Cà Mau: Nhận thức cho văn minh đô thị

ThienNhien.Net – Xây dựng, phát triển thành phố Cà Mau – thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị vùng là Chương trình hành động của Uỷ ban nhân dân tỉnh để xây dựng và phát triển đô thị thành phố Cà Mau. Sau sáu năm thực hiện, Đề án văn hoá đô thị và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/11/2003 của Tỉnh uỷ về “xây dựng và phát triển thành phố Cà Mau đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, đời sống văn hoá của nhân dân thành phố Cà Mau đã có những chuyển biến rõ nét.


Điều kiện cơ sở vật chất là tiền đề để phát triển các thiết chế văn hoá, tạo sự giao thương hàng hoá, giao lưu văn hoá các vùng miền, thuận lợi trong đi lại, học hành, làm việc. Bộ mặt phố phường đã khang trang hơn, hệ thống giao thông nối liền các xã, phường; chợ trung tâm, trường học, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân.

Là một đô thị trẻ, Cà Mau đã có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp, đô thị; đối với nhu cầu tìm việc làm cho lao động đến từ nhiều địa phương trong cả nước; là nhu cầu học tập của thanh niên, học sinh với hàng chục trường Cao đẳng, Trung cấp, cơ sở dạy nghề, trường phổ thông… Điều đó đã tạo áp lực lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động văn hoá đáp ứng nhu cầu của thanh niên, sinh viên, công nhân; đối với việc gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng.

Xây dựng đời sống văn hoá là một quá trình vận động mang tính lâu dài, toàn diện và là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì thế không phải một sớm, một chiều mà có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Bởi xét cho cùng đó chính là cuộc vận động vì con người, cho con người, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Kết quả đó bắt đầu từ nhận thức của mỗi người đối với các tiêu chí gia đình, ấp, khóm văn hoá.

Theo tiêu chí của Đề án văn hoá đô thị thành phố Cà Mau đến năm 2010 thì đến thời điểm này, nhiều tiêu chí đã đạt và vượt như: thu nhập bình quân đầu người, GDP, tổng thu ngân sách trên địa bàn, tỷ lệ hộ nghèo…Đến nay, toàn thành phố có 92,06% gia đình, 97,43% ấp, khóm, 80% xã, phường đạt chuẩn văn hoá. Có 5 trường đạt chuẩn quốc gia và 12 /15 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. 99,8% hộ dân có điện sử dụng; hộ nghèo chỉ còn 3,01%. Nhân dân có ý thức tự giác tham gia bảo vệ môi trường, hàng năm ngân sách và nhân dân đã đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác thu gom và xử lý rác thải, trồng cây xanh ở các tuyến đường, khu vực cơ quan, công viên, trường học và khu dân cư. Các Trung tâm văn hoá thể thao thành phố và các xã, phường đang được tích cực triển khai xây dựng, đã có 60 trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, khóm xây dựng cơ bản.

Kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân thành phố Cà Mau. Với xuất phát điểm rất thấp nhưng sự phát triển đó đã tạo nên động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả tỉnh. Tuy nhiên, loại trừ những yếu tố khách quan và bình tâm nhìn lại, chúng ta vẫn chưa an tâm với những chỉ số về văn hoá đã đạt được, vẫn còn yếu tố chưa bền vững.

Trong công tác xây dựng đời sống văn hoá, điều đầu tiên là tạo sự chuyển biến về nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi cá nhân. Sự nhận thức đó có được do trình độ dân trí, do sự tích cực tuyên truyền, vận động, do tác động của hoàn cảnh chung quanh. Như trong vấn đề vệ sinh môi trường, không thể rầm rộ ra quân dọn vệ sinh trên các tuyến đường, vớt rác trên sông, thu gom rác tại các công trình công cộng…để rồi sau chiến dịch, mọi việc trở về như cũ, rác vẫn đầy các bến sông, ven chợ, trên các tuyến đường, các công trình công cộng…Vấn đề ở đây là làm sao để mọi người ý thức được rằng việc xả rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, lây lan dịch bệnh, mất mỹ quan đô thị; việc cất nhà vệ sinh trên sông rạch, để cỏ rác um tùm quanh nhà là mầm mống của dịch sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm khác…để từ đó, mọi người tự giác thực hiện đúng theo tiêu chí văn hoá: ăn ở hợp vệ sinh.

