng cáo tình dục sai lầm.
Những điều trên có thể khiến chúng ta giả thuyết rằng chiếc đuôi công có thể một thời là công cụ quảng cáo có ý nghĩa, nhưng nay đã trở nên lỗi thời.