Vốn là xã miền núi thuộc diện nghèo nhất huyện Ba Vì (Hà Tây), nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, Minh Quang đã "đi" qua nhiều giai đoạn khó khăn. Những năm gần đây, nhờ sự quyết tâm của chính quyền và nhân dân trong việc đổi mới cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi nên đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Vì và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, những hộ thuộc diện đói nghèo được vay 3 triệu đồng/hộ để đầu tư chăn nuôi, mở rộng diện tích trồng trọt.
Đặc biệt, nhờ có hệ thống kênh mương kiên cố với tổng vốn đầu tư 20 triệu đồng, bà con một số thôn như Lặt, Víp, Minh Hồng, Đá Chông thuận lợi hơn trong việc sản xuất. Nếu trước đây, bà con chỉ trồng lúa, ngô, sắn, dong riềng, chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp thì hiện nay, xã đã có trên 100 hộ phát triển nghề chế biến bột sắn, dong riềng và dịch vụ, thương mại; nhiều mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao đã xuất hiện.
Xác định lợi thế của địa phương là vùng vừa có đồi gò, vừa có bãi bồi ven sông nên chính quyền xã chủ trương đa dạng mô hình sản xuất. Vùng đồi gò chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê), trang trại VACR, trồng cây ăn quả, măng Điền Trúc, chè, sắn…; vùng bãi bồi ven sông trồng cây lương thực, các loại rau màu, chăn nuôi lợn, gia cầm. Nhờ đó, quỹ đất của xã được khai thác triệt để, hệ số sử dụng đất đạt 2 – 3 lần/năm. Năm 2001, bình quân thu nhập chỉ đạt 2 triệu đồng/người thì năm 2007, con số này đã là 5 triệu đồng/người.
Đến thăm trang trại VACR của gia đình ông Nguyễn Văn Nhâm ở thôn Minh Phú, chúng tôi vô cùng khâm phục quyết tâm làm giàu của một thương binh đã ngoài 60 tuổi. Năm 1981, ông Nhâm vay vốn ngân hàng để khai hoang đồi rừng trồng sắn, dong riềng. Nhưng thu nhập không như ý. Năm 1996, ông quy hoạch lại 6ha đất rừng để làm trang trại VACR, đào ao nuôi cá thương phẩm, trồng tràm, sắn và dong riềng.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, 6.000 con cá chép lai và rô phi đơn tính lớn nhanh. Sau hơn 4 tháng, cá có trọng lượng 1,2 – 1,5kg/con, bình quân gia đình ông Nhâm thu 6 tấn cá thịt/năm. ông còn đầu tư mua máy nổ, máy nghiền và máy lọc để chế biến tại chỗ bột dong riềng, cung cấp cho các làng nghề chế biến nông sản; bã thải được dùng nuôi cá, lợn và làm phân bón. ông Nhâm cho biết: “Mỗi năm tôi bán 8 tấn tinh bột sắn, dong riềng; 4 tấn lợn thịt, … tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.
Rời trang trại của ông Nhâm, đi thăm một số gương điển hình làm giàu khác trong xã. Tất cả chứng minh cho nhận định: kinh tế – xã hội của Minh Quang ngày càng phát triển, hàng trăm hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng thậm chí tiền tỷ một năm từ nông nghiệp nhờ biết đổi mới cách thức sản xuất và lựa chọn mô hình kinh tế thích hợp.
Đặc biệt, xã đang thi công công trình kè bờ hữu sông Đà nhằm giúp bà con vùng bãi yên tâm sản xuất. ông Nguyên tự hào: “Năm 2007, toàn xã gieo trồng được 921, 9ha cây lương thực và rau màu các loại. Ngoài ra, bà con còn trồng 10ha chè, 7ha cây ăn quả; chăn thả hơn 600 con dê, 760 con bò sinh sản và khoảng 2.000 bò thịt. Nhờ đó, năm 2007, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 57 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với năm 2006. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 9%”.
Do đời sống vật chất được đảm bảo nên đời sống văn hoá, tinh thần của bà con cũng được chính quyền quan tâm . Hiện, 95% số hộ trong xã đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Năm học 2006 – 2007, xã Minh Quang có 30 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đó là niềm vinh dự lớn và là sự khích lệ không nhỏ đối với đồng bào miền núi nơi đây. Minh Quang đã và đang tiến kịp miền xuôi.