Làng lụa Vạn Phúc (Hà Tây): Ô nhiễm nặng, đe dọa tính mạng người dân

Ở làng lụa Vạn Phúc bây giờ, bên cạnh sự giàu lên của nhiều gia đình, thì môi trường và những căn bệnh hiểm nghèo bắt đầu trở thành nỗi lo của không ít người dân nơi đây.

Nguyên liệu hóa chất là chủ yếu

Ngày trước, các nghệ nhân của làng nghề thường dùng thuốc nhuộm màu hay tẩy trắng cho lụa là những nguồn nguyên liệu dân gian được lấy từ thực vật, lá cây hay các loại hoa, quả. Giờ đây người ta đã sử dụng hóa chất vào việc này.

Làng Vạn Phúc hiện có trên 700 cơ sở tham gia sản xuất lụa, trong đó hơn 22 cơ sở làm công việc nhuộm và tẩy rửa lụa chịu trách nhiệm tẩy, nhuộm cho toàn bộ số lụa của làng Vạn Phúc sản xuất ra mỗi ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, cứ mỗi kilôgam lụa thành phẩm phải mất tới 30 lít nước tẩy rửa, số hóa chất được đưa vào phục vụ cho quá trình nhuộm tạo màu cho lụa luôn chiếm một tỷ lệ cao, cứ 10kg lụa phải mất tới 300g hóa chất nhuộm. Tất cả khi sử dụng xong đều được thải trực tiếp ra môi trường, hoàn toàn không qua khâu xử lý chất thải.

Theo số liệu Hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc đưa ra thì mỗi năm các cơ sở của địa phương này sản xuất khoảng trên 2 triệu mét khối lụa, với số lượng hàng trăm ngàn kilôgam lụa. Tính ra, để tẩy và làm màu cho toàn bộ số lụa này thì phải dùng tới hàng trăm kilôgam hóa chất.

Sự ô nhiễm trầm trọng đang bao trùm toàn hệ thống kênh, mương tại đây. Chỉ trong vài giờ đồng hồ buổi sáng, con mương dẫn nước thải chủ lực của Vạn Phúc liên tục đổi màu hết xanh, đỏ rồi lại chuyển qua những màu tím tái kinh sợ.

Bà Nguyễn Thị Toàn, một người dân sống ở đây nói: “Ngày nào chẳng thế, vào ngày nắng gắt thì không chỉ đổi màu như vậy đâu mà còn xông mùi không thể thở nổi”. Bà Toàn cũng cho biết thêm, chỉ từ cuối năm ngoái thì hệ thống rãnh thoát nước của cả làng mới được đậy nắp, trước đó thì hoàn toàn để trần.

Vào những ngày mưa to cả làng ai muốn đi ra đường đều phải lội trên những con đường đầy váng hóa chất, loang lổ những phẩm màu.

Tính mạng người dân đang bị đe dọa

Theo kết quả xét nghiệm của Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, cho thấy mẫu nước ngầm của địa phương này bị nhiễm quá nhiều các thành phần hóa chất. Trong đó nhiều nhất là các chất như N2CO3, CH3COOH, H2S, Na2S. Tất cả các thành phần này đã nhiễm xuống nguồn nước ăn của bà con, căn nguyên chính cũng chỉ do quá trình sản xuất lụa, đặc biệt là khâu tẩy và nhuộm lụa.

Chị Nguyễn Thị Hòa, cán bộ Trạm Y tế của địa phương cho biết: “Ngoài những người mắc phải các căn bệnh về đường hô hấp, mắt, viêm mũi, viêm xoang thì những người mắc phải các căn bệnh và tử vong do ung thư mà được trạm Y tế của địa phương biết tới thì trong vài năm trở lại đây khá cao”.

Trong năm 2007, đã có cả gần chục ca tử vong do mắc phải căn bệnh này. Phần lớn những người chết tuổi trung bình từ 32 – 40, chiếm tới 60% số ca tử vong của Vạn Phúc.

Phẩm màu và hóa chất đã giúp những thợ lụa nơi đây cho ra thị trường những thước lụa không mất quá nhiều công sức. Song, khi khâu xử lý nước thải chưa được đảm bảo thì chính sự “đi tắt” kiểu này trong quá trình sản xuất lụa đã đe dọa tới cả tính mạng của những người dân nơi đây.

Nhiều gia đình sau cái chết của người thân được xác định là ung thư do có liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại, nay đã quyết định bỏ nghề làm lụa.

Nhiều người dân còn cho biết, đã 10 năm nay lãnh đạo địa phương đưa ra những ý kiến về quy hoạch làng nghề và những giải pháp chống ô nhiễm. Song giờ phút này vẫn chưa đi tới đâu. Và hiện nay các cơ sở sản xuất lụa vẫn ngày ngày vô tư xả nước thải có chứa phẩm màu, hóa chất xuống những mương, rãnh quanh làng.