Rừng Tây Nguyên bị phá vì không nhận diện được kẻ cầm đầu

Một trong những thủ đoạn phá rừng trái pháp luật gần đây là những kẻ cầm đầu không lộ mặt mà thuê người dân địa phương trực tiếp phá rừng. Do các đối tượng này khó nhận diện nên hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu.

Khó xử phạt vi phạm hành chính

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững các tỉnh Tây Nguyên năm 2019 và 5 tháng năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2019 số vụ vi phạm rừng tại Tây Nguyên giảm gần 4%, nhưng trong 5 tháng đầu năm 2020, đã phát hiện 417 vụ, tăng 57 vụ (15,83%).

Dân di cư dự do phá rừng lấy đất sản xuất, lập bom sinh sống tại Đắk Nông. Ảnh: Hữu Long

Điều trớ trêu là, trên thực tế, rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, lại tập trung ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT), hình thức phá rừng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới; sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh).

Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng, các đối tượng này khó nhận diện nên hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được các đối tượng cầm đầu thuê người dân phá rừng trái pháp luật. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi còn nhiều tài nguyên rừng.

Ngoài nạn phá rừng, tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, tổng số vụ vi phạm là 2.764 vụ, trong đó năm 2019 là 2.122 vụ và 5 tháng đầu năm 2020 là 642 vụ.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên

Theo Bộ NNPTNT, cần cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Tây Nguyên. Trong đó, đối với cấp xã cần cân đối và cấp đủ kinh phí cho chính quyền cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, giao rừng gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước theo đúng quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8.2.2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Nạn chặt phá rừng tại Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Long

Tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng; có cơ chế huy động, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng.

Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng.

Bên cạnh đó, để giảm áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các địa phương cần xây dựng chính sách để ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh trước năm 2025.

Mặt khác, cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững các công ty lâm nghiệp…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng vi phạm về rừng tại Tây Nguyên vẫn tổn tại một phần do áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến, dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác rất lớn, một số hộ dân có đời sống gặp nhiều khó khăn, sinh kế chủ yếu là khai thác lợi dụng tài nguyên rừng, đất rừng.