Gần 400ha rừng tự nhiên “biến mất”, chính quyền không biết

ThienNhien.Net – Trong khi chờ đợi giao 400ha đất rừng tự nhiên tại xã Đồng Lâm, được cắt ra từ Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng thuộc huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) cho người dân để phát triển kinh tế thì gần như toàn bộ những cánh rừng biến mất trước… sự ngỡ ngàng của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng.

Không những vậy, hàng trăm hecta đất chưa kịp giao cho dân thì đã có rất nhiều đối tượng “nhảy dù” lấn chiếm, trồng cây. Ở nhiều khu vực, rừng đã có chủ, còn chủ là ai thì huyện Hoành Bồ cho biết đang kiểm tra lại.

Ai phá rừng?

Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của UBND tỉnh Quảng Ninh, cuối năm 2013, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (BQL Khu BTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng) đã bàn giao khoảng 400ha đất rừng tự nhiên, tại tiểu khu 77A, thôn Đồng Quặng (xã Đồng Lâm) cho UBND huyện Hoành Bồ.

Ông Ngô Quang Tuân (BQL Khu BTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng) cho biết, tại thời điểm trên, rừng gồm nhiều khu vực, có cả rừng nghèo và rừng trung bình. Theo người dân địa phương, thời điểm chuyển giao từ rừng bảo tồn thành rừng sản xuất cho huyện Hoành Bồ, khu rừng này gồm những quần thể cây gỗ táu, dẻ, sến…. khá lớn.

Ngày 18.11.2015, chúng tôi theo những người dân thôn Đồng Quặng vượt núi, băng rừng lên “điểm nóng” – tiểu khu 77A. Ngay cửa rừng vẫn còn sót lại chiếc lều, mà theo người dân, là của lâm tặc, cùng những bộ nồi niêu, bát đĩa. Không còn bóng dáng cây nào đáng giá của khu rừng tự nhiên vốn xanh ngắt; thay vào đó là những cây keo mới trồng, nhưng không thể phủ lấp kịp vô số những gốc cây mới bị đốn hạ. Có những ngọn đồi nhuốm cả một màu đen xám xịt do sau khi cây bị đốn hạ.

 Tan hoang rừng Đồng Quặng.
Tan hoang rừng Đồng Quặng

Chúng tôi thử đo: Có những gốc cây có đường kính lên tới 70-80cm. Một người dân chém mạnh chiếc dao quắm vào những thân cây, nghe chắc nịch – cho thấy: Không phải là những cây gỗ mục như giải thích một số nhà chức trách. Theo người dân, cuối năm 2014, đầu năm 2015, trong những lần đi chăn trâu, tìm kiếm cây thuốc rừng, chứng kiến từng đoàn người lạ mặt ngày đêm đốn hạ cây rừng, tìm hiểu thì được biết, rừng đã được chuyển cho huyện để giao cho dân phát triển kinh tế. Ngay lập tức, một số người dân ở thôn Đồng Quặng đã gửi đơn thư lên xã, huyện, tố cáo về việc chặt phá rừng trái phép.

Theo ông Triệu Đức Huyện (thôn Đồng Quặng), bà con gửi rất nhiều đơn thư nhưng chưa một lần hồi âm; đổi lại, thỉnh thoảng nhận được những cú điện thoại đe dọa. Không chịu thua, ông gửi đơn lên UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng tỉnh lại chuyển đơn về huyện. Cuối cùng, huyện cùng các đơn vị chức năng cũng vào cuộc, nhưng cứ vào rừng thì lâm tặc ngừng tay và vừa đi khỏi thì rừng lại trở thành đại công trường cưa xẻ.

Theo ông Bàn Văn Hương – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm – chính quyền và các lực lượng chức năng kiểm tra nhiều lần nhưng không tìm ra ai là thủ phạm phá rừng; còn người dân nói, lần nào vào chăn trâu cũng nhìn thấy lâm tặc. Thư đến thư đi, kiểm tra hết lần này tới lần khác, để đến giờ rừng gần như bị xóa sổ hoàn toàn.

Ai chiếm đất?

Trong khi việc hạ sát hàng trăm hecta rừng chưa được xử lý thì lại xảy ra chuyện hàng trăm hecta rừng bị lấn chiếm trái phép. Mặc dù BQL Khu BTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng đã chuyển giao đất rừng cho huyện Hoành Bồ từ cuối năm 2013, nhưng đến nay huyện này vẫn chưa chính thức giao đất cho dân. Thế nhưng, trên những cánh rừng cây bị đốn hạ đã mọc lên những rừng keo cao khoảng 1m.

Tan hoang rừng Đồng Quặng
Tan hoang rừng Đồng Quặng

Cả xã và huyện đều thừa nhận có chuyện này, nhưng cũng như việc phá rừng, chính quyền đều không tìm được thủ phạm. Trong đơn thư khiếu nại, người dân tố giác người nhà một số cán bộ xã phá rừng, chiếm đất, nhưng theo UBND huyện, người dân không cung cấp được bằng chứng nên sẽ điều tra, xử lý sau.

Thực ra, việc tìm ra ai lấn chiếm rừng trái phép là không khó, bởi đất và cây còn nguyên đó. Vấn đề đặt ra, tại sao nhận 400ha đất rừng về từ cuối năm 2013, nhưng đến nay, UBND huyện Hoành Bồ vẫn chưa chịu giao đất cho người dân để phát triển sản xuất?.

Điều lạ, việc thu hồi lại không áp dụng đối với một số đối tượng có “máu mặt” như dân tố cáo, mà chỉ nhằm vào dân thường. Trước sự việc đã rồi, ngày 10.11.2015, UBND xã Đồng Lâm mới lập danh sách 58 hộ – trong đó phần lớn là các hộ chiếm rừng trái phép – đủ điều kiện nhận đất rừng trình UBND huyện Hoành Bồ, với tổng diện tích trên 169ha.

Tuy nhiên, thêm một vấn đề cần làm rõ ở đây, liên quan đến tổng diện tích đất rừng được chuyển giao từ BQL Khu BTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng. Theo ông Triệu Văn Huyện, huyện nói 240ha, nhưng xã khẳng định chỉ có khoảng 180ha. Trong khi đó, theo Giám đốc BQL Khu BTTN Đồng Sơn – Kỳ Thượng, diện tích đất rừng đơn vị này chuyển giao cho Hoành Bồ tại tiểu khu 77A, Đồng Quang là khoảng 400ha. Có lẽ, cần một cuộc thanh-kiểm tra toàn diện xem ai đã phá rừng, chiếm đất rừng trái phép; diện tích rừng là bao nhiêu, để phân chia công bằng cho dân, theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh là, giao đất, giao rừng cho người dân phục vụ sản xuất, ổn định đời sống.