Đối với việc phòng, chống các tệ nạn xã hội, vẫn còn nhiều điểm chích, hút ma tuý, bán số đề, cờ bạc, đá gà, cà phê “đèn mờ” tồn tại trong các khu dân cư mà nhiều nơi đã được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Phải làm sao để người dân yên tâm khi con em mình ra đường không bị các tệ nạn xã hội lôi kéo? Làm sao để người dân không vướng vào các tệ nạn xã hội và tích cực tố giác các hành vi sai phạm? Điều dễ nhận thấy là đối tượng vi phạm hầu hết do nghèo khó, thất học, không việc làm. Như vậy, giải pháp căn cơ là giáo dục nhận thức, phân tích các tác hại đối với gia đình và cộng đồng về các hành vi sai phạm đó. Nhận thức được việc làm sai trái chính là tự mình tránh xa các tệ nạn xã hội. Cùng với việc các ngành, đoàn thể giúp đỡ, tạo việc làm phù hợp với điều kiện của từng đối tượng để hạn chế đến mức thấp nhất các tệ nạn xã hội.

Nhiều người cho rằng quá trình đô thị hoá nhanh chóng sẽ làm phai nhạt mối quan hệ trong mỗi gia đình và trong cộng đồng. Điều này chỉ đúng một phần do tính cố kết xã hội đô thị không bền chặt bằng ở nông thôn. Nơi đó có mối quan hệ dòng tộc, họ hàng, lối xóm lâu đời. Tuy nhiên, sự khép kín trong môi trường đô thị không có nghĩa là “đèn nhà ai nấy sáng”. Ở đó vẫn có hoạt động cộng đồng thông qua sinh hoạt tổ tự quản, sinh hoạt đoàn thể; thông qua các lễ hội.

Chính việc nâng cao nhận thức trong quan hệ cộng đồng sẽ khơi dậy tình tương thân, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cảm hoá người lầm lỗi, tiếp nhận và tạo sự hoà nhập cho người lầm lỗi…đó là sự phòng vệ chắc chắn trước các tệ nạn xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Những yếu tố đó tạo nên sự tiến bộ xã hội. Trong gia đình, khi mỗi nhà đều nhận thức được việc giữ gìn nề nếp gia phong, truyền thống gia đình thì các thành viên sẽ phấn đấu trong học tập, rèn luyện để giữ gìn truyền thống đó. Không hiếm những trường hợp vi phạm quy ước văn hoá, người ta không sợ việc xử phạt mà rất ngại và ân hận khi bị đưa ra kiểm điểm trước dân, vì như thế, sẽ ảnh hưởng đến uy tín gia đình. Có rất nhiều gia đình trong thành phố đã phát huy tốt truyền thống hiếu học. Âp, khóm và hội khuyến học có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng; bản thân các gia đình đều thi đua để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình ăn học thành tài.

Hiện tại, thành phố Cà Mau có 3.700 hộ trọ và hộ ghép. Có vẻ như các đối tượng này đang đứng ngoài cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”? Bởi số hộ này chưa được xem xét công nhận đạt chuẩn văn hoá. Cần khẳng định rằng dù là tạm trú nhưng họ vẫn là công dân đang sống trong thành phố này, cũng đóng góp và thụ hưởng những phúc lợi xã hội như những người khác. Vẫn biết đây là những hộ từ nơi khác đến sinh sống tạm thời, những sinh viên, học sinh đang học tập trung nhưng không hẳn tất cả đều “tạm thời” mà vẫn có những hộ do chưa hội đủ các điều kiện để lập hộ khẩu như: nhà ở, việc làm ổn định …Cần quan tâm hơn để tuyên truyền đối với những hộ này về các tiêu chí văn hoá. Không xét đến các đối tượng này thì bức tranh văn hoá của thành phố chúng ta vẫn chưa hoàn thiện.

Tiền đề đã có, những kết quả ban đầu rất cơ bản, đạt tiêu chí đô thị loại II là mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cà Mau. Nhưng quan trọng hơn cả là làm thế nào để mỗi một công dân thành phố luôn tự hào về thành phố của mình, luôn mong muốn thành phố “của mình” đẹp hơn, sạch hơn, an toàn hơn, thân thiện hơn; mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng thành phố từ những điều tưởng chừng như nhỏ nhất…