“Chảy máu” cây thuốc nam (Kỳ 1)

ThienNhien.Net – Cây thuốc nam (cây dược liệu) ở khắp các vùng đồi núi cao của nước ta đâu cũng có, nhưng nếu nói về số lượng và chất lượng có lẽ chẳng nơi nào sánh được với Cao Bằng. Tuy nhiên, 20 năm qua tình trạng “chảy máu” cây thuốc nam đã khiến nhiều loại cây biến mất khỏi núi rừng nơi đây.

Tiềm năng lớn về cây dược liệu

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều đồi núi cao, rất thuận tiện cho cây thuốc nam phát triển, vì thế chúng ta có nguồn dược liệu tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Trong cuốn “Từ điển cây thuốc nam Việt Nam” của Tiến sỹ Võ Văn Chi, năm 1997 nước ta đã ghi nhận 2.300 loài cây thuốc. Tính đến thời điểm này Viện dược liệu Việt Nam đã phát hiện và sử dụng hơn 4.000 loại cây thuốc, thuộc gần 300 họ thực vật, phần lớn là những cây mọc tự nhiên hoang dã.

Theo kết quả điều tra cơ bản về cây thuốc ở Cao Bằng, từ năm 1969 – 1973 đã phát hiện và đưa vào sử dụng trên 617 cây thuốc thuộc 211 họ thực vật. Trong đó có nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, công dụng y học và có giá trị cao về kinh tế. 

Hầu hết cây thuốc quý phân bố ở tất cả các huyện thị thuộc tỉnh Cao Bằng nhưng nhiều nhất là ở các huyện Thông Nông, Bảo Lâm, Hà Quảng, Nguyên Bình… vì điều kiện khí hậu cùng thổ nhưỡng phù hợp để cây thuốc sinh trưởng và phát triển.

Đặc biệt, với hơn 800 thày thuốc đông y, chưa kể trong nhân dân còn rất nhiều người biết sử dụng cây thuốc để chữa bệnh, đây cũng là một lợi thế lớn để tỉnh Cao Bằng khai thác nguồn cây thuốc trên địa bàn. Từ hệ thống lương y hoạt động trong thôn bản, nhiều căn bệnh đã được chữa khỏi bằng cây dược liệu tự nhiên. Những bài thuốc đó được truyền từ đời này sang đời khác tạo nên một kho tàng kiến thức bản địa về sử dụng cây rừng làm thuốc.

Tuy nhiên, hiện nay địa bàn tỉnh Cao Bằng đã trở thành “điểm nóng” về tình trạng người dân địa phương vào rừng lấy cây thuốc đem bán khiến nhiều loại gần như biến mất tại vùng đất giàu tiềm năng về cây thuốc này.

 
 Cây thuốc được người dân gánh đi bán tại trung tâm thị trấn huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng

Cây thuốc ào ào vượt biên.

Nhiều người dân Cao Bằng khi được hỏi về cây dược liệu, đều lắc đầu ngao ngán: “Trước đây cây thuốc nam ở đâu cũng có, bước ra khỏi nhà vài bước là lấy đủ một thang thuốc về chữa bệnh. Bây giờ Trung Quốc thu mua với giá cao, một số bộ phận bà con mình thấy kiếm được lời thì thi nhau lên rừng tìm kiếm, chặt cả cây, nhổ tận gốc rễ nhiều loại đem về bán tại một số điểm thu mua. Rồi tất cả sẽ được vận chuyển sang Trung Quốc, không biết họ mua gì mà nhiều thế?”.

Có mặt tại trung tâm thị trấn huyện Thông Nông (Cao Bằng) vào những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi được biết đây là khoảng thời gian nông nhàn nên người dân lên rừng tìm cây thuốc đem bán nhiều nhất. Hầu như hôm nào ở chợ xã, thị trấn cũng có người gánh, vác cây thuốc xuống bán; ở một số trung tâm xã thì hình thành nhiều điểm thua mua tập kết, khi nào chất đủ xe tải sẽ được vận chuyển vượt biên sang Trung Quốc.

Hàng chục năm nay tình trạng đó diễn ra triền miên như vậy, trung bình mỗi tháng trên địa bàn huyện Thông Nông có khoảng 2 – 3 chuyến xe tải chở đầy cây thuốc chưa qua chế biến sang Trung Quốc tiêu thụ.

Một lãnh đạo Hội Đông y tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện nay một số loại cây thuốc đã bị khai thác cạn kiệt như: Thất diệp nhất chi hoa (bảy lá một hoa), giảo cổ lam, hoàng đằng, ba kích, hà thủ ô, Thanh thiên quỳ… với hình thức khai thác chủ yếu là lấy cả cây, lá, củ, vỏ; thậm chí nhiều loại còn bị nhổ cả rễ, cây nào mà các thương buôn đặt mua là cây đó đang dần bị cạn kiệt.

Qua tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, không riêng gì huyện Thông Nông mà tại một số huyện khác như Phục Hòa, Thạch An, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hà Quảng… cũng xảy ra tình trạng người dân đổ xô lên rừng tìm cây thuốc đem bán và có rất nhiều điểm thu mua cây thuốc ở các tuyến xã.

 
 Một điểm thu mua cây thuốc tại xã Thanh Long, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng

Theo ông Hoàng Văn Bé, chủ tịch Hội Đông Y Cao Bằng, mỗi tháng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có hàng chục tấn cây thuốc được bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu và một số ít được người dân vận chuyển qua đường tiểu ngạch. 

Chi cục kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cho biết, cây thuốc là loại lâm sản phụ và chiểu theo quy định hiện hành thì việc khai thác các loại lâm sản phụ thuộc phạm vi thẩm quyền của các chủ rừng, còn việc mua bán, xuất khẩu các loại lâm sản phụ trên địa bàn tỉnh về nguồn gốc cơ bản là hợp pháp, đều có xác nhận nguồn gốc và chủng loại, có nộp thuế tài nguyên theo quy định.

Đối với lâm sản phụ thuộc loại quý hiếm cấm không được khai thác phục vụ mục đích thương mại quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ–CP của chính phủ cho đến tháng 5/2010 Cao Bằng chưa phát hiện vụ nào được mua bán, vận chuyển qua biên giới. Còn việc khai thác và trao đổi tại địa phương gần như chưa quản lý thống kê được.

Vậy nên, mấy chục năm qua nguồn tài nguyên cây thuốc ở tỉnh Cao Bằng cứ ào ào tràn qua biên giới mà chưa có ngành chức năng nào đủ thẩm quyền xử lý. Và hiện nay khi một số loại đã cạn kiệt các ngành chức năng tỉnh mới vào cuộc để tìm cách bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên quý giá này. Liệu bây giờ có muộn